Doanh nghiệp thủy sản vẫn chưa yên tâm trước bất cập chính sách thuế

Cùng một vấn đề hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua nhưng các cục thuế địa phương hướng dẫn thực hiện xuất hóa đơn theo cách thức khác nhau, trái ngược nhau, khiến cho doanh nghiệp thủy sản gặp khó, bị chặn thủ tục hoàn thuế. Cùng với đó là bất cập trong hướng dẫn mức thuế Giá trị gia tăng đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản.

Cách đây 2 tháng, Bộ Tài chính đã bác bỏ một trong những kiến nghị của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (Vasep). Đó là kiến nghị không hồi tố thời gian chậm nộp thuế Giá trị gia tăng (GTGT) khi tái nhập hàng xuất khẩu đã được hoàn thuế GTGT bị trả về. Theo Bộ Tài chính, kiến nghị này chưa đủ cơ sở xem xét.

Khổ vì các cục thuế hướng dẫn trái ngược nhau

Trong đơn kiến nghị trước đó gửi Bộ Tài chính, Vasep có cho biết về tình trạng nhiều doanh nghiệp (DN) xuất khẩu bị đối tác trả hàng về. Khi đó, họ phải làm thủ tục tái nhập lại hàng, bên cạnh việc phải kê khai và nộp lại tiền thuế GTGT đã được hoàn trước đây thì DN còn phải nộp thêm tiền phạt chậm nộp tính từ lúc được hoàn thuế GTGT.

Những bất cập trong việc hướng dẫn thực hiện chính sách thuế Giá trị gia tăng đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản rất cần được tháo gỡ.

Còn vào tháng 12/2023 này, trong văn bản gửi đến Văn phòng Chính phủ và - Hội đồng Tư vấn Cải cách Thủ tục Hành chính, phía Vasep lại nhắc đến việc xuất hóa đơn cho hàng bán bị trả lại hay trả lại hàng mua hiện nay của DN tại các địa phương đang gặp nhiều khó khăn.

Mặc dù liên quan vấn đề này cùng căn cứ theo các quy định chung là Nghị định 123/2020/NĐ-CP và Thông tư 78/2021/TT-BTC, thế nhưng các cục thuế địa phương đang hướng dẫn DN thực hiện theo các cách thức khác nhau, thậm chí trái ngược nhau.

Chẳng hạn như Cục Thuế Tp.HCM và Cục Thuế tỉnh Bình Định có công văn hướng dẫn DN trong trường hợp này phải xuất hóa đơn trả lại hàng mua cho người bán. Tuy nhiên, Cục Thuế tỉnh Quảng Ninh lại hướng dẫn DN trong trường hợp này sẽ lựa chọn một trong hai cách xuất hóa đơn là được xuất hóa đơn trả lại hàng mua hay được xuất hóa đơn hàng bán trả lại.

Hoặc như các văn bản hướng dẫn bên Bán lập hóa đơn hàng bán bị trả lại để điều chỉnh hoặc thay thế hóa đơn đã lập cũng có sự trái ngược ở các địa phương. Đơn cử như Cục thuế Tp.HCM hồi 7/2023 có văn bản hướng dẫn DN lập hóa đơn trong trường hợp người mua trả lại do không đúng quy cách chất lượng: “người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập”.

Còn Cục thuế Tp.Hà Nội hồi tháng 9/2023 lại có công văn hướng dẫn trong trường hợp này “người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa theo quy định tại khoản 1 Điều 4 Nghị định số 123/2020/NĐ-CP ”.

Về phía Tổng Cục Thuế tại công văn vào tháng 10/2023 hướng dẫn trong trường hợp này “người bán lập hóa đơn hoàn trả hàng hóa để điều chỉnh giảm hoặc thay thế hóa đơn đã lập”.

Theo ông Trương Đình Hòe, Tổng thư ký Vasep, trong thực tế hoạt động sản xuất kinh doanh, với các DN bán hàng hay giao hàng trên phạm vi toàn quốc (đơn vị mua hàng là Siêu thị, nhà hàng, cá nhân…) thì hàng ngày phát sinh rất nhiều hóa đơn. Khi bên mua phát hiện hàng bị lỗi, sai quy cách thì sẽ được phép đổi trả bằng cách gom lai cuối tuần hoặc tháng trả lại một lần (để thuận tiện vận chuyển hay giao nhận hàng trả lại).

Ông Hòe cho biết bên mua sẽ thông báo cho bên bán (nhà cung cấp) và hai bên lập Biên bản trả lại hàng mua. Biên bản ghi rõ bên mua xuất hóa đơn trả lại hàng cho bên bán (vừa là căn cứ hạch toán/kê khai thuế/và chứng từ vận chuyển hàng hóa trên đường). Cũng có trường hợp bên bán xuất hóa đơn điều chỉnh giảm cho hóa đơn bán hàng đã lập, nếu biên bản thể hiện rõ người bán lập hóa đơn.

