Doanh nghiệp ứng phó với 'cú sốc' giảm doanh thu

Hầu hết các ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam đang đối diện với tình trạng giảm đơn hàng tại các thị trường chủ đạo như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc.

Đơn hàng giảm, doanh thu lao dốc

Tổng giám đốc Tổng công ty May Đáp Cầu Lương Văn Thư cho biết, ngay từ đầu quý III này, đơn vị gặp khó khăn về thị trường, tìm kiếm nguồn hàng và đơn hàng xuất khẩu. Tại thị trường chính như Mỹ, EU, đơn hàng những tháng cuối năm đã giảm tới 50%.

Tương tự, Công ty XNK Thủy sản Nam Á (Khánh Hòa) cho biết, lượng đơn hàng đi Mỹ và EU cho các tháng 9, 10 hiện đang giảm khoảng 40 - 50%, các đơn hàng của tháng 12 cũng đang bị hoãn, một số giảm số lượng. Ước tính, doanh thu năm 2022 có thể giảm khoảng 30% so với dự kiến.

Lạm phát toàn cầu tăng cao, tiêu dùng thắt chặt, khiến đơn hàng ngành gỗ sụt giảm mạnh

Ông Nguyễn Xuân Hoạt, Giám đốc công ty này nhận định, nguyên nhân đơn hàng giảm là do tiêu thụ giảm. Trước đây, trung bình mỗi tháng một gia đình ở Mỹ sử dụng khoảng 500 USD để mua 2kg tôm thì nay với số tiền đó họ chỉ mua được 1,2kg.

“Đơn hàng giảm mạnh, lợi nhuận giảm, nhưng các chi phí khác như kho bảo quản, lương người lao động, nguyên liệu đầu vào khó giảm là thách thức không nhỏ”, ông Hoạt nói.

Nhận định tác động từ việc giảm đơn hàng đến toàn ngành, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng Thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) cho rằng, ngành thủy sản Việt Nam khó đạt mốc xuất khẩu trên 10 tỷ USD như năm 2022.

Hệ lụy đến năm 2023, nhiều doanh nghiệp sẽ gặp khó về tài chính, khi từ đầu tháng 8, các ngân hàng đều thông báo sẽ không cho vay khoản vay mới, khiến các doanh nghiệp không thu mua được nguyên liệu.

“Chi phí vốn lớn, thị trường đầu ra khó, ngân hàng siết tín dụng... là cơn ác mộng cho ngành thủy sản thời gian tới”, ông Nam nói và cho rằng, nếu không vượt qua được, doanh nghiệp sẽ khó quay lại thị trường.

Công ty TNHH Dương Nam (Long An), chuyên xuất khẩu rau quả tươi và sản phẩm sấy khô cũng đang chịu chung số phận.

Ông Vũ Văn Kiên, Giám đốc công ty cho biết, hơn 2 tháng nay, công ty chỉ có 6 hợp đồng xuất khẩu, trong đó có 2 hợp đồng xuất sang EU, 1 hợp đồng xuất đi Hàn Quốc và 4 hợp đồng xuất đi Trung Đông, với số lượng chỉ bằng 50% quý II/2022 và bằng 65% quý I/2022. Doanh thu có thể thâm hụt hàng chục tỷ đồng, ông Kiên bày tỏ lo lắng cho kế hoạch kinh doanh của năm 2023.

Khó khăn nhất có lẽ phải kể đến ngành gỗ. Ông Đỗ Xuân Lập, Chủ tịch Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam cho biết, tình hình xuất khẩu sụt giảm rất mạnh ở thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, châu Âu, Anh. Nhiều doanh nghiệp hội viên mất khoảng 50% đơn hàng, có đơn vị chưa nhận được đơn hàng những tháng 12 và đầu năm 2023.

“Kết quả khảo sát cho thấy, có đến hơn 90% doanh nghiệp bị giảm đơn hàng xuất khẩu so với cùng kỳ 2021, trong đó có tới 32 doanh nghiệp có mức giảm tới 90%; 73% doanh nghiệp giảm doanh thu, thậm chí nhiều đơn vị giảm 70 - 90%”, ông Lâm nói.

Ứng phó cách nào?

