Doanh nghiệp vẫn khó tiếp cận vốn

Theo thống kê, hiện, số doanh nghiệp vừa và nhỏ trên địa bàn TP Hà Nội đang hoạt động chiếm trên 98%/tổng số các doanh nghiệp trong cả nước. Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn ngân hàng.

Giám đốc Phân tích Công ty cổ phần chứng khoán Sài Gòn – Hà Nội (SHS) Ngô Thế Hiển chia sẻ.

Hơn 50 doanh nghiệp đã tham gia chương trình kết nối “Các giải pháp vốn tín dụng” do Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội (Hanoisme) phối hợp cùng Trung tâm Hỗ trợ doanh nghiệp Hà Nội (Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội) tổ chức chiều 24/8.

Toàn cảnh sự kiện. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương cho biết, trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang chịu tác động mạnh của các biến đổi và thách thức không ngừng, việc nâng cao hiệu suất sản xuất kinh doanh đòi hỏi sự đầu tư thông minh và hiệu quả về vốn và tín dụng.

Thời gian qua, Chính phủ, UBND TP Hà Nội đã triển khai hệ thống chính sách đồng bộ thông qua việc tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tiếp cận các nguồn lực để phát triển.

Phó Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Doanh nghiệp Hà Nội Đặng Thị Hương. Ảnh: Khắc Kiên

DNNVVV được hưởng nhiều chính sách ưu đãi, là một trong 5 lĩnh vực ưu tiên được áp dụng chính sách trần lãi suất cho vay ngắn hạn, khác. Song, sức hấp thụ vốn của doanh nghiệp, nền kinh tế bị suy giảm, dẫn tới việc các ngân hàng khó giải ngân tín dụngnên việc tiếp tục triển khai các giải pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất về vốn – tín dụng, qua đó thúc đẩy tăng trưởng, đảm bảo mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.

“Do đó, chương trình hướng tới mục đích giúp doanh nghiệp các giải pháp tháo gỡ khó khăn về vốn, thị trường và hỗ trợ các hoạt động tư vấn quản trị doanh nghiệp hữu ích đến từ diễn giả là các nhà lãnh đạo, doanh nhân” - bà Đặng Thị Hương nói.

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh. Ảnh: Khắc Kiên

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hanoisme Mạc Quốc Anh đã khái quát về ý nghĩa của chương trình. Hanoisme đã tổ chức nhiều chương trình kết nối giao thương, xúc tiến thương mại đào tạo… trong đó vấn đề hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn, tài chính là rất quan trọng để duy trì hoạt động, tái sản xuất kinh doanh.

Mặc dù tín dụng đối với DNNVV là một trong năm lĩnh vực ưu tiên cấp tín dụng và được NHNN triển khai nhiều giải pháp để hỗ trợ khơi thông, hướng dòng vốn tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên, kết quả tín dụng đối với DNNVV vừa qua đã đạt được những kết quả tích cực, quy mô vốn tín dụng ngày càng lớn. Tuy nhiên, vẫn còn các DNNVV khó tiếp cận vốn ngân hàng và việc cho vay DNNVV vẫn gặp phải những khó khăn, bất cập.

“Hiện, số DNNVV trên địa bàn Hà Nội đang hoạt động chiếm số lượng lớn, trên 98%/tổng số các doanh nghiệp trong cả nước. Đa số các doanh nghiệp khó khăn trong việc tiếp cận vốn tín dụng trong thời gian qua, có quy mô nhỏ, năng lực tài chính, trình độ quản trị hạn chế. Dù đã từng bước phục hồi sản xuất kinh doanh nhưng đến nay nhiều doanh nghiệp vẫn chưa đủ khả năng trả hết các khoản nợ đã được cơ cấu lại và khoản nợ đến hạn” – ông Mạc Quốc Anh thông tin.

Bên cạnh đó, kinh tế khó khăn, nguồn lực của doanh nghiệp bị cạn kiệt dẫn tới việc các doanh nghiệp không đủ điều kiện để vay vốn ngân hàng và ngân hàng cũng không thể tự ý hạ tiêu chuẩn, giảm các quy định, điều kiện cho vay mà vẫn phải theo quy định của pháp luật nhằm đảm bảo quản trị rủi ro, an toàn hệ thống. Theo đó, nguyên nhân lớn nhất là hiện các doanh nghiệp thiếu đơn hàng để sản xuất, trong khi chi phí sản xuất tăng cao khiến hiệu quả hoạt động suy giảm. Nhiều doanh nghiệp phải cắt giảm lao động, thu hẹp sản xuất, thậm chí phải đóng cửa, ngừng hoạt động vì thua lỗ, dẫn tới nhu cầu vốn vay giảm.

Nhân dịp này, Hanoisme cũng đã trao quyết định kết nạp hội viên mới của Hiệp hội và các doanh nghiệp hội viên mới giới thiệu về tiềm năng, mong muốn của mình.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-van-kho-tiep-can-von-729730.html