Doanh nghiệp muốn TP.HCM táo bạo mở cửa

Đa số doanh nghiệp, quận huyện đều ủng hộ đề xuất cho phép hàng quán được mở bán tại chỗ, trong khi Sở Công Thương cho rằng phải thật thận trọng khi nới lỏng, không thể mở ồ ạt.

Ngày 19/10, Sở Công Thương TP.HCM có công văn gửi UBND TP.HCM xin ý kiến và đề xuất UBND cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được tổ chức hoạt động bao gồm cả hình thức bán mang đi và phục vụ tại chỗ; trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.

Nhiều doanh nghiệp, hộ kinh doanh cho biết rất mong chờ quyết định của thành phố sau đề xuất của Sở Công Thương.

Ông Nguyễn Hoài Phương - CEO Công ty TNHH Gong Cha Việt Nam - cho biết trong thời gian thực hiện bán mang về, các cửa hàng Gong Cha vẫn gặp khó khăn về lượng khách cũng như chi phí duy trì hoạt động cửa hàng.

Theo đại diện doanh nghiệp F&B này, đa số khách hàng đều muốn được ngồi tại chỗ để thưởng thức cùng bạn bè và người thân hơn là mua mang về. Đặc biệt, việc chỉ bán mang về chưa được tận dụng hết, dẫn đến chi phí thanh toán cho mặt bằng vẫn cao so với nguồn thu nhập của cửa hàng.

"Do đó việc đồng ý và cho phép bán cho khách dùng tại chỗ là sự cần thiết và chúng tôi vẫn đang mong chờ tín hiệu đó từ phía cơ quan chức năng", ông nói.

 Các cửa hàng ăn uống tại TP.HCM đều mong muốn sớm được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Các cửa hàng ăn uống tại TP.HCM đều mong muốn sớm được phục vụ tại chỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Sốt ruột chờ ngày được phục vụ tại chỗ

Ngoài ra theo ông Phương, trong đề xuất của Sở Công Thương có nêu ra điều kiện mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn chưa thực sự phù hợp với nhu cầu của người tiêu dùng ăn uống khi đi chung nhóm. Nếu đi 3 người thì một người sẽ phải ngồi bàn khác.

"Với điều kiện chỉ cho phép 50% số lượng bàn ghế hoặc phạm vi cho phép hoạt động, vẫn chưa như mong đợi nhưng đó là quy định thì cần chấp hành. Khi được bán tại chỗ, đầu tiên Gong Cha sẽ kéo giãn các bàn ra xa nhau, để đảm bảo khoảng cách", lãnh đạo doanh nghiệp này cho hay.

Ông Phương cho rằng trong một không gian, việc số lượng người hay khoảng cách chỉ là một trong những yếu tố định lượng về hình thức, quan trọng là ý thức và các nguyên tắc 5K khác như khử khuẩn, khẩu trang cần được chấp hành nghiêm.

Đại diện Gong Cha mong rằng sẽ sớm có được sự hướng dẫn rõ ràng, khoa học, hợp lý từ cơ quan chức năng để sớm hoạt động 100% công suất cho các cửa hàng không chỉ của đơn vị mà còn cho các nhãn hàng, thương hiệu khác để phục vụ người dân.

Anh Lê Hoàng Đại - chủ thương hiệu đồ uống Tik Tak ở TP.HCM - cũng cho biết đang rất mong chờ quyết định cho phép hàng quán bán tại chỗ cho khách hàng. "Nếu được mở lại trong thời gian ngắn tới, cửa hàng cũng chỉ đón tiếp khách hàng có thẻ xanh, không ho sốt (tiêm đủ 2 mũi) để đảm bảo an toàn và vẫn phải đảm bảo 5K. Đồng thời chuẩn bị mã QR để khách hàng khai báo y tế trước khi vào quán", anh nói.

 Doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đều mong rằng sẽ sớm có được sự hướng dẫn rõ ràng, khoa học, hợp lý từ cơ quan chức năng để sớm hoạt động đón khách tại chỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Doanh nghiệp, hộ kinh doanh dịch vụ ăn uống đều mong rằng sẽ sớm có được sự hướng dẫn rõ ràng, khoa học, hợp lý từ cơ quan chức năng để sớm hoạt động đón khách tại chỗ. Ảnh: Quỳnh Danh.