Phế, phụ phẩm thủy hải sản có kê khai, nộp thuế?

Trong khi đó, theo các công văn hướng dẫn của cục thuế ở các địa phương lại yêu cầu trong trường hợp này, bên mua phải hủy hoặc thu hồi toàn bộ hóa đơn lại trả hàng mua đã lập gửi cho bên bán, đồng thời bên bán lập hóa đơn điều chỉnh (hàng bán trả lại) giao cho bên mua, sau đó các bên phải lập tờ khai điều chỉnh lại toàn bộ thông tin. Điều này trước tiên sẽ chặn thủ tục hoàn thuế và sau đó DN còn có thể bị phạt hành vi lập hóa đơn sai theo quy định.

Từ những khúc mắc như vậy, phía Vasep kiến nghị Bộ Tài chính xem xét có văn bản hướng dẫn thống nhất cho các bên liên quan. Để qua đó cho phép dù áp dụng bất kỳ thủ tục hay hình thức trả hàng nào thì bên Mua – bên Bán vẫn được phép tự lựa chọn hình thức hóa đơn phù hợp với hoạt động kinh doanh của DN, với điều kiện vẫn đảm bảo việc kê khai thuế thống nhất, phản ánh đúng bản chất giao dịch giữa hai bên.

Ngoài vấn đề nêu trên, trong chính sách thuế GTGT đối với DN thủy sản còn có thể thấy rõ bất cập trong việc hướng dẫn về mức thuế GTGT đối với phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản.

Nhất là các công ty chế biến thủy hải sản có cả mặt hàng thủy hải sản đông lạnh (không qua gia nhiệt) và mặt hàng đông lạnh đã qua hấp, luộc chín. Nguyên liệu thủy sản sử dụng đầu vào của hai mặt hàng này đều giống nhau. Tuy nhiên, thuế suất thuế GTGT áp dụng khi công ty xuất bán phế liệu của hai loại mặt hàng trên lại khác nhau.

Đơn cử như hướng dẫn của Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, cho rằng đối với các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm được xác định là mặt hàng thủy hải sản chưa qua chế biến hoặc chỉ qua sơ chế, bảo quản thông thường thì thuộc đối tượng không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT theo quy định tại Khoản 5, Điều 5, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Ngoài ra, theo Cục Thuế tỉnh Khánh Hòa, đối với các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm của các mặt hàng thủy hải sản được xác định là mặt hàng đã qua chế biến (luộc chín…) thì thuộc diện áp dụng thuế suất thuế GTGT theo mức thuế suất phổ thông là 10% theo quy định tại Điều 11, Thông tư 219/2013/TT-BTC.

Phía Vasep cho rằng những quy định như thế tạo ra các bất cập. Thứ nhất là chưa phù hợp với tính thống nhất trong luật thuế. Đó là cùng một sản phẩm, bán cho cùng một khách hàng tại cùng một thời điểm nhưng lại có hai thuế suất khác nhau.

Thứ hai là hướng dẫn như trên chưa phù hợp với quy định tại Thông tư 83/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về việc hướng dẫn thực hiện thuế GTGT theo danh mục hàng hóa nhập khẩu Việt Nam.

Trong đó có nêu rõ “đầu tôm vỏ tôm, đầu cá, xương cá, nội tạng và phế phẩm thu được sau giết mổ khác của động vật, mỡ tươi đều là sản phẩm chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại”.

Điều này được cho là đi ngược chủ trương cải cách thuế của Chính phủ theo định hướng “đơn giản hóa, tạo thuận lợi cho DN”. Cụ thể, DN thủy sản hàng ngày đều phải cử cán bộ phân loại phế liệu tươi (mặc dù bản chất của các phế liệu này đều giống nhau). Họ phải tính toán phân bổ, chia tách hóa đơn cho riêng phế liệu của từng dây chuyền khiến DN tốn thêm nhân lực và chi phí. Trong khi đó, nhiều khách hàng cũng không chấp nhận khi mua cùng một loại sản phẩm từ cùng một DN nhưng lại phải chịu hai mức thuế suất GTGT khác nhau.

Chính vì vậy, điều mà các DN thủy sản mong mỏi ở Bộ Tài chính trong thời gian tới là cần xem xét có văn bản hướng dẫn cho tất cả các cục thuế địa phương và các DN để các loại phế liệu, phế phẩm, phụ phẩm thủy hải sản (dù của mặt hàng sơ chế hay chế biến) nhưng chưa chế biến thành sản phẩm khác hoặc chỉ qua sơ chế thông thường thì không phải kê khai, tính nộp thuế GTGT ở khâu kinh doanh thương mại.

Thế Vinh

Nguồn Vnbusiness: https://vnbusiness.vn//viet-nam/doanh-nghiep-thuy-san-van-chua-yen-tam-truoc-bat-cap-chinh-sach-thue-1097329.html