Doanh nghiệp tìm giải pháp vượt khó khi thị trường suy thoái

Dù trải qua một năm chịu nhiều tác động do thị trường toàn cầu, nhưng rất nhiều doanh nghiệp Việt Nam vẫn nỗ lực giữ nhịp sản xuất. Trong khó khăn họ đã chủ động có những giải pháp phù hợp để giúp doanh nghiệp cầm cự và đứng vững.

Doanh nghiệp chủ động nhiều giải pháp để vượt qua khó khăn. Ảnh: Sơn Nam

Ngành dệt may đổi mới công nghệ, giảm thiểu chi phí

Dù là ngành đứng ở vị thế thứ 2, 3 trên thế giới, được đánh giá là một trong những cường quốc về sản xuất hàng hóa dệt may và luôn nằm trong 5 nước đứng đầu thị trường này, nhưng trong bối cảnh chung hiện nay, lượng cầu của thế giới đột ngột giảm sút do kinh tế thế giới suy giảm cũng tác động khá lớn đến ngành dệt may Việt Nam.

Theo dự báo của các chuyên gia, năm 2023 kinh tế toàn cầu tiếp tục suy giảm, nhu cầu mặt hàng dệt may chỉ đạt hơn 750 tỷ USD, giảm hơn 50 tỷ USD so với năm 2022. Do đó, các doanh nghiệp dệt may Việt Nam được dự báo sẽ tiếp tục rơi vào tình trạng thiếu đơn hàng hoặc chỉ nhận được đơn hàng trong ngắn hạn với số lượng ít. Một số thị trường lớn như: Mỹ, châu Âu, Hàn Quốc sức mua vẫn yếu.

Dù vậy, ông Lê Tiến Trường - Chủ tịch Hội đồng Quản trị Vinatex khẳng định, đây chỉ là giai đoạn mang tính chất ngắn hạn. Đối với ngành dệt may, điều quan trọng là vị trí trong chuỗi cung ứng, làm sao vẫn phục vụ được các đối tác dài hạn có tên tuổi và giữ được vị trí đó. Bên cạnh đó, phải giữ cho được đội ngũ lao động có trình độ cao để đảm bảo khi thị trường phục hồi thì có ngay lực lượng để đáp ứng yêu cầu sản xuất.

"Đối với doanh nghiệp dệt may hiện nay đang tập trung vào việc cải thiện năng suất lao động, hiệu quả quản trị, tiết giảm các chi phí”- ông Lê Tiến Trường cho biết.

Tất nhiên, dệt may Việt Nam là một trong những ngành có mức độ tiết kiệm rất cao, bởi chỉ có tiết kiệm cao thì mới có năng lực cạnh tranh trong một ngành nghề cạnh tranh xuyên suốt của toàn thế giới, mà Việt Nam lại là nước có chi phí lao động cao hơn các quốc gia khác. Tuy vậy, doanh nghiệp dệt may vẫn tiếp tục đặt ra mục tiêu là cắt giảm chi phí; tập trung vào đổi mới công nghệ, tự động hóa để giảm sức lao động cũng như số lượng lao động cần phải sử dụng, qua đó, tăng năng suất và tăng năng lực cạnh tranh.

Doanh nghiệp là trụ đỡ của nền kinh tế. Doanh nghiệp mạnh thì người lao động cũng được ấm no, kinh tế mới phồn vinh. Do đó, bên cạnh nỗ lực tự thân của doanh nghiệp, thì rất cần nguồn vốn tín dụng hỗ trợ kịp thời, cùng với các chính sách khác được ban hành trợ lực kịp lúc, giúp doanh nghiệp có động lực vươn lên, đứng vững trong bối cảnh thị trường thế giới có nhiều biến động hiện nay.

Xuất khẩu nông sản chủ động vượt khó

Với hàng trăm sản phẩm chế biến từ các loại trái cây và xuất khẩu 20 quốc gia trên thế giới, gần đây, doanh nghiệp GC food còn phát triển thêm các sản phẩm từ yến. Đến thời điểm này, GC food đã xuất khẩu ra thị trường nước ngoài khoảng 10.000 tấn nha đam, 5.000 tấn thạch dừa, tăng trưởng khoảng 20-30% so với cùng kỳ năm ngoái. Nha đam và thạch dừa là hai dòng sản phẩm chủ lực của hệ thống doanh nghiệp được yêu thích và tiêu thụ nhiều nhất ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Hiện tại, dòng sản phẩm này được bán cho những nhà sản xuất sữa, nước giải khát có vị thế thuộc top 5 ở thị trường Hàn Quốc và Nhật Bản. Thậm chí có những nhà sản xuất hiện tại là top 1 của thế giới về nước uống nha đam…