Anh Đại cho biết hiện các cửa hàng của anh cũng đã chuẩn bị mọi thứ cho việc được mở lại bán tại chỗ. "Việc tuyển thêm nhân viên làm toàn thời gian lúc này không quá khó do hàng quán đóng, người mất việc cũng rất nhiều", anh nói.

"Vấn đề đảm bảo 5K, trước giờ cửa hàng vẫn luôn đảm bảo, nguyên vật liệu cũng đã và đang được chuẩn bị", anh Đại khẳng định. Anh cho biết thêm tất cả đều sẵn sàng và mong chờ được đón tiếp khách hàng dùng lại tại quán.

Theo anh Đại, chiếu theo điều kiện của Sở Công Thương đề xuất, hiện tại cửa hàng có thể đáp ứng được, nhưng lượng khách sẽ bị hạn chế chỉ ở mức tầm 15-20 người là hết bàn. "Đặc biệt đối với những khách đi theo nhóm sẽ khó đáp ứng được quy định 2 người/bàn", anh nói.

Thành phố cần kiên quyết, táo bạo hơn

Trao đổi với Zing, ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam (VCCA) - cho rằng trong đề xuất của Sở Công Thương, cơ quan quản lý đang khá thận trọng trong việc nới lỏng hoạt động kinh doanh dịch vụ.

Tuy nhiên, ông Kỳ cho biết điều quan trọng hiện nay là quyết định từ phía thành phố, lãnh đạo TP có tin rằng địa phương đã an toàn hay chưa? Quan điểm của hiệp hội là cần mạnh dạn nới lỏng cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh mở cửa. Ở những vùng an toàn có thể cho hoạt động 100% công suất.

"Hiện nay TP.HCM đã tiêm 98-99% một mũi vaccine cho người dân và gần 70% tiêm 2 mũi. Nếu không nới lỏng, mở cửa tối đa cho doanh nghiệp sẽ lãng phí nỗ lực tiêm vaccine miễn dịch cộng đồng trong thời gian qua", ông nói và nhấn mạnh TP phải tin rằng chúng ta đã an toàn, thậm chí là địa phương an toàn nhất cả nước.

Ông Kỳ cho rằng thành phố đã mạnh dạn rồi thì cần mạnh dạn hơn nữa và mạnh dạn một cách có hiểu biết, có kiến thức. "TP.HCM phải tận dụng các kết quả đạt được để tập trung phát triển kinh tế. Chỉ mở cửa một cách nửa vời sẽ khiến người dân ngày càng kiệt quệ hơn. Do đó, nếu đã xác định mở cửa cần phải kiên quyết, dứt khoát và táo bạo hơn chứ không thể vừa làm vừa ngóng, vừa nghe được", ông đề xuất.

Chỉ mở cửa một cách nửa vời sẽ khiến doanh nghiệp ngày càng kiệt quệ hơn. Nếu đã xác định mở cửa cần phải kiên quyết, dứt khoát và táo bạo chứ không thể vừa làm vừa ngóng, vừa nghe.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ - Chủ tịch Hiệp hội văn hóa ẩm thực Việt Nam.

Bà Trương Minh Kiều - Chủ tịch UBND quận 5 - cho biết cả quận và doanh nghiệp trên địa bàn đều mong thành phố sớm có chỉ đạo và hướng dẫn cho cửa hàng ăn uống được phục vụ tại chỗ.

"Trước đó, quận đã có bước chuẩn bị cho kinh doanh ăn uống tại chỗ nên chỉ cần chờ chỉ đạo của TP sẽ triển khai ngay", bà nói.

Tuy nhiên, bà Kiều cho rằng trong đề xuất của Sở Công Thương có nêu điều kiện mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2 m sẽ hơi khó khăn cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh và người dân khi thực hiện.

"Việc công suất phục vụ tối đa 50%, quận đã triển khai và người dân, doanh nghiệp đều đáp ứng được. Riêng quy định 2 người/bàn và cách nhau 2 m thì hơi khó", bà nhìn nhận.

Để tạo tiền đề và có lộ trình cho việc chuẩn bị mở cửa thêm một số hoạt động sắp tới, bà Nguyễn Thị Thanh Vân - Trưởng phòng kinh tế quận 6 - cho biết hiện nay phòng kinh tế quận đang khảo sát, đánh giá nhu cầu được thí điểm mở thêm loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ trên địa bàn đối với các doanh nghiệp, hộ kinh doanh từ ngày 19-21/10.

