Doanh nghiệp lấy lại đà tăng

Sau một thời kỳ suy giảm, 'sức khỏe' của ngành sản xuất đã bắt đầu cải thiện. Chỉ số Nhà Quản trị Mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đạt 51,2 điểm trong tháng 2, tăng so với mức mức 47,4 điểm trong tháng 1 là minh chứng rõ nét…

Xuất khẩu thủy sản tăng nhẹ trong tháng 2. Ảnh: Quang Vinh.

Xuất khẩu thủy sản tăng nhẹ trong tháng 2. Ảnh: Quang Vinh.

Đơn hàng quay trở lại

Thông tin từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (Vasep) cho biết, sau khi sụt giảm mạnh trong tháng 1 bước sang nửa đầu tháng 2/2023, xuất khẩu thủy sản tăng 42% so với cùng kỳ. Ước tính tổng giá trị xuất khẩu thủy sản trong tháng 2 đạt khoảng 662 triệu USD, tăng nhẹ 4% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, xuất khẩu mực, bạch tuộc và các loại cá biển có xu hướng tích cực hơn với tăng trưởng 6% mỗi loại, đạt lần lượt 103 triệu USD và 273 triệu USD.

Chia sẻ thông tin với báo chí, đại diện Công ty Cổ phần Stavian Hóa chất - Stavian Chemical cho biết, sẽ đẩy mạnh hoạt động thương mại, xuất nhập khẩu với các đối tác Ấn Độ và kỳ vọng kim ngạch xuất nhập khẩu đạt khoảng 100 triệu USD năm 2023 và nâng lên 200 triệu USD các năm tiếp theo, sau đó Công ty sẽ nghiên cứu mở nhà máy hoặc hợp tác mở nhà máy sản xuất nhựa, hóa chất, hóa dầu tại Ấn Độ.

Chỉ riêng một ngành thủy sản hay một vài doanh nghiệp (DN) chưa thể khẳng định được rằng hoạt động sản xuất kinh doanh đang lấy lại đà phục hồi. Vậy nhưng các điều tra cũng như một vài số liệu cho phép chúng ta có thể lạc quan dần.

Chẳng hạn S&P Global công bố chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) ngành sản xuất Việt Nam đã tăng trở lại lên trên ngưỡng không thay đổi, 50 điểm vào tháng 2. Nhân tố chính dẫn đến cải thiện sức khỏe ngành sản xuất là sự cải thiện của nhu cầu thị trường. Điều này giúp các công ty có được khách hàng mới và có số lượng đơn đặt hàng mới tăng.

Số lượng đơn đặt hàng mới tăng đã khiến sản lượng, việc làm và hoạt động mua hàng tăng vào thời điểm giữa quý đầu của năm. Sản lượng tăng nhẹ nhưng là một bước cải thiện đáng kể so với những mức giảm mạnh trong thời điểm cuối năm ngoái và đầu năm nay. Dữ liệu thống