Doanh nghiệp tỉnh Long An đưa nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh

Một số doanh nghiệp tỉnh Long An chủ động xây dựng kế hoạch, tổ chức thực hiện chuyển đổi số, đưa những tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nền tảng số vào hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Công ty TNHH MTV Semitec Electronics Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất (Trong ảnh: Công nhân giám sát quá trình thực hiện sản phẩm trên máy vi tính).

Công ty TNHH MTV Semitec Electronics Việt Nam đẩy mạnh chuyển đổi số vào sản xuất (Trong ảnh: Công nhân giám sát quá trình thực hiện sản phẩm trên máy vi tính).

Chuyển đổi số (CĐS) mang lại những lợi ích rất lớn đối với doanh nghiệp (DN), góp phần tăng hiệu quả hoạt động sản xuất, kinh doanh, tiết kiệm các chi phí, giúp DN dễ dàng tiếp cận và hòa mình vào dòng chảy chung của thời đại.

Vì vậy, nhiều DN trên địa bàn tỉnh Long An đã bắt đầu thay đổi quy trình sản xuất, thực hiện số hóa, tự động hóa, áp dụng các nền tảng số trong hoạt động, bước đầu mang lại những tín hiệu tích cực.

Ông Quách Đăng Trung, đại diện Công ty TNHH MTV Semitec Electronics Việt Nam (huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An) cho biết, trong quá trình hoạt động, DN bắt buộc phải thay đổi, thích nghi để phù hợp trong mọi điều kiện và dự báo những vấn đề mới có thể xảy ra, ảnh hưởng đến cả quá trình hoạt động.

Thời gian qua, công ty đẩy mạnh CĐS, đưa các nền tảng số vào quá trình sản xuất cũng như quảng bá, tiếp cận các thị trường trong và ngoài nước; tuyển dụng, bồi dưỡng, đào tạo nâng cao trình độ của người lao động để thích ứng với quy trình chuyển đổi này. Bên cạnh đó, công ty từng bước thay đổi quy trình sản xuất, kinh doanh, áp dụng khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất.

Ông Phạm Quốc Vinh, đại diện Công ty Cổ phần Dược phẩm Việt (Đông dược Việt, huyện Thủ Thừa) cho rằng: Hiện nay, DN muốn tồn tại, phát triển thì phải thay đổi, áp dụng quy trình mới và khoa học - kỹ thuật tiên tiến vào sản xuất. CĐS là yêu cầu tất yếu hiện nay và công ty từng bước đẩy mạnh, đưa những nội dung của quá trình CĐS vào hoạt động tại nhà máy. Công ty đã nghiên cứu, chuyển đổi mô hình sản xuất, ưu tiên tự động hóa và đào tạo nhân sự phù hợp để thực hiện CĐS trong hoạt động sản xuất. Ngoài ra, Công ty còn đầu tư thêm một số thiết bị tự động hóa để phục vụ sản xuất.

Chuyển đổi số mang đến cho ngành Điện nhiều lợi ích đáng kể, từ tăng cường hiệu suất hoạt động đến tiết kiệm chi phí và bảo vệ môi trường. Bằng cách áp dụng các công nghệ tiên tiến như hệ thống tự động hóa, giám sát từ xa và phân tích dữ liệu, Công ty Điện lực Long An có thể tối ưu hóa vận hành mạng lưới và thiết bị. Điều này dẫn đến việc quản lý linh hoạt hơn, giảm thiểu sự cố và thời gian gián đoạn cũng như tăng cường đáng kể hiệu suất tổng thể của hệ thống.

Điện lực tăng cường sử dụng các giải pháp kỹ thuật số như hệ thống giám sát từ xa và phân tích dữ liệu, từ đó, có thể phát hiện sớm các vấn đề và sự cố trong hệ thống. Điều này giúp tránh các chi phí sửa chữa và giảm thiểu thời gian gián đoạn về cung cấp điện.

Hơn nữa, CĐS cung cấp khả năng tối ưu hóa tiêu thụ năng lượng thông qua hệ thống đo lường thông minh và phân tích dữ liệu. Việc giảm lượng năng lượng tiêu thụ không cần thiết không chỉ giúp tiết kiệm chi phí mà còn giảm tác động đến môi trường.

