Doanh nghiệp 'tố' hãng tàu lợi dụng căng thẳng Biển Đỏ áp phí tùy tiện

Một số doanh nghiệp xuất khẩu cho biết có tình trạng hãng tàu lấy lý do tình hình căng thẳng ở Biển Đỏ để áp phí một cách tùy tiện.

Sáng 6-2, Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) phối hợp với các cơ quan của Bộ Giao thông vận tải, Bộ Ngoại giao, các hiệp hội ngành hàng tổ chức cuộc họp để thảo luận giải pháp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ.

Hãng tàu tự áp phí không rõ ràng

Chia sẻ tại cuộc họp, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), cho biết một tháng qua, cước phí vận chuyển đi Bờ Tây nước Mỹ đang tăng 70%, nhưng đi châu Âu đối với hàng đông lạnh đang tăng gần bốn lần.

“Cùng với khó khăn về suy giảm đơn hàng xuất khẩu, căng thẳng tại Biển Đỏ tạo thêm khó khăn cho các ngành hàng” - ông Nam nói.

Quang cảnh cuộc họp tháo gỡ khó khăn cho hoạt động xuất nhập khẩu do tình hình căng thẳng tại Biển Đỏ. Ảnh: N.H

Theo Phó Tổng thư ký của VASEP, chúng ta cũng chưa biết được tình trạng căng thẳng Biển Đỏ sẽ kéo dài bao lâu. Do vậy cộng đồng doanh nghiệp (DN) xuất khẩu lúc này rất cần sự chung tay, hỗ trợ của các hãng tàu, vì đây là mắt xích quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu.

Về phía Hiệp hội Hồ tiêu và cây gia vị Việt Nam, Chủ tịch Hiệp hội Hoàng Thị Liên dẫn chứng câu chuyện thực tế đang diễn ra với các DN là hãng tàu lấy lý do tình hình phức tạp ở Biển Đỏ để tăng chi phí không phù hợp. Có DN đã xếp hàng lên tàu từ ngày 20-12-2023, tuy nhiên đến nửa tháng sau khi tàu đã chạy vẫn bị phụ thu với giá 2.000 USD/container 40 feet.

“Việc áp dụng phí một cách tùy tiện, không báo trước, không qua đối thoại làm cho các nhà xuất khẩu nằm ở thế cá nằm trên thớt. Nếu DN không nộp phụ phí tăng thêm thì hãng tàu sẽ gửi thêm bản áp phụ phí thanh toán trễ khiến các DN rất bức xúc” - bà Liên nói, đồng thời đề xuất phải có chế tài đối với các hãng tàu, không để các hãng tàu tự tung tự tác tăng phí hay áp phí.

Cần thực hiện đúng quy định về giá cước, phụ phí

Ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, đánh giá xung đột Biển Đỏ không phải là vấn đề một quốc gia có thể giải quyết, Việt Nam cũng không thể tránh khỏi tác động.

Tuy nhiên, bằng cách nắm bắt thông tin nhanh nhất có thể, dự báo tác động chính xác nhất có thể và các biện pháp ứng phó phù hợp, chúng ta có thể hướng tới mục tiêu hạn chế thấp nhất những tác động tiêu cực. Thậm chí là có thể "biến nguy thành “cơ” đối với một số ngành.

Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, Cục và các đơn vị đồng chủ trì cũng như các Bộ, ngành liên quan sẽ tiếp thu, nghiên cứu các thông tin, ý kiến đề xuất của các đơn vị. Đồng thời theo dõi, bám sát tình hình để tham mưu cho lãnh đạo các Bộ, ngành liên quan cũng như báo cáo lên các cấp cao hơn để có giải pháp hỗ trợ cần thiết cho các DN.

Về phía các hãng tàu, ông Hải đề nghị trong bối cảnh như hiện nay cần duy trì tuyến, đưa container rỗng về để đảm bảo cho hoạt động xuất nhập khẩu cho DN Việt Nam. Đồng thời, thực hiện đúng quy định về niêm yết, về giá cước, phụ phí. Xem xét thêm khả năng có hình thức vận tải đa phương thức như đường sắt, đường biển và hàng không. Việc này cần sự kết hợp của nhiều đơn vị vận tải khác nhau để có thể vượt qua tác động của căng thẳng Biển Đỏ.

Liên quan đến áp dụng phụ thu của các hãng tàu, đại diện Cục Hàng hải Việt Nam cũng cho hay: Theo quy định tại Nghị định 146, các hãng tàu phải niêm yết công khai giá cước cũng như vấn đề phụ thu trên trang thông tin điện tử của hãng và thông báo cho khách hàng. Trong trường hợp thay đổi hoặc tăng thì phải thông báo trước 15 ngày.

Việc các hãng tàu lấy lý do Biển Đỏ để thực hiện tăng ngay giá phụ thu mà không có thông báo, áp dụng không đúng thì các DN gửi phản ánh về Cục Hàng hải Việt Nam. Cục cam kết sẽ xử lý đúng các trường hợp mà các hãng tàu, DN vi phạm trong việc niêm yết giá theo quy định của pháp luật.

AN HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-to-hang-tau-loi-dung-cang-thang-bien-do-ap-phi-tuy-tien-post775570.html