Doanh nghiệp Mỹ dựa vào trái phiếu chuyển đổi để tiết kiệm chi phí lãi vay

Trái phiếu chuyển đổi là khoản nợ có thể hoán đổi sang cổ phiếu nếu giá cổ phiếu của công ty phát hành trái phiếu đó đạt được mức giá được thỏa thuận trước. Hiện nay, rất nhiều doanh nghiệp Mỹ đang đổ xô vào thị trường trái phiếu chuyển đổi để giảm chi phí vốn bởi mức lãi suất rất thấp của loại hình huy động này.

Trong năm ngoái, nhiều doanh nghiệp lớn của Mỹ như Uber và PG&E đã tham gia thị trường trái phiếu chuyển đổi để tiết kiệm chi phí lãi vay sau khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy lãi suất lên mức cao lịch sử. Ảnh: FT /Dreamstime

Theo dữ liệu từ LSEG, tổng trị giá trái phiếu chuyển đổi mà các doanh nghiệp Mỹ phát hành trong năm ngoái tăng 77% lên 48 tỉ đô la Mỹ. Đây là một trong những lĩnh vực hiếm hoi của thị trường vốn quay trở lại mức trung bình trước đại dịch Covid-19 sau khi thị trường trái phiếu chuyển đổi suy thoái vào năm 2022.

Các chuyên gia nhận định, cơn bùng nổ của hoạt động phát hành trái phiếu chuyển đổi ở Mỹ có thể sẽ tiếp tục trong năm nay khi các công ty tìm cách tái cấp vốn cho làn sóng nợ sắp đáo hạn.

Theo truyền thống, trái phiếu chuyển đổi là hình thức huy động vốn phổ biến đối với các công ty công nghệ non trẻ trẻ đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường trái phiếu chính thống. Tuy nhiên, trong năm 2023, nhiều công ty lâu đời hơn cũng tham gia vào thị trường này khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) đẩy chi phí vay lên cao ngay cả đối với các công ty có trái phiếu được xếp hạng đầu tư.

“Trong lịch sử, trái phiếu chuyển đổi đôi khi được coi là một trong sản phẩm không đáng tin cậy mà các nhà phát hành trái phiếu được xếp hạng đầu tư không mấy quan tâm. Tuy vậy, gần đây một số tổ chức phát hành tên tuổi lớn bắt đầu tham gia thị trường này, câu chuyện đó đã thay đổi. Trái phiếu chuyển đổi đang được coi là một sản phẩm hấp dẫn, dựa vào giá trị riêng”, Bryan Goldstein, chuyên gia tư vấn cho các công ty về các giao dịch trái phiếu chuyển đổi của Công ty tư vấn Matthews South bình luận.

Trái phiếu chuyển đổi cung cấp cho doanh nghiệp với hình thức cho vay lãi suất thấp hơn trái phiếu truyền thống. Hơn hết, nó không gây ra sự pha loãng ngay lập tức cho các cổ đông thông qua việc phát hành cổ phiếu mới.

Tổng phát hành trái phiếu chuyển đổi ở Mỹ trong 2023 thấp hơn các mức kỷ lục đạt được vào năm 2020 và 2021 nhưng vẫn cao hơn nhiều so với mức trung bình 34 tỉ đô la Mỹ hàng năm trong thập niên đến năm 2019. Giới doanh nghiệp Mỹ đang tận dụng mức lãi suất gần như bằng zero của sản phẩm này để củng cố bảng cân đối kế toán.

Đối với các doanh nghiệp, trái phiếu chuyển đổi giúp họ tiết kiệm lãi vay đáng kể. Theo dữ liệu của Ice BofA, lãi suất trung bình của trái phiếu cấp đầu tư thông thường tăng từ 2,5% vào đầu năm 2022 lên 5,2% hiện nay. Lãi suất trung bình của trái phiếu hạng thấp tăng từ 4,9% lên khoảng 7,8% trong giai đoạn đó. Ngược lại, với trái phiếu chuyển đổi lãi suất đang phát hành đang ở mức rất thấp. Hồi tháng 11, hãng gọi xe và giao nhận Uber phát hành trái phiếu chuyển đổi trị giá 1,5 tỉ đô la Mỹ với lãi suất dưới 1%.

Michael Youngworth, nhà chiến lược trái phiếu chuyển đổi của ngân hàng Bank of America, cho biết, trái phiếu chuyển đổi thường giúp cắt giảm lãi suất 2,5-3 điểm phần trăm so với lãi suất của trái phiếu thông thường. Mức giảm lãi suất này chuyển thành khoản tiết kiệm hàng chục triệu đô la hàng năm cho một thương vụ phát hành trái phiếu chuyển đổi như của Uber.

Trong những tuần gần đây, nhiều công ty khác đã khai thác thị trường trái phiếu chuyển đổi, bao gồm Pacific Gas & Electric Company (PG&E), nhà cung cấp điện và gas ở bang California và Evergy một công ty năng lượng có trái phiếu được xếp hạng đầu tư ở bang Missouri. Đối với PG&E và Evergy, một phần lý do cơ bản để phát hành trái phiếu chuyển đổi , trị giá lần lượt là 1,9 tỉ và 1,2 tỉ đô la Mỹ, là để thanh toán trái phiếu có kỳ hạn, không chuyển đổi hiện hành.

Theo một báo cáo hồi tháng 10 của hãng xếp hạng tín nhiệm nợ quốc tế Moody’s, các công ty được xếp hạng đầu tư của Mỹ có tổng nợ cần tái cấp vốn cao kỷ lục 1,26 ngàn tỉ đô la trong năm năm tới. Con số này cao hơn 12% so với giai đoạn năm năm trước đây. Trong khi đó, các công ty có trái phiếu xếp hạng rác của Mỹ có tổng cộng 1,87 ngàn tỉ đô la nợ trái phiếu và các khoản vay khác cần tái cấp vốn trong năm năm tới.

“Trái phiếu chuyển đổi sẽ vẫn được ưa chuộng vì các doanh nghiệp Mỹ đang đối mặt với khoản nợ khổng lồ sắp đáo hạn”, Ken Wallach, đồng giám đốc thị trường vốn toàn cầu tại hãng luật Simpson Thacher, nói.

Theo dữ liệu của ngân hàng Citigroup, các doanh nghiệp Mỹ sẽ đến hạn thanh toán trái phiếu với tổng trị giá 780 tỉ đô la trong năm 2024 và 1.000 tỉ đô la trong năm 2024.

Theo Financial Times

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-my-dua-vao-trai-phieu-chuyen-doi-de-tiet-kiem-chi-phi-lai-vay/