"Hiện nay trên địa bàn quận chủ yếu là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, thời gian qua gặp nhiều khó khăn do phải đóng cửa vì dịch bệnh do đó phòng kinh tế phải khảo sát, lấy ý kiến của các đơn vị này để xem xét đề xuất quận có phương án kiến nghị phù hợp với UBND thành phố về việc thí điểm mở thêm loại hình phục vụ ăn uống tại chỗ", bà nói với Zing.

Hơn 2 tuần cho phép mở cửa bán mang đi, số doanh nghiệp trong ngành F&B hoạt động lại vẫn rất thưa thớt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Hơn 2 tuần cho phép mở cửa bán mang đi, số doanh nghiệp trong ngành F&B hoạt động lại vẫn rất thưa thớt. Ảnh: Quỳnh Danh.

Vẫn cần thận trọng từng bước

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM - cho biết Sở đã xem xét các điều kiện an toàn phòng chống dịch mới đề xuất cho phép các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống được bán tại chỗ. "Khi đủ an toàn các hoạt động dịch vụ sẽ được mở lại từng bước chứ không thể đóng cửa mãi được", ông nói.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương, việc cho phép phục vụ khách ngồi vẫn phải dựa trên nguyên tắc "mở cửa phải an toàn, an toàn đến đâu, mở cửa đến đó".

Về ý kiến điều kiện đề xuất không quá 2 người mỗi bàn, mỗi bàn cách xa 2 m gây khó cho doanh nghiệp, hộ kinh doanh, ông Phương cho rằng trong điều kiện dịch bệnh tại thành phố vẫn còn phức tạp khó lường, không thể đề xuất cho phép mở bán tại chỗ một cách bình thường như trước.

Mọi người đều mong muốn hàng quán được mở lại và bán ăn uống tại chỗ như trong điều kiện bình thường nhưng không vì 1, 2 doanh nghiệp kêu khó mà nới lỏng toàn bộ. Phải thăm dò và thật thận trọng từng bước.

Ông Nguyễn Nguyên Phương - Phó giám đốc Sở Công Thương TP.HCM.

"Singapore, Israel là 2 nước đã tiêm 2 mũi vaccine cho toàn bộ người dân, y tế các nước này cũng rất phát triển nhưng vẫn gặp rất nhiều khó khăn khi dịch bùng phát trở lại", ông lấy dẫn chứng.

Theo Phó giám đốc Sở Công Thương, hiện nay mọi người đều mong muốn hàng quán được mở lại và bán ăn uống tại chỗ như trong điều kiện bình thường nhưng không vì 1, 2 doanh nghiệp kêu khó mà nới lỏng toàn bộ, phải thăm dò và thật thận trọng từng bước khi mở cửa.

"Khi TP đồng ý cho phép các hàng quán bán tại chỗ, nếu thấy tình hình dịch bệnh vẫn ổn định, Sở sẽ có đề xuất nới lỏng thêm các điều kiện", ông nói.

Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh, nguyên Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM), đối với hoạt động kinh doanh ăn uống, người phục vụ là nhóm nguy cơ cao nhất bởi họ thường xuyên tiếp xúc nhiều nhóm người khác nhau. Do đó, người này phải luôn đeo khẩu trang, sát khuẩn thường xuyên và tiêm đủ liều vaccine.

Hiện, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã cho phép mở lại nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ. Ảnh: Thạch Thảo.

Hiện, Hà Nội và nhiều tỉnh thành khác đã cho phép mở lại nhiều hoạt động kinh doanh dịch vụ. Ảnh: Thạch Thảo.

Bác sĩ Khanh cũng đề xuất sau khi hoạt động phục vụ ăn uống tại chỗ được khôi phục, để đảm bảo an toàn dịch, chính quyền địa phương có thể đề nghị các hộ kinh doanh ký cam kết hoặc lập các đoàn hậu kiểm thường xuyên để rà soát việc tuân thủ quy định đảm bảo phòng dịch.

Ông phân tích giai đoạn trước đó, ở TP.HCM, ai mắc Covid-19 cũng có thể trở nặng do vaccine chưa phủ rộng rãi. Còn hiện nay, dịch chắc chắn đã lây chậm hơn, ngành y tế cũng có thể kiểm soát được tình hình, tỷ lệ tiêm vaccine đã rất cao.

Thanh Thương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/doanh-nghiep-muon-tphcm-tao-bao-mo-cua-post1272163.html