Doanh nghiệp Quảng Ngãi: Đưa hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài

Hàng hóa do doanh nghiệp (DN) Quảng Ngãi sản xuất đã và đang được đưa vào các siêu thị lớn của Nhật Bản. Điều này không chỉ mang lại lợi ích về kinh tế, mà còn giúp DN quảng bá, nâng tầm vị thế sản phẩm trên thị trường quốc tế.

Sản phẩm Quảng Ngãi tại siêu thị Nhật Bản

Công ty CP Đường Quảng Ngãi hiện là DN đứng đầu tỉnh về số lượng hàng hóa được đưa vào các siêu thị của Nhật Bản, phục vụ người tiêu dùng xứ sở “đất nước mặt trời mọc”. Theo số liệu từ công ty, mặt hàng bánh kẹo của Nhà máy Bánh kẹo Biscafun đã có mặt ở hơn 400 siêu thị của Nhật Bản, trong đó nhiều nhất là ở tỉnh Fukuoka.

Sự hợp tác này hiện đã được nâng tầm lên một bước mới. Các đối tác nhập khẩu bánh kẹo Biscafun đã sang tận nhà xưởng sản xuất của nhà máy ở KCN Quảng Phú (TP.Quảng Ngãi) để kiểm tra, xác nhận về tính an toàn của sản phẩm trước khi vào các siêu thị ở Nhật Bản. Từ đó, nâng cao độ tin cậy trong hợp tác, mở rộng làm ăn, nâng giá trị các hợp đồng nhập khẩu vào thị trường khó tính này.

Từ đầu năm 2024 đến nay, Nhật Bản đã nhập hơn 200 container sản phẩm bánh kẹo Biscafun (tăng gấp đôi cùng kỳ năm 2023). Hiện nhiều hợp đồng vẫn đang được tiếp tục đàm phán ký kết để không bị đứt gãy mặt hàng bánh kẹo Quảng Ngãi trong hệ thống siêu thị ở Nhật Bản.

Sản xuất bánh xuất khẩu sang Nhật Bản tại nhà máy bánh kẹo Biscafun.

Đối với mặt hàng sữa đậu nành Fami của Nhà máy Sữa đậu nành Vinasoy, cũng chiếm lĩnh thị phần tại các siêu thị Nhật Bản. Hiện nay, sản phẩm sữa đậu nành Fami đã có mặt ở hơn 2.000 điểm bán tại 45/47 tỉnh, thành phố của Nhật Bản. Trong đó có 400 điểm bán của chuỗi siêu thị nổi tiếng Donkihote và hơn 100 siêu thị khác.

Đến thời điểm này, mỗi tháng, Công ty CP Đường Quảng Ngãi xuất từ 15 - 20 container hàng hóa gồm bánh kẹo, sữa đậu nành vào các siêu thị ở Nhật Bản. Theo kế hoạch, năm 2024, Công ty CP Đường Quảng Ngãi tiếp tục đẩy mạnh hoạt động đưa sản phẩm vào chuỗi cửa hàng tiện lợi của người Việt và chuỗi siêu thị lớn của đất nước này.

Hiện nhiều sản phẩm của các DN trong KCN VSIP Quảng Ngãi như tròng mắt kính, khuôn tròng mắt kính của Công ty TNHH Hoya Lens Việt Nam được xuất sang thị trường Nhật Bản.

Cơ hội từ các hiệp định thương mại

Đến nay, Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã được ký kết, trong đó có Việt Nam tham gia đã phát sinh hiệu lực. Đây chính là cơ hội lớn, bảo đảm sự an toàn, bảo vệ DN trong nước, trong tỉnh tham gia thị trường thế giới. Đối với Quảng Ngãi, Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) đã mang lại nhiều thuận lợi trong xuất khẩu hàng hóa vào kênh phân phối nước ngoài. Tham gia hiệp định RCEP, chính sách thuế sẽ được cắt giảm, với nhiều thuế suất được hạ xuống bằng 0%.

Hiệp định RCEP có 15 nước tham gia, gồm: Brunei, Malaysia, Singapore, Việt Nam, Campuchia, Indonesia, Lào, Myanmar, Philippines, Thái Lan, Nhật Bản, New Zealand, Australia, Trung Quốc và Hàn Quốc. Từ đó, tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới, với thị trường có quy mô hơn 2,2 tỷ người. Những nước tham gia vào hiệp định hầu hết đều có nhu cầu nhập khẩu những mặt hàng thuộc thế mạnh của Việt Nam nói chung, Quảng Ngãi nói riêng như nông sản, thủy sản, thực phẩm chế biến gồm bánh kẹo, sữa đậu nành.

Theo thông tin từ Sở Công thương, hiện sản xuất tinh bột mì xuất khẩu của Công ty CP Nông sản thực phẩm Quảng Ngãi đều xuất sang thị trường nằm trong khối RCEP, chủ yếu là Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc. Hiện nay, DN này đang đẩy mạnh hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường thêm một số nước trong số các nước thành viên còn lại của RCEP. Riêng Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã đề ra chiến lược sẽ tập trung phát triển mạnh thị trường xuất khẩu vào khu vực, đặc biệt là Nhật Bản.

Bài, ảnh: THANH NHỊ

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/kinh-te/202405/doanh-nghiep-quang-ngai-dua-hang-hoa-vao-kenh-phan-phoi-nuoc-ngoai-4ef1007/