Doanh nghiệp muốn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, Bộ Công thương vẫn muốn giữ

Nhiều 'ông lớn' xăng dầu như Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex), Tổng công ty Dầu Việt Nam (PVOIL), Thanh Lễ… kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, tránh những vụ việc sử dụng sai mục đích như Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức thời gian qua.

Bộ Công thương đã hoàn thiện Dự thảo lần 2, Thông tư sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ một số quy định trong hoạt động kinh doanh xăng dầu gửi lấy ý kiến góp ý của các tổ chức, cá nhân có liên quan.

Trong rất nhiều nội dung kiến nghị cho Dự thảo, lãnh đạo nhiều doanh nghiệp lớn như Petrolimex, PVOil đã kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Nội dung này được nêu tại Hội nghị lấy ý kiến xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu do Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam (Vinpa) tổ chức mới đây.

Góp ý xây dựng nghị định mới về kinh doanh xăng dầu, nhiều ý kiến cho rằng, trong bối cảnh hiện nay, việc duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không còn phù hợp, bởi thực hiện chu kỳ điều hành giá 7 ngày/lần, giá xăng dầu trong nước đã bám sát giá thế giới, mức độ biến động giá giữa các lần điều chỉnh giá cơ bản không còn lớn.

Ông Trần Ngọc Năm, Phó tổng giám đốc Petrolimex nhận định, thời gian qua, Quỹ Bình ổn gần như không cần trích chi sử dụng và thị trường vẫn diễn ra bình thường. Quỹ Bình ổn giá không sử dụng đến nhiều, nhưng để duy trì quỹ này, doanh nghiệp rất khổ do phải làm bảng kê lượng xuất bán, báo cáo, kiểm kê rồi thanh, kiểm tra.

Từ thực tế đó, đại diện Petrolimex kiến nghị bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu. Việc bỏ quỹ này cũng giảm thiểu rủi ro, bất cập trong việc quản lý quỹ, như trường hợp của một số thương nhân đầu mối Xuyên Việt Oil, Hải Hà, Thiên Minh Đức…

Thời gian qua, hàng loạt “ông lớn” xăng dầu bị Thanh tra Chính phủ kết luận đã sử dụng quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản quỹ, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp trong nhiều kỳ trước khi hoàn trả lại quỹ với số tiền gần 8.000 tỷ đồng.

Kết luận thanh tra chỉ rõ, có 7/15 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu đã sử dụng Quỹ sai mục đích bình ổn giá, không kết chuyển về tài khoản Quỹ Bình ổn giá, mà để lại tài khoản thanh toán của doanh nghiệp.

“Quỹ Bình ổn giá liên tục bị các thương nhân đầu mối chiếm dụng và sử dụng sai mục đích bình ổn giá xăng dầu”, Thanh tra Chính phủ nhấn mạnh

Sau kết luận thanh tra, Bộ Tài chính đã có văn bản đề nghị các doanh nghiệp đầu mối xăng dầu rà soát, báo cáo tổng thể các nội dung liên quan đến quỹ này. Bộ Tài chính yêu cầu các doanh nghiệp khẩn trương khắc phục các tồn tại, thực hiện nghiêm kết luận của Thanh tra Chính phủ, thực hiện trích, chi Quỹ Bình ổn giá xăng dầu đúng, đủ theo quy định pháp luật.

Phó tổng giám đốc Petrolimex cũng bày tỏ, nếu trong trường hợp vẫn tiếp tục duy trì Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, thì đề xuất cơ quan quản lý nhà nước trực tiếp quản lý quỹ được hình thành từ các doanh nghiệp đầu mối. Đồng thời, có quy định cụ thể để trích/chi quỹ và đảm bảo kịp thời, thuận tiện trong trường hợp chi sử dụng quỹ để không ảnh hưởng đến vốn của doanh nghiệp.

Cùng chung quan điểm bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, ông Cao Hoài Dương, Chủ tịch HĐQT PVOIL chia sẻ: “Mỗi kỳ điều hành giá, doanh nghiệp cứ phải hồi hộp đoán xem kỳ này Quỹ sử dụng thế nào, trích ra sao… Bên cạnh đó, Quỹ Bình ổn là nguồn lực của người dân đóng góp vào, thì bản chất không phải bình ổn.

Do vậy, lãnh đạo PVOIL cho rằng, dự thảo mới cần mạnh dạn bỏ Quỹ Bình ổn giá xăng dầu hiện nay do còn nhiều vấn đề.

“Chúng ta xây dựng Quỹ với mục đích bình ổn cho người dân, nhưng hiện nay, người dân không cảm nhận được, thì không nên duy trì Quỹ ”, đại diện PVOIL nói.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng, Quỹ Bình ổn giá xăng dầu không giúp bình ổn giá, nên đã đến lúc bỏ và nếu cần thì xây dựng phương án quản lý mới.

Được biết, kể từ kỳ điều hành ngày 23/10/2023 đến tháng 4/2024, cơ quan quản lý không chi sử dụng Quỹ Bình ổn giá xăng dầu, trong khi số dư của Quỹ hơn 6.655 tỷ đồng tính đến cuối 2023.

Thế Hoàng

Nguồn Đầu Tư: https://baodautu.vn/doanh-nghiep-muon-bo-quy-binh-on-gia-xang-dau-bo-cong-thuong-van-muon-giu-d215123.html