Doanh nghiệp sẵn sàng hàng hóa phục vụ tết

Từ đầu quí IV/2023, nhiều doanh nghiệp (DN) bắt đầu chuẩn bị nguyên liệu sản xuất hàng hóa phục vụ thị trường tết năm 2024. Tuy nhiên, trước tình hình kinh tế còn nhiều khó khăn, người tiêu dùng thắt chặt chi tiêu, nhiều DN, cơ sở sản xuất chọn phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt theo nhu cầu thực tế của thị trường.

Sản phẩm, đặc sản địa phương rộn ràng đón tết

Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Huệ (thị trấn Tầm Vu, huyện Châu Thành, tỉnh Long An) chuyên sản xuất lạp xưởng, nem nướng. Chủ cơ sở - Tống Ngọc Mỹ Linh chia sẻ, năm 2023, tuy tình hình kinh tế khó khăn nhưng nhờ Sở Công Thương tổ chức kết nối thương mại thông qua nhiều sự kiện, hội chợ, triển lãm nên đầu ra sản phẩm khá ổn định.

Hiện tại, khách hàng của cơ sở khắp các tỉnh miền Tây, miền Đông và nhiều cửa hàng tiện ích, Co.opmart. Lạp xưởng Kim Huệ là lạp xưởng dẻo, có hạn sử dụng 30 ngày để ở nhiệt độ thường, 3 tháng để trong ngăn mát hoặc ngăn đá tủ lạnh. Sản phẩm được công nhận OCOP 3 sao và cơ sở đang nâng chất lượng lên 4 sao để tạo niềm tin với khách hàng nhiều hơn.

Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Huệ (huyện Châu Thành) đã lên phương án sản xuất, kinh doanh linh hoạt theo nhu cầu thực tế của thị trường

Lạp xưởng là loại thực phẩm khá phổ biến trong hầu hết các gia đình để chuẩn bị cho bữa cơm tất niên cúng ông bà tổ tiên. Vì vậy, từ đầu quí IV/2023, Cơ sở sản xuất lạp xưởng Kim Huệ chuẩn bị nhiều nguyên liệu như rượu, gia vị ướp làm lạp xưởng,...

Theo bà Mỹ Linh, lạp xưởng của cơ sở là loại gia truyền, đã trên 70 năm, do bà ngoại của bà truyền lại và ngày càng phát triển theo công nghệ mới nhưng vẫn giữ hương vị xưa.

Năm nay, khách hàng đặt lạp xưởng khá sớm so với tết năm 2023, cơ sở cũng giao nhiều chuyến hàng cho khách để làm quà biếu cuối năm. Hiện nay, quy trình làm lạp xưởng được rút ngắn thời gian, chỉ sau 24 giờ có thể cho ra 1 mẻ lạp xưởng, do cơ sở đã đầu tư 2 máy sấy với công suất 1 máy 100kg/lần, máy còn lại 150kg/lần, mỗi mẻ sấy từ 10-12 giờ. Vì vậy, cơ sở không làm dự trữ nhiều mà khi có đơn hàng sẽ làm để hàng luôn mới. Thời điểm này, cơ sở tăng cường sản xuất với công suất gấp đôi ngày thường.

Khác với lạp xưởng dẻo Kim Huệ, lạp xưởng Cô Châu (thị trấn Cần Đước, huyện Cần Đước) là lạp xưởng tươi. Lạp xưởng tươi Cô Châu là sản phẩm OCOP 3 sao, cũng là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh năm 2021.

Chủ sơ sở - Lưu Thị Kim Châu cho biết, năm nay, để chuẩn bị cho hàng hóa tết, cơ sở đã chuẩn bị nhiều loại sản phẩm như lạp xưởng tươi, lạp xưởng trứng muối, lạp xưởng tôm,... phục vụ khách hàng. Lượng hàng hóa năm nay khá dồi dào bởi người tiêu dùng biết về sản phẩm nhiều hơn khi lạp xưởng Cô Châu đã trở thành đại diện duy nhất của tỉnh Long An lọt tốp 121 món ẩm thực tiêu biểu quốc gia giai đoạn I năm 2022, do Hiệp hội Văn hóa ẩm thực Việt Nam chứng nhận và vinh danh.

Đặc biệt, năm 2023, Sở Công Thương hỗ trợ kinh phí từ Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới xây dựng điểm bán hàng OCOP tại Cơ sở sản xuất Cô Châu. Tại đây, ngoài bán sản phẩm của cơ sở, sẽ bày bán thêm nhiều sản phẩm OCOP, sản phẩm đặc trưng của tỉnh.

Thiên Mộc Trà giúp thải độc tố, bảo vệ sức khỏe là sản phẩm mới của thị trường tết năm nay

Bà Trần Thị Tú Anh vốn học ngành Y nhưng lại đam mê sản xuất trà thảo mộc. Cách đây 4 năm, bà mở cơ sở sản xuất trà thảo mộc với thương hiệu Thiên Mộc Trà tại thị trấn Hậu Nghĩa, huyện Đức Hòa.

Bà Tú Anh chia sẻ, Thiên Mộc Trà có tác dụng đào thải độc tố, giảm mỡ máu, gan nhiễm mỡ, bổ thận,... được chế biến từ 27 vị thảo dược có trong thiên nhiên như lá sen, trà sơn mật, cam thảo, đậu đen, đậu đỏ, gạo tím, hoa cúc,... rất tốt sức khỏe người dùng. Trà được bà nghiên cứu, tạo ra tỷ lệ thích hợp, sau đó “sao vàng hạ thổ” để trà có tác dụng tốt nhất . Sản phẩm đang được đăng ký OCOP.