Ông Nguyễn Diệp Pháp - Phó Tổng giám đốc phụ trách khối kinh doanh quốc tế của GC Group cho hay, từ giữa quý III/2022 đến nay, cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu đang diễn ra một cách rõ ràng và tác động vào sức mua nhiều hơn. Năm vừa qua, công ty muốn phát triển 30% doanh thu đến từ thị trường châu Âu, nhưng hiện tại mới chỉ được 10%, có nghĩa là sự suy thoái đang đến từ châu Âu. Tuy nhiên, ông Pháp cho biết, công ty cũng may mắn là có những khách hàng là những đối tác lâu dài của công ty, đặc biệt đến từ Nhật Bản và Hàn Quốc, họ vẫn giữ vững đơn hàng. Bên cạnh đó, việc GC food tăng trưởng về doanh số so với năm ngoái, đây là điều rất mừng giữa thời điểm này khi mà cuộc khủng hoảng suy thoái kinh tế của toàn cầu đang diễn ra.

Hoa Kỳ vẫn là thị trường chính của mật ong Việt Nam mặc dù bị áp thuế chống bán phá giá trên dưới 60%. Theo đánh giá của các chuyên gia, mặc dù ngành mật ong rất nhỏ nhưng hiện sản phẩm này đã xuất khẩu đi nhiều nước lớn trong đó có Hoa Kỳ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… Các thị trường này đều chấp nhận mật ong Việt Nam, điều này đồng nghĩa mật ong Việt Nam đáp ứng các yêu cầu từ các thị trường khó tính nhất, từ truy xuất nguồn gốc đến quản lý hồ sơ lây bệnh.

Hiện nay, mật ong Việt Nam đang thuộc top đầu thế giới về chất lượng và đứng thứ nhì châu Á về sản lượng, với tổng sản lượng xuất khẩu hàng năm đạt khoảng 60.000 tấn. Nhiều doanh nghiệp đã và đang xuất khẩu mật ong Việt Nam như công ty cổ phần Tập đoàn Xuân Nguyên với tổng sản lượng 10.000 tấn/năm, tỷ trọng xuất khẩu chiếm khoảng 20% và còn lại phục vụ thị trường nội địa.

Trong tình hình kinh tế thế giới và trong nước đang chịu nhiều áp lực, ông Lư Nguyễn Xuân Vũ - Nhà sáng lập, Tổng giám đốc công ty cổ phần đầu tư tập đoàn Xuân Nguyên chia sẻ, các doanh nghiệp đang tìm mọi cách xoay xở nguồn vốn để có thể đứng vững trong bối cảnh hiện nay.

“Rất nhiều anh em trong cổ đông chúng tôi đang tìm cách đi để vay nguồn vốn cá nhân bằng tài sản của mình. Khi vay cá nhân như thế, có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp mượn lại sử dụng để đủ nguồn tài chính. Không riêng gì Tập đoàn Xuân Nguyên mà nhiều doanh nghiệp cũng rất cần vốn để có thể đầu tư phát triển và hồi phục sau đại dịch” - ông Lư Nguyễn Xuân Vũ trải lòng về cách doanh nghiệp xoay xở trong bối cảnh khó tiếp cận nguồn vốn.

Trong khi đó, ngành nhựa trước đó dự báo sẽ duy trì nhịp tăng trưởng cao tới 15%/năm, thế nhưng, trước thách thức nền kinh tế thế giới và trong nước, các chuỗi cung ứng đứt gãy, ngành nhựa cũng không nằm ngoài quy luật này. Trong nỗ lực duy trì hoạt động sản xuất, kinh doanh, một số nhà máy cố gắng giữ công suất hoạt động từ 30-70%, sắp xếp công nhân nghỉ luân phiên để giữ cho nhà máy luôn sáng đèn./.

Bà Huỳnh Thị Mỹ - Tổng thư ký Hiệp Hội Nhựa Việt Nam cho hay, mỗi doanh nghiệp có một cách vận hành riêng của mình. Trong cái khó, họ sẽ tìm cách làm sao mà để mình có thể tồn tại và họ cũng sẽ chấp nhận những thiệt hại trong lúc này.

Gia Cư

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-tim-giai-phap-vuot-kho-khi-thi-truong-suy-thoai-121765.html