Doanh nghiệp truyền dẫn phát sóng kêu giá thấp, phải bù lỗ

Thị trường truyền dẫn phát sóng truyền hình đã bắt đầu hình thành và bước đầu có cạnh tranh khi có 3 doanh nghiệp chính thức tham chiến. Nhưng các doanh nghiệp đều kêu giá dịch vụ thấp và đang phải bù lỗ một phần.

Ông Nguyễn Công Dự, Phó Tổng giám đốc AVG, đơn vị truyền dẫn phát sóng truyền hình số DVB-T2 có vùng phủ sóng rộng nhất hiện nay cho biết, trong số 4 tần số được cấp thì AVG sử dụng 3 tần số để truyền dẫn các kênh truyền hình trả tiền. AVG cố gắng cũng chỉ dành được một phần nhỏ tần số để phát sóng các kênh truyền hình thiết yếu cho các đài địa phương. Một kênh tần số này sẽ truyền dẫn tối đa không quá 20 kênh chuẩn SD, phát sóng mạng đơn tần.

Ông Dự cho hay, AVG đã tạm tính mức giá phát sóng cho các tỉnh ước khoảng 1,5 tỷ đồng/năm đến 2,5 tỷ đồng/năm phát sóng 1 kênh chuẩn SD. Với mức phí này cũng chưa có lợi nhuận mà phải bù lỗ một phần cho các đài địa phương. Chi phí để vận hành mạng phát sóng truyền hình số khá cao, nhất là đối với những tỉnh có địa hình rộng và phức tạp như Quảng Ninh sẽ rất khó khăn cho các doanh nghiệp phát sóng khu vực. Lợi thế của AVG là có thể truyền dẫn cả hạ tầng số mặt đất, hoặc truyền dẫn vệ tinh cho những khu vực mà sóng truyền hình số mặt đất không thể phủ tới.

Bà Lại Thị Bích, Ủy viên Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần truyền dẫn phát sóng truyền hình số đồng bằng Sông Hồng (RTB) cho biết, do được nhà nước cấp giấy phép và giao nhiệm vụ thiết lập mạng để truyền dẫn phát sóng cho 14 đài PT-TH thuộc khu vực Bắc Bộ nên RTB ưu tiên đầu tiên phục vụ 14 đài, sau đó còn băng thông sẽ nhận phát sóng kênh xã hội hóa để bù đắp chi phí đầu tư. Tính đến nay, RTB đã ký hợp đồng phát sóng cho hai đài PT-TH Hà Nội và Hải Phòng đều phát chuẩn HD với dung lượng 5Mb, chất lượng hình ảnh âm thanh rất tốt.

Nếu 14 tỉnh Bắc Bộ đề nghị bố trí dung lượng để phát chuẩn HD thì với 3 kênh tần số được cấp sẽ đủ để phát sóng chuẩn HD cho 14 tỉnh. RTB đã xây dựng mức đơn giá truyền dẫn trung bình 1Mb giá từ 1,5 - 1,7 tỷ đồng/năm, với dung lượng chuẩn HD 5Mb như đài PT-TH Hà Nội và Hải Phòng đang thuê thì chi phí tầm từ 7,5 tỷ đồng - 8 tỷ đồng/năm. Chuẩn SD tối thiểu dung lượng cũng phải 2Mb thì chất lượng hình mới tốt được, như vậy chi phí truyền dẫn 1 kênh chuẩn SD cũng từ 3 tỷ đến 3,5 tỷ đồng/năm.

Bà Bích cũng cho hay, RTB và các đài địa phương ký hợp đồng hai chiều, hợp đồng thuê truyền dẫn và hợp đồng trả kinh phí sử dụng hạ tầng của đài. RTB cam kết sử dụng tất cả hạ tầng như nhà trạm, máy phát, cột của của các đài địa phương và chi trả lại phần kinh phí này cho các đài. Ví dụ, RTB đang đàm phán với Đài PT-TH Hà Nam, riêng phần sử dụng hạ tầng của Hà Nam, RTB đã trả cứng cho Hà Nam 800 triệu đồng/năm, chưa kể chi phí tiền điện, tiền trả lương cho cán bộ kỹ thuật của đài, RTB cũng hỗ trợ đào tạo kỹ thuật cho các nhân viên của đài địa phương.

Bà Bích cũng lưu ý các đài địa phương không nên dùng giải pháp nén quá nhiều vì nếu dung lượng thấp vẫn có thể vẫn xem được nhưng ảnh hưởng tới chất lượng hình ảnh. Ví dụ, kênh SD truyền dẫn 1Mb sẽ không tránh khỏi vỡ hình, dừng hình vì băng thông quá thấp. Để đảm bảo nhất thì nên lựa chọn truyền dẫn kênh SD là 2Mb và kênh HD là 5Mb.

Hiện tại hầu hết các đài PT-TH địa phương đều đã trang bị và đang sản xuất các chương trình theo chuẩn HD. Với 3 kênh tần số được cấp thì chỉ phát tối đa được 15 kênh chuẩn HD. Do đó, trong trường hợp các đài tỉnh nào chính thức trả lời không sử dụng hạ tầng của RTB thì RTB sẽ cho các kênh xã hội hóa thuê lại. Đồng thời RTB sẽ chính thức báo cáo Bộ TT&TT về việc sử dụng tần số được cấp.

Vùng phủ sóng truyền hình số của SDTV.

Ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc công ty Truyền hình kỹ thuật số miền Nam (SDTV) cũng cho hay, đầu tư vào hạ tầng truyền dẫn phát sóng chi phí rất lớn. Theo tính toán thì phải 8 năm đầu tư doanh nghiệp mới có thể có lợi nhuận. Do đó, SDTV mới đây đã lên tiếng đề nghị Bộ TT&TT tháo bỏ khái niệm doanh nghiệp khu vực và doanh nghiệp toàn quốc cho hai doanh nghiệp khu vực là RTB và SDTV để hai đơn vị này có khả năng cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp toàn quốc, khi AVG chính thức nhảy vào thị trường truyền dẫn phát sóng với lợi thế của doanh nghiệp toàn quốc và có kinh nghiệm của người đi trước trong triển khai phát sóng truyền hình DVB-T2 mạng đơn tần đầu tiên ở Việt Nam.

Thứ trưởng Bộ TT&TT Phan Tâm nhắc nhở các doanh nghiệp phải cung cấp dịch vụ truyền dẫn phát sóng đúng theo cơ chế thị trường, phải tính đúng tính đủ chi phí để đảm bảo hiệu quả đầu tư của doanh nghiệp. Kể các doanh nghiệp lớn như AVG cũng không thể bù lỗ kéo dài, không doanh nghiệp nào được phép bù chéo từ dịch vụ khác sang cho dịch vụ truyền dẫn phát sóng.

Đình Anh

Nguồn ICTNews: http://ictnews.vn/vien-thong/so-hoa-truyen-hinh/doanh-nghiep-truyen-dan-phat-song-keu-gia-thap-phai-bu-lo-149685.ict