Trước đây, bà Tú Anh chủ yếu bán hàng qua trang Facebook cá nhân, TikTok,... Được sự hỗ trợ từ Sở Công Thương, bà bắt đầu tiếp cận các kênh bán hàng thông qua kết nối giao thương, hội chợ, triển lãm. Vì loại trà này tốt cho sức khỏe, có thể làm quà biếu dịp tết nên bà chuẩn bị rất nhiều nguyên liệu phục vụ sản xuất.

Hiện tại, ngoài bán hàng thông qua thương mại điện tử, bà đang đẩy mạnh kênh phân phối “offline” tại các cửa hàng OCOP tại các huyện: Cần Đước, Bến Lức, Đức Hòa, TP.Tân An và các nhà thuốc, cộng tác viên.

Cửa hàng HP Long An (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chuyên bán đặc sản vùng, miền, trong đó chú trọng sản phẩm OCOP tại địa phương với hơn 50 sản phẩm

Tết năm nay, nhiều cơ sở ngoài sản xuất còn tập trung mở cửa hàng bán sản phẩm OCOP của địa phương, tạo đầu ra cho cơ sở sản xuất trong tỉnh. Điển hình như cửa hàng HP Long An (thị trấn Bến Lức, huyện Bến Lức) chuyên bán đặc sản vùng, miền, trong đó chú trọng sản phẩm OCOP tại địa phương với hơn 50 sản phẩm như lạp xưởng, đông trùng hạ thảo, enzyme.

Đại diện cửa hàng - Phạm Thế Hiển chia sẻ, cửa hàng ưu tiên chọn sản phẩm OCOP, đặc sản vùng, miền với tiêu chí nguồn gốc rõ ràng, giá cả phải chăng,... Hiện nay, cửa hàng đã kết nối chặt chẽ các cơ sở sản xuất trong tỉnh, nhất là đặc sản địa phương để cung cấp giỏ quà cho khách hàng tặng đến đối tác, người thân bằng các sản phẩm bảo vệ sức khỏe.

Tổng giá trị hàng hóa trên 1.223 tỉ đồng

Theo Giám đốc Sở Công Thương - Huỳnh Văn Quang Hùng, để chuẩn bị cho nhân dân vui đón xuân về, Sở có công văn về việc lập phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu bình ổn thị trường cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024.

Đồng thời, Sở triển khai cho các DN kinh doanh thương mại chủ lực trên địa bàn tỉnh triển khai, thực hiện tạm trữ hàng hóa thiết yếu. Thuận lợi của tỉnh là gần TP.HCM và có nhiều DN kinh doanh thương mại.

Hiện nay, DN, cơ sở sản xuất, kinh doanh thương mại xây dựng phương án tạm trữ hàng hóa thiết yếu, mặt hàng đa dạng về mẫu mã, số lượng đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Theo đó, hàng hóa DN tham gia tạm trữ như gạo, đường, bột ngọt, dầu ăn, mì gói, nước giải khát,... tổng giá trị hàng hóa đạt khoảng 1.223 tỉ đồng (tăng khoảng 190 tỉ đồng so với lượng hàng hóa tạm trữ phục vụ Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023).

Ngoài ra, còn có trên 3.200 đại lý bách hóa tổng hợp trải đều trong toàn tỉnh, góp phần tăng nguồn cung ứng hàng hóa phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân những tháng cuối năm 2023 và Tết Nguyên đán Giáp Thìn năm 2024. Về lương thực, hiện Công ty Lương thực Long An luôn duy trì lượng hàng hóa tồn kho gạo thường, gạo thơm khoảng 14.454 tấn có giá trị khoảng 217 tỉ đồng (tăng khoảng 15% giá trị so với Tết Nguyên đán Quý Mão năm 2023).

Trong tình huống thị trường có biến động về gạo, Sở Công Thương tham mưu UBND tỉnh chỉ đạo 25 DN tham gia xuất khẩu gạo cung cấp gạo tham gia thị trường bán lẻ. Hiện các DN tồn kho khoảng 218.000 tấn gạo.

Ông Huỳnh Văn Quang Hùng thông tin, bên cạnh lương thực, DN trên địa bàn tỉnh cũng sẵn sàng cho hoạt động cung cấp năng lượng như xăng, dầu, điện phục vụ sản xuất, kinh doanh và tiêu dùng.

Ngoài ra, Sở Công Thương tham gia ký kết biên bản thỏa thuận kết nối cung - cầu hàng hóa ổn định thị trường năm 2023 giữa Sở Công Thương TP.HCM, TP.Cần Thơ và các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long vào ngày 16/11/2023 tại TP.HCM.

Thông qua chương trình hợp tác thương mại này, khi có tình hình biến động về giá cả thị trường, hàng hóa ở địa phương trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và TP.HCM tăng bất thường thì Sở Công Thương địa phương đó có trách nhiệm thông báo đến các tỉnh, thành phố trong khu vực để các Sở Công Thương huy động DN cung ứng hàng hóa về hỗ trợ ổn định thị trường.

Với sự chuẩn bị chu đáo, chặt chẽ, kỳ vọng hàng hóa sẽ đáp ứng tốt nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp tết sắp tới./.

Mai Hương

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/doanh-nghiep-s-n-sang-hang-hoa-phuc-vu-tet-a168763.html