Doanh nghiệp lo mất lao động có tay nghề nếu thay đổi chính sách BHXH một lần

Lao động có thâm niên từ trên 10 năm xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo thiếu lao động.

Tại các buổi góp ý cho dự thảo Luật BHXH (sửa đổi), nhiều ý kiến cho rằng việc thay đổi chính sách BHXH một lần đang tác động lớn đến cả doanh nghiệp và người lao động.
Bà Huỳnh Thị Thu Hà, đại diện Ban Giám đốc Công ty TNHH Lạc Tỷ (quận Bình Tân,. TP HCM), cho biết là công ty thuộc lĩnh vực sản xuất giày, hiện có khoảng 2.700 lao động.

Tại công ty, Công đoàn và doanh nghiệp thường xuyên phổ biến về Luật BHXH, tuyên truyền các chính sách có lợi cho người lao động khi họ nghỉ hưu tuy nhiên trong thời gian vừa qua, người lao động vẫn liên tục làm đơn xin nghỉ việc để hưởng BHXH một lần khiến doanh nghiệp lo lắng sẽ biến động lao động.

Tương tự tại một doanh nghiệp sản xuất trên địa người lao động huyện Bình Chánh (TP HCM), ngay từ khi dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) vừa được đưa ra lấy ý kiến thì nhiều người lao động đã lần lượt làm đơn xin nghỉ việc để rút BHXH một qua.

Ông L.K.H, đại diện nhân sự công ty này cho biết, thời điểm đó, doanh nghiệp vẫn đang sản xuất ổn định, dù không tăng ca nhiều như trước nhưng vẫn đủ việc làm 8 tiếng cho người lao động, tuy nhiên, họ sẵn sàng nghỉ việc một năm để được rút BHXH một lần bất chấp Công đoàn và doanh nghiệp có tuyên truyền rằng Luật BHXH (sửa đổi) mới chỉ là dự thảo, đang lấy ý kiến rộng rãi các tầng lớp nhân dân chứ chưa được thông qua.

Cả doanh nghiệp và người lao động đều lo lắng khi chính sách BHXH một lần thay đổi

Phân tích lý do vì sao người lao động sẵn sàng bỏ công việc ổn định để rút BHXH rồi bắt đầu lại từ đầu, ông H. cho rằng phần lớn những người lao động chọn rút BHXH một lần là những người có thâm niên làm việc trên 10 năm, họ đủ điều kiện để hưởng bảo hiểm thất nghiệp từ 10-12 tháng và sống nhờ vào khoản tiền này đồng thời làm tạm một công việc tự do khác để có thêm thu nhập trong khoảng thời gian chờ đợi rút BHXH một lần.

Mặt khác, dù tuổi nghề cao nhưng tuổi đời của họ còn trẻ, chỉ mới ngoài 30 tuổi nên họ tin rằng khi quay lại thị trường lao động, họ vẫn đủ điều kiện để hưởng lương hưu. Chỉ có doanh nghiệp là lo lắng mất đi đội ngũ thợ có tay nghề.

"Tôi cho rằng để người lao động không nghĩ đến rút BHXH một lần, thì ngoài vấn đề việc làm bền vững với thu nhập đủ sống thì cần phải xây dựng chế độ hưu trí sao cho hấp dẫn. Mặt khác dù bảo hiểm thất nghiệp có tính chất chia sẻ thì nên chăng cần tính toán bổ sung một khoản trợ cấp một lần cho người lao động có quá trình đóng kéo dài đến lúc nghỉ hưu" - ông H. kiến nghị.

Ông Nguyễn Phước Đại, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH Juki Việt Nam (KCX Tân Thuận, quận 7, TP HCM) cũng cho biết tình trạng tương tự cũng đang diễn ra tại công ty ông. Nhiều lao động có thâm niên từ 10 năm trở lên đã làm đơn xin nghỉ việc, điều này khiến doanh nghiệp rất tiếc nuối những lao động có tay nghề.

Ông Đại cho rằng hiện doanh nghiệp đang ít đơn hàng nên chưa bị ảnh hưởng sâu bởi vấn đề này nhưng khi doanh nghiệp phục hồi, thì việc thiếu lao động có tay nghề sẽ tác động khá lớn. Tuy nhiên, nghỉ việc là lựa chọn của họ, bản thân họ cũng có lý lẽ riêng bởi trong giai đoạn kinh tế khó khăn, công ty phải giảm giờ làm khiến họ lo lắng, nên nhiều người rút BHXH để có một khoản phòng thân.

"Mặt khác, việc trên các nền tảng mạng xã hội liên tục lan truyền những thông tin từ năm 2025 chỉ còn được rút 50% BHXH một lần cũng đang tác động rất lớn đến tâm lý người lao động. Thậm chí có công nhân chưa tìm hiểu đã đâm đơn xin nghỉ, sau biết đó mới chỉ là 1 trong 2 phương án nằm trong dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) thì lại tiếc. Vì vậy, để người lao động tin tưởng vào chính sách an sinh, tôi cho rằng trong giai đoạn hiện nay, phương án 1 là phù hợp nhất, đáp ứng nguyện vọng của số đông lao động" - ông Đại nói.

Tin-ảnh: N.Hoàng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/cong-doan/doanh-nghiep-lo-mat-lao-dong-co-tay-nghe-neu-thay-doi-chinh-sach-bhxh-mot-lan-20231030093418983.htm