Trước thực tế đó, ông Lâm cho biết, hiện nay doanh nghiệp đang chủ động cắt giảm bớt lao động, nhiều nơi chỉ giữ lại 50% nhân công và cho làm việc luân phiên. Ngoài ra, họ cũng đang cắt giảm chi phí để “cầm cự” khi tồn kho ngày càng cao.

Chị Nguyễn Thị Oanh (Nghệ An), làm công nhân tại một công ty gỗ (huyện Thạch Thất, Hà Nội) cho biết, công ty thiếu việc nên chị phải nghỉ luân phiên “làm 1 tuần, nghỉ 1 tuần”, thời gian nghỉ được hỗ trợ 80% lương tối thiểu của ngày.

Còn ông Hoạt thì chia sẻ, việc đơn hàng giảm xuất phát từ nỗi lo lạm phát, không chỉ xảy ra ở một thị trường mà là vấn đề toàn cầu. Bởi vậy, thời gian tới, thay vì để tồn kho chờ đơn hàng, công ty sẽ tăng cường xây dựng kênh bán hàng ở nội địa. “Tôi chỉ e giá cao, người mua khó chấp nhận. Tôi chấp nhận không chạy theo tăng trưởng để đẩy hàng, nếu tình huống xấu xảy ra”, ông Hoạt nói.

Những mặt hàng khác thì không dễ như hàng nông sản vì thị trường nội kén khách. Ông Lê Tiến Trường, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) bày tỏ, thời điểm cuối năm vẫn còn đó những biến động khó dự báo, nhất là sự biến động về giá của nguyên, nhiên liệu, lạm phát ở các thị trường xuất khẩu chính. Do đó, ngành dệt may cần có chiến lược lâu dài, tăng khả năng cạnh tranh.

“Ngành may mặc cần ưu tiên khả năng cung ứng trọn gói, sản xuất được cả sợi, vải và may; tiên phong sản xuất sản phẩm xanh, sản phẩm tái chế để thúc đẩy xuất khẩu sang các nước châu Âu. Tôi thấy, đây lại là cơ hội của chúng ta, để khi qua thời điểm đó, chúng ta có thêm thành quả mới”, ông Trường góp ý.

Đưa ra giải pháp, đại diện Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương) cho rằng, các cơ quan quản lý Nhà nước cần hỗ trợ các doanh nghiệp trong việc tìm kiếm nguồn cung nguyên vật liệu thay thế với giá cả phù hợp để đảm bảo đủ nguyên, nhiên, vật liệu phục vụ cho sản xuất, tăng tính cạnh tranh, chuẩn bị cho mùa mua sắm cuối năm.

Bên cạnh đó, cơ quan quản lý cần tập trung hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tốt các FTA đã ký kết để tăng tốc sản xuất, xuất khẩu; các hiệp hội ngành hàng nắm bắt tình hình và xử lý, tháo gỡ khó khăn kịp thời, kết nối nhiều thị trường để tìm kiếm đối tác mới, giảm phụ thuộc vào một thị trường.

Riêng với thị trường Trung Quốc, vị đại diện cho rằng, cần tập trung triển khai đề án thúc đẩy thương mại chính ngạch; định hướng doanh nghiệp chuyển nhanh, chuyển mạnh hoạt động xuất khẩu thị trường Trung Quốc sang hình thức chính ngạch bền vững.

Báo cáo từ Bộ Công thương cho thấy, Mỹ, Trung Quốc, EU tiếp tục là những thị trường xuất khẩu chủ lực của Việt Nam trong 8 tháng đầu năm. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ ước đạt 77,7 tỷ USD, tăng 25,6% so với cùng kỳ năm trước và chiếm 31% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước; xuất khẩu sang thị trường EU ước đạt 32 tỷ USD, tăng 24%; xuất khẩu sang Trung Quốc với kim ngạch đạt 34,3 tỷ USD, tăng 2,9%.

Bộ Công thương cũng dự báo, từ nay đến cuối năm, hoạt động xuất khẩu sẽ đối mặt với nhiều khó khăn, nhất là khi các thị trường nhập khẩu hàng hóa lớn của Việt Nam như Hoa Kỳ, EU chịu ảnh hưởng của lạm phát và suy thoái.

Hồng Hạnh

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-ung-pho-voi-cu-soc-giam-doanh-thu-d566547.html