Doanh nghiệp sản xuất về đêm để giảm áp lực về điện

Trước nguy cơ mất cân đối cung - cầu trong cung ứng điện, nhiều doanh nghiệp (DN) trên địa bàn Đồng Nai đã chuyển sang làm đêm kết hợp tiết kiệm điện (TKĐ). Điều này vừa giúp DN duy trì sản xuất, giảm chi phí giá thành sản phẩm, vừa giúp ngành Điện giảm áp lực cung ứng.

Sản xuất tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam, doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh phụ tải. Ảnh: H.Lộc

Hiện tại, ngành Điện vẫn kêu gọi DN giảm nhu cầu sử dụng điện, hạn chế sử dụng điện giờ cao điểm, chuyển sang giờ thấp điểm trong ngày.

* Giảm làm ngày, tăng làm đêm

Hưởng ứng kế hoạch đẩy mạnh TKĐ của UBND tỉnh và điều chỉnh phụ tải của ngành điện, nhiều DN đã chuyển sang làm ban đêm. Công ty TNHH Dệt Texhong Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch) là một trong số đó. Thay vì duy trì sản xuất đều 3 ca như trước, DN đã chia ra các khung giờ và bố trí thời gian làm việc phù hợp.

Ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó tổng giám đốc công ty cho biết, ngay khi UBND tỉnh và ngành Điện ban hành các kế hoạch, DN đã điều chỉnh phụ tải điện. Cụ thể, công ty phân bổ sản xuất theo 3 khung thời gian khác nhau là cao điểm, thấp điểm và thông thường. Trong đó, giờ cao điểm như sáng, trưa sẽ giảm sản xuất, còn thấp điểm sau 22 giờ thì chạy "full tải". Ngoài ra, công ty lắp thêm các biến tần, quạt động cơ, đèn led để TKĐ. Hiệu quả của việc lắp biến tần cho máy hút bụi là tiết kiệm được hơn 1 tỷ đồng/tháng, thay toàn bộ bóng đèn chiếu sáng từ 36W sang 8W cũng tiết kiệm được cả tỷ đồng.

Thống kê của Điện lực Đồng Nai, trên địa bàn tỉnh có gần 16,9 khách hàng thuộc nhóm ngành công nghiệp, xây dựng. Hiện có 925 khách hàng ký cam kết thực hiện TKĐ và điều chỉnh phụ tải năm 2023 với tổng công suất thỏa thuận hơn 93MW.

Tại Công ty TNHH Changshin Việt Nam (H.Vĩnh Cửu), từ đầu tháng 5-2023 đã thay đổi kế hoạch sản xuất để vừa đáp ứng yêu cầu đơn hàng, vừa đảm bảo giảm phụ tải theo yêu cầu của ngành điện. Theo đó, công ty xây dựng kịch bản điều chỉnh sản xuất theo từng bộ phận, nhiều hoạt động sản xuất ban ngày được tăng cường vào ban đêm. Ngoài ra, công ty còn chạy thêm máy phát điện công suất 1MW vào các giờ cao điểm nhằm đảm bảo việc cung ứng điện an toàn và ổn định. Bên cạnh đó, công ty chuyển sang dùng đèn LED, các loại máy móc TKĐ. Thống kê 5 năm qua, công ty tiết kiệm được trên 22 triệu kWh điện.

Việc giảm thời gian sản xuất vào giờ cao điểm, tăng thời gian sản xuất giờ thấp điểm kết hợp TKĐ không chỉ giúp DN tiết giảm chi phí tiền điện mà còn góp phần đảm bảo an ninh năng lượng cho phát triển kinh tế - xã hội.

Ông Trần Ngọc Thanh, Trưởng phòng Cung cấp điện năng của 2 công ty Hyosung Việt Nam và Hyosung Đồng Nai (H.Nhơn Trạch) cho biết, bình quân mỗi tháng DN chi 180-190 tỷ đồng tiền điện. Đặc thù của công ty là máy móc hoạt động theo dây chuyền, liên tục 24/24 giờ nên khó điều chỉnh phụ tải. Thay vào đó, công ty đẩy mạnh thực hiện TKĐ. Chẳng hạn, chuyển sang sử dụng đèn năng lượng mặt trời để chiếu sáng, bố trí kế hoạch sản xuất hợp lý bằng cách hạn chế vận hành các thiết bị công suất tiêu thụ điện lớn vào 2 khung giờ cao điểm từ 9 giờ 30 đến 11 giờ 30 và 17 giờ đến 20 giờ hàng ngày.

* Ưu tiên nguồn điện cho sản xuất

Trong buổi làm việc với Tập đoàn Điện lực Việt Nam và các DN kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, DN sử dụng điện lớn trên địa bàn tỉnh mới đây, Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thị Hoàng cho rằng, tỉnh không đưa ra chỉ tiêu tiết giảm điện đối với nhóm khách hàng sản xuất công nghiệp, xây dựng bởi 2 nguyên nhân. Thứ nhất, ảnh hưởng đến đơn hàng, kế hoạch sản xuất, kinh doanh và cam kết của tỉnh với các DN. Thứ hai, ảnh hưởng đến đời sống, việc làm của công nhân vốn đang khó khăn. Thay vào đó, tỉnh kêu gọi DN dịch chuyển một phần sản xuất sang sau 22 giờ, đồng thời tăng cường kiểm tra việc thực hiện TKĐ.

Sản xuất tại Công ty TNHH Dệt Texhong Nhơn Trạch (H.Nhơn Trạch), doanh nghiệp đã thực hiện điều chỉnh phụ tải

Trong kế hoạch cung cấp điện năm 2023 tỉnh cũng đưa ra 3 kịch bản, phương án điều hành cung ứng điện: trong điều kiện bình thường; mất cân đối cung - cầu ngắn hạn, thiếu sản lượng và công suất từ 1-10%; mất cân đối cung - cầu dài hạn, thiếu sản lượng và công suất trên 10%. Ứng với mỗi phương án, điện lực sẽ tiết giảm nhu cầu với từng nhóm ngành cụ thể, việc tiết giảm sẽ được thực hiện theo quy định. Cùng với đó là huy động thêm các nguồn điện dự phòng.

Tổng giám đốc Công ty TNHH Đầu tư Long Đức Hiroyuki Ishii cho biết, trung bình mỗi tháng Khu công nghiệp Long Đức (H.Long Thành) sử dụng hơn 5 triệu kWh điện. Từ cuối tháng 5-2023, khu công nghiệp đã cắt giảm 50% đèn chiếu sáng. Đối với các DN thứ cấp đã có 70% hưởng ứng điều chỉnh thời gian sản xuất và thực hiện TKĐ. Bên cạnh đó, công ty có 2 máy phát dự phòng sẵn sàng hỗ trợ DN, ngành Điện khi có nhu cầu.

Việc tiết giảm nhu cầu, điều chỉnh phụ tải là điều mà cả ngành Điện lẫn khách hàng đều không mong muốn. Tuy nhiên, trong điều kiện cung ứng điện gặp nhiều khó khăn, đây là giải pháp hữu hiệu để có điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt. Theo thống kê của ngành điện, đến nay có hơn 11 ngàn khách hàng cả nước đã đăng ký điều chỉnh phụ tải, TKĐ. Riêng tại Đồng Nai, hơn 900 khách hàng đã đăng ký.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/doanh-nghiep-san-xuat-ve-dem-de-giam-ap-luc-ve-dien-3167709/