Doanh nghiệp tài trợ cầu đi bộ qua sông Sài Gòn 1000 tỉ lên tiếng

Theo đề xuất của NutiFood, sau khi tài trợ sẽ khởi công dự án cầu đi bộ Sài Gòn vào ngày 30-4-2025 và hoàn thành vào ngày 30-4-2027.

Ngày 23-11, Nutifood đã chính thức lên tiếng, xác nhận tài trợ cầu đi bộ Sài Gòn - cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn (nối quận 1 với TP Thủ Đức). Tổng mức đầu tư là 1.000 tỉ đồng.

Cạnh đó, ngày 23-11, Sở GTVT TP và Nutifood cũng đã làm việc theo quy trình tổ chức thực hiện.

Món quà để tri ân hàng triệu người dân

Hình ảnh phối cảnh cầu đi bộ bắc qua sông Sài Gòn.

Nutifood cho biết bên cạnh kinh doanh, các hoạt động đóng góp cho cộng đồng luôn được Nutifood đặc biệt chú trọng và tích cực thực hiện kể từ những ngày đầu thành lập.

Chính vì vậy, khi được biết chủ trương của UBND TP về việc xây dựng cây cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, một địa điểm quan trọng không chỉ có giá trị về kinh tế, văn hóa mà còn gắn liền với nhiều sự kiện lịch sử, Công ty đã quyết định chung sức, đề xuất hỗ trợ kinh phí cho công trình này.

Phối cảnh cầu đi bộ Sài Gòn nhìn từ trên cao.

Ông Trần Bảo Minh, Phó Chủ tịch Hội đồng Quản trị Nutifood cho biết thông qua việc tài trợ kinh phí xây cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, Công ty mong muốn được tri ân đến vùng đất, con người Sài Gòn - TP.HCM, hàng triệu người tiêu dùng và khách hàng gắn bó với công ty trong suốt hơn 20 năm qua.

Khu vực cầu đi bộ Sài Gòn sẽ đi qua. Ảnh: ĐÀO TRANG

"Với việc xây dựng cầu đi bộ bắc ngang sông Sài Gòn, nối liền quận 1 và TP Thủ Đức, Nutifood hy vọng người dân TP.HCM sẽ có thêm một địa điểm giải trí, thư giãn đẹp mắt và các du khách phương xa sẽ có thêm một địa điểm du lịch hấp dẫn, để vùng đất này mãi xứng danh là hòn ngọc Viễn Đông" - ông Trần Bảo Minh nói.

Hoàn thiện cầu đi bộ Sài Gòn vào năm 2027

Theo đề xuất của NutiFood, sau khi tài trợ tiền sẽ khởi công dự án cầu bộ hành vào ngày 30-4-2025 và hoàn thành vào ngày 30-4-2027.

Sở GTVT TP cho biết theo quy trình tiếp nhận công trình xây dựng từ nguồn tài trợ của các tổ chức, cá nhân trong nước sẽ có 4 bước chính.

Bao gồm tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết thỏa thuận; đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư; Triển khai thực hiện đầu tư và xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản.

Bước tiếp nhận thông tin tài trợ, ký kết biên bản thỏa thuận sẽ do sở chuyên ngành hoặc UBND quận, huyện, TP Thủ Đức chủ trì. Thời gian thực hiện là trong vòng 30 ngày.

Cầu đi bộ Sài Gòn sẽ kết nối từ khu vực bến Bạch Đằng sang khu đô thị Thủ Thiêm, TP Thủ Đức. Ảnh: ĐÀO TRANG

Bước ký kết biên bản thỏa thuận có thời gian thực hiện trong khoảng 10 ngày. UBND các quận, huyện, TP Thủ Đức nếu dự án nằm trên địa giới hành chính và Sở chuyên ngành sẽ chịu trách nhiệm chủ trì nếu dự án tài trợ nằm trên địa giới của 2 đơn vị hành chính cấp huyện trở lên. Như vậy, cầu đi bộ Sài Gòn nằm trên địa giới hành chính của 2 địa phương.

Bước tiếp theo là đề xuất chấp thuận chủ trương đầu tư, giai đoạn này cần tối đa 30 ngày thực hiện. Lúc này, nhà tài trợ sẽ chủ trì việc lập đề xuất dự án, dự kiến trong 15 ngày, sở chuyên ngành sẽ tham mưu trình TP trong 15 ngày tiếp theo.

Cuối cùng là bước dự thảo quy trình, việc triển khai đầu tư xây dựng dự án - đây là bước mất nhiều thời gian nhất.

Bao gồm các bước như: thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu tiền khả thi; lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế xây dựng triển khai sau thiết kế cơ sở; bàn giao tiếp nhận mặt bằng; cấp giấy phép xây dựng; khởi công xây dựng; thi công, hoàn thành, nghiệm thu...

Cầu đi bộ Sài Gòn dự kiến sẽ là điểm tham quan, du lịch hấp dẫn sau khi hoàn thành. Ảnh: ĐÀO TRANG

Vị trí xây dựng cầu đi bộ Sài Gòn được xác định giữa cầu Ba Son và hầm vượt sông Sài Gòn.

Cầu đi bộ Sài Gòn có hình tượng lá dừa nước, do Liên danh Chodai - Takashi Niwa Architects và Chodai Kisojiban Việt Nam thiết kế.

Đầu cầu đi bộ phía quận 1 nằm trong khu vực Công viên Bạch Đằng và gần nhất với phố đi bộ Nguyễn Huệ. Phía TP Thủ Đức bố trí tại công viên bờ sông và ngoài ranh khu A, phía Nam quảng trường trung tâm tại khu đô thị mới Thủ Thiêm.

ĐÀO TRANG - CÔNG TUẤN - KIÊN CƯỜNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/doanh-nghiep-tai-tro-cau-di-bo-qua-song-sai-gon-1000-ti-len-tieng-post763069.html