Doanh nghiệp tư nhân: Dấu ấn 3 thập kỷ và con đường phía trước

Đến nay, kinh tế tư nhân đã đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Sự thay đổi ngoạn mục

Việt Nam có lịch sử phát triển doanh nghiệp tư nhân mới chỉ hơn 30 năm kể từ khi có những đạo luật đầu tiên cho doanh nghiệp. Dù ngắn ngủi hơn rất nhiều so với nhiều quốc gia và khu vực trên thế giới, tuy nhiên đến nay, kinh tế tư nhân đã có sự chuyển mình nhanh chóng, đóng vai trò ngày càng quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội, làm thay đổi diện mạo đất nước, tạo dấu ấn, nâng cao vị thế, uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế.

Về số lượng, tính trung bình trong giai đoạn 2010 - 2021, bình quân mỗi năm có trên 100.000 doanh nghiệp được thành lập. Đặc biệt, giai đoạn 2018 - 2022, mỗi năm có hơn 130.000 doanh nghiệp được thành lập mới.

Đội ngũ doanh nhân ngày càng lớn mạnh, tinh thần kinh doanh, tinh thần đổi mới và khát vọng vươn lên của khu vực kinh tế tư nhân ngày càng mạnh mẽ, trách nhiệm xã hội, đạo đức, văn hóa ngày càng lan tỏa sâu rộng. Số lượng tỷ phú tại Việt Nam có mặt trong danh sách Forbes đã có sự thay đổi vượt trội, từ 1 đại diện vào năm 2006 đến thời điểm tháng 8/2023, là 6 đại diện.

Khối doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn chưa thực sự trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng.

Khối doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn chưa thực sự trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng.

Dù được khẳng định vai trò trong nền kinh tế, khối doanh nghiệp tư nhân Việt vẫn chưa thực sự trở thành lực lượng hùng mạnh như kỳ vọng, các doanh nghiệp tư nhân lớn chưa đạt được tầm cỡ thế giới. Một số doanh nghiệp tư nhân lớn đã xuất hiện nhưng số lượng chưa nhiều và các thương hiệu Việt Nam vẫn có giá trị thấp hơn các thương hiệu của nhiều quốc gia Đông Nam Á.

Doanh nghiệp tư nhân quy mô nhỏ và vừa gặp phải nhiều trở ngại (cả khách quan và chủ quan) trong quá trình phát triển. Do vậy, số lượng doanh nghiệp từ quy mô nhỏ vươn lên quy mô vừa, từ quy mô vừa vươn lên quy mô lớn khá ít ỏi và thường diễn ra với tốc độ khá chậm.

Những đánh giá gần đây cho thấy những trở ngại ngăn cản doanh nghiệp tăng trưởng quy mô là: Môi trường kinh doanh vẫn thiếu thuận lợi, doanh nghiệp tư nhân chưa hoàn toàn được đối xử thuận lợi như với doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp nhà nước; Doanh nghiệp tư nhân gặp khó khăn trong tiếp cận đất đai, vốn, thị trường, khách hàng và các bất lợi về thuế, hải quan; Rủi ro về thay đổi chính sách và pháp luật kinh doanh khiến việc đầu tư kinh doanh của doanh nghiệp thường có tính ngắn hạn, nhỏ lẻ mà không có tính chiến lược dài hạn.

Bên cạnh đó, doanh nghiệp tư nhân trong nước hầu hết có quản trị yếu, kỷ luật thị trường chưa đảm bảo, chưa chú trọng đầu tư công nghệ và có tầm nhìn dài hạn.

Con đường phía trước

Trong tương lai, một xu hướng thực sự có ý nghĩa và sẽ giữ vai trò đặc biệt quan trọng đối với cả sự phát triển của toàn bộ khu vực doanh nghiệp tư nhân, đó là quốc gia số - kinh tế số - xã hội số. Đây chính là xu hướng của tương lai, được thể hiện trong một số điểm nổi bật.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước.

Sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân đã trở thành động lực quan trọng làm thay đổi diện mạo đất nước.

Thứ nhất, Việt Nam là một trong số các quốc gia có tỉ lệ sử dụng Internet tăng trưởng cao nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Đến năm 2023, Việt Nam có tổng cộng gần 78 triệu người dùng Internet, chiếm tỉ lệ 79,1% tổng dân số. Việt Nam cũng có hơn 77 triệu người dùng Facebook, 62,5 triệu người dùng Youtube, 54 triệu người dùng Messenger và hàng triệu tài khoản mạng xã hội khác. Điều đáng nói đây đều là những con số này vẫn đang tiếp tục gia tăng mà không có dấu hiệu chững lại.

Đó chỉ là một trong số ít những ví dụ cho thấy kinh tế số Việt Nam có tiềm năng phát triển rất lớn. Và các doanh nghiệp tư nhân hoàn toàn có lợi thế trong một việc phát triển nền kinh tế số và có thể biến đây thành “sân nhà” cho mình.

Thứ hai, trong khoảng thời gian 5 - 6 năm gần đây, Việt Nam đã ban hành và đưa vào thực thi nhiều chiến lược về phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số như Đề án hỗ trợ học sinh, sinh viên khởi nghiệp đến năm 2025; Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030; Chiến lược Cách mạng công nghiệp 4.0 đến năm 2030; Chiến lược quốc gia phát triển kinh tế số và xã hội số đến năm 2025, định hướng đến năm 2030….

Các chương trình này được Chính phủ, lãnh đạo Chính phủ rất quan tâm, khẳng định cam kết và dành nguồn lực lớn để thực hiện, tạo không gian về chính sách và định hướng rất quan trọng quá trình chuyển đổi

Thứ ba, sẽ có nhiều ngành, lĩnh vực kinh tế ngày càng tiềm năng và có thể trở thành chìa khóa của các doanh nghiệp tư nhân để tập trung ưu tiên phát triển trong thời gian tới.

Trước hết, các lĩnh vực liên quan đến kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, phát triển bền vững tại Việt Nam đã và đang phát triển rất mạnh. Chưa bao giờ, chúng ta lại chứng kiến sự quan tâm của cộng đồng doanh nghiệp và quyết tâm của Chính phủ đối với vấn đề này lại lớn đến như vậy.

Để thúc đẩy phát triển kinh tế tư nhân tiếp tục phát triển, giữ vững vai trò là một động lực quan trọng trong nền kinh tế, các chính sách trong thời gian tới cần tiếp tục được hoàn thiện theo hướng không chỉ tạo thuận lợi với doanh nghiệp trong gia nhập thị trường mà còn giúp doanh nghiệp sống sót và tăng trưởng.

Bên cạnh đó, cần có chính sách nhằm thúc đẩy liên kết giữa các doanh nghiệp, khuyến khích doanh nghiệp tư nhân lớn, doanh nghiệp FDI liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp Nhà nước; đồng thời nâng cao năng lực của các doanh nghiệp khi tham gia mạng lưới sản xuất, chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị toàn cầu.

Nguyễn Hoa Cương - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương, Bộ KH&ĐT

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-tu-nhan-dau-an-3-thap-ky-va-con-duong-phia-truoc-a630217.html