Doanh nghiệp nội tỉnh thêm sức hút với lao động địa phương

Trong tháng 1 và 2/2024, trong tổng số 451 lao động có quyết định hưởng trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) thì có 126 lao động làm việc ngoại tỉnh. Sau khi làm các thủ tục hưởng BHTN, người lao động đều được tư vấn, giới thiệu việc làm trong tỉnh. Hầu hết các lao động đều bày tỏ nhu cầu muốn tìm được việc làm ở gần nhà, thay vì phải đi xa để tìm việc.

Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh, xã Khánh Thịnh (Yên Mô) đảm bảo việc làm, thu nhập cho người lao động.

Từng làm việc ở công đoạn hoàn thiện sản phẩm cho một công ty may mặc tại Bình Dương đã gần 20 năm nay, giờ đây anh Nguyễn Văn Lâm, xã Yên Phong (huyện Yên Mô) quyết định trở về quê nhà lập nghiệp. Khoản tiền lương 20 triệu đồng/tháng khiến anh Lâm có chút tiếc nuối, nhưng như anh nói, việc trở về quê để ổn định cuộc sống trong thời điểm hiện tại là rất phù hợp.

Anh Lâm chia sẻ: Mức lương mà tôi từng nhận được ở công ty cũ khá cao. Tuy nhiên, trong 2 năm qua, công ty bắt đầu gặp nhiều khó khăn, nhiều lao động bị sa thải, những người còn giữ lại được việc làm thì hưởng mức lương thấp. Trong khi, mọi chi phí cho sinh hoạt vẫn thế. Vợ chồng tôi quyết định về quê ở huyện Yên Mô. Quê mình bây giờ không còn thiếu việc làm nữa. Dẫu mức lương có thể giảm đi so với việc đi làm xa, nhưng bù lại được ăn cơm nhà, được gần gũi người thân thì mình cũng yên tâm gắn bó.

Những năm gần đây, huyện Yên Mô có nhiều nỗ lực, tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp phát triển, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động địa phương. Hiện nay, trên địa bàn huyện có gần 300 doanh nghiệp, trong đó có 12 doanh nghiệp lớn đang hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 10 nghìn lao động. Trung bình mỗi năm giải quyết việc làm mới cho trên 2 nghìn lao động địa phương.

Đặc biệt, nếu như những năm trước đây, nhiều lao động trên 35 tuổi phải rất vất vả để tìm việc làm, thì đến nay tình trạng này đang dần được khắc phục. Tính riêng trong năm 2023, toàn huyện đã giải quyết việc làm cho trên 2.500 lao động, vượt kế hoạch đề ra. Nhiều doanh nghiệp đã sử dụng số lao động ngoài độ tuổi 35 chiếm 50% tổng số lao động tại doanh nghiệp.

Ông Bùi Văn Vợi, Trưởng Phòng Lao động, Thương binh và Xã hội huyện Yên Mô cho biết: Hiện nay các đơn vị sản xuất may mặc, giày da trên địa bàn cũng đã tuyển dụng với nhu cầu lớn. Nhiều doanh nghiệp chủ động tìm lao động, đây là cơ hội lớn cho lao động địa phương, trong đó có những lao động trở về từ ngoại tỉnh. Mặc dù chưa có số liệu thống kê cụ thể, nhưng thực tế thời gian qua có nhiều lao động làm việc ở ngoại tỉnh sau khi về quê đón Tết Nguyên đán cùng gia đình đã quyết định ở lại quê nhà tìm việc làm, ổn định cuộc sống. Đó là tín hiệu vui vì mức thu nhập ở các doanh nghiệp tại quê nhà đã có sự cải thiện đáng kể, đủ sức hút đối với nguồn lao động đang làm việc ở các địa phương có mức thu nhập bình quân đầu người cao của cả nước như Bình Dương, Đồng Nai, Bắc Giang, Bắc Ninh…

Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh hiện có trên 300 lao động, trong đó chủ yếu là lao động địa phương. Trong những năm qua, cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19, thiếu nguyên liệu để sản xuất… Tuy nhiên, thay vì tạm dừng sản xuất chờ nguyên liệu, Công ty đã năng động tìm kiếm đơn hàng nội địa. Nhờ đó, vẫn duy trì được việc làm cho người lao động. Thời điểm khó khăn đã qua, hiện nay Công ty đã nhận được các đơn hàng xuất khẩu. Người lao động khi chưa tăng ca vẫn đạt được mức lương từ 7,5-8 triệu đồng/người/tháng.

Ông Vũ Văn Điều, Phó Giám đốc Công ty TNHH May xuất khẩu Trường Thịnh cho biết: Công ty đang mở rộng thêm dây chuyền sản xuất, cần thêm hàng trăm lao động. Vì vậy, việc tuyển dụng lao động được chúng tôi thực hiện thường xuyên. Người lao động mới vào chưa biết nghề thì được tạo điều kiện thuận lợi để vừa học vừa làm, với mức lương hỗ trợ 3 triệu đồng/người/tháng. Khi tay nghề ổn định, người lao động sẽ thụ hưởng mức thu nhập theo tay nghề, sản phẩm. Thu hút được nguồn lao động tại chỗ là lợi thế rất lớn đối với sưộ̉n định và phát triển của doanh nghiệp. Vì vậy, các doanh nghiệp trong tỉnh cũng đã có nhiều chính sách, chế độ đãi ngộ phù hợp để thu hút lao động, trong đó có cả những lao động đang làm việc ở ngoại tỉnh.

Theo số liệu thống kê, trong năm 2023, trong tổng số trên 7 nghìn lao động có quyết định hưởng trợ cấp BHTN thì có trên 1.500 lao động từ các tỉnh khác chuyển về. Riêng tháng 1 và 2/2024, trong tổng số 451 lao động có quyết định hưởng trợ cấp BHTN thì có 126 lao động làm việc ngoại tỉnh. Sau khi làm các thủ tục hưởng BHTN, người lao động đều được tư vấn, giới thiệu việc làm trong tỉnh. Hầu hết các lao động đều bày tỏ nhu cầu muốn tìm được việc làm ở gần nhà, thay vì phải đi xa để tìm việc. Bước vào năm 2024, thị trường lao động có nhiều khởi sắc.

Tính riêng trong phiên giao dịch việc làm được tổ chức vào đầu tháng 3/2024, các doanh nghiệp đã gửi tới trên 11 nghìn chỉ tiêu tuyển dụng. Trong đó, trình độ trung cấp trở lên là 354 chỉ tiêu, còn lại là trình độ sơ cấp và lao động phổ thông. Một số doanh nghiệp có nhu cầu tuyển dụng số lượng lao động lớn như: Công ty TNHH giầy Adora (Tam Điệp), Công ty TNHH Mcnex Vina, Công ty TNHH giầy Athena (Yên Mô)…

Những tháng đầu năm 2024, đơn hàng của các doanh nghiệp tương đối ổn định. Vì vậy, nhu cầu tuyển dụng lao động mới theo các đơn hàng đã ký kết của các doanh nghiệp diễn ra khá thường xuyên. Đây là cơ hội tốt để người lao động có việc làm, thu nhập ổn định trên chính quê hương mình mà không còn phải đi xa như trước nữa.

Bài, ảnh: Đào Hằng

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doanh-nghiep-noi-tinh-them-suc-hut-voi-lao-dong-dia-phuong/d20240328082048841.htm