Bên cạnh đó, CĐS cũng mở ra cơ hội cho sự phát triển bền vững thông qua sử dụng công nghệ số, có thể tận dụng tối đa nguồn năng lượng tái tạo như điện mặt trời và điện gió.

Các hệ thống điện thông minh cũng cho phép tích hợp và quản lý các nguồn năng lượng phân tán, từ hệ thống lưu trữ năng lượng đến xe điện và hệ thống quản lý tiêu thụ năng lượng trong các tòa nhà.

Nhờ vào CĐS, mọi người có thể xây dựng một hệ thống điện bền vững và giúp giảm thiểu tác động đến môi trường. Đồng thời, CĐS trong ngành Điện còn cung cấp trải nghiệm tốt hơn cho khách hàng, tạo điều kiện thuận lợi nhất để khách hàng có thể tiếp nhận thông tin một cách nhanh chóng, chính xác, kịp thời từ ngành Điện.

Lê Hoàng Oanh - Giám đốc Cty Điện lực Long An - thông tin, để nâng cao chất lượng công tác dịch vụ khách hàng "kịp thời, uy tín, thuận tiện", Cty tiếp tục triển khai, thực hiện chương trình công tác nâng cao chất lượng dịch vụ khách hàng giai đoạn 2021-2025; trong đó, bám sát mục tiêu CĐS, triển khai áp dụng các ứng dụng công nghệ vào hoạt động sản xuất, kinh doanh để mang lại nhiều tiện ích cho khách hàng cũng như nâng cao năng suất lao động.

Mục tiêu năm 2023, Cty Điện lực Long An cố gắng hoàn thiện chương trình thay thế công tơ điện tử để thu thập chỉ số công tơ từ xa cho 80% tổng số khách hàng bán điện; số hóa 100% hợp đồng mua bán điện với hình thức khách hàng ký hợp đồng mua bán điện qua xác thực mã OTP gửi đến số điện thoại khách hàng đã đăng ký.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Nguyễn Thanh Truyền, cho biết, ngành Nông nghiệp triển khai ứng dụng cơ sở dữ liệu bảo đảm khả năng kết nối, chia sẻ, phục vụ xây dựng chính quyền số, đô thị thông minh. Khuyến khích người dân, doanh nghiệp tham gia các hoạt động tăng cường ứng dụng công nghệ số vào quy trình sản xuất, cung cấp dịch vụ nông nghiệp; truy xuất nguồn gốc, đưa sản phẩm nông nghiệp lên sàn thương mại điện tử...

Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Bộ TT&TT tiếp tục đẩy mạnh chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số.

Trước đó, nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh tối ưu hóa hoạt động, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực và lợi thế cạnh tranh, tạo ra các giá trị mới cho doanh nghiệp, góp phần phát triển kinh tế số của tỉnh và trong từng ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh; UBND tỉnh Long An xây dựng kế hoạch 856/KH-UBND triển khai thực hiện Chương trình hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh.

Với mục tiêu 100% doanh nghiệp đang hoạt động trên địa bàn tỉnh được tiếp cận Chương trình, cập nhật thông tin, nâng cao nhận thức về chuyển đổi số. Tối thiểu 100 doanh nghiệp được trải nghiệm các nền tảng số để chuyển đổi số doanh nghiệp.

Đối tượng là các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, đặc biệt là doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ kinh doanh có nhu cầu chuyển đổi số để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Các doanh nghiệp nền tảng số, cơ quan, tổ chức, hiệp hội, viện, trường có các công nghệ số, nền tảng số và các giải pháp hỗ trợ, thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số trong doanh nghiệp.

Song song với đó tổ chức hội thảo, hội nghị đa dạng bằng hình thức trực tiếp hoặc trực tuyến về chuyển đổi số cho doanh nghiệp; phối hợp với các cơ quan, tổ chức, hiệp hội ngành nghề triển khai tổ chức các hội thảo, hội nghị về chuyển đổi số cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa theo ngành, lĩnh vực trên địa bàn tỉnh.

Đào Cảnh

Nguồn VietnamNet: https://vietnamnet.vn/doanh-nghiep-tai-long-an-dua-nen-tang-so-vao-hoat-dong-san-xuat-kinh-doanh-2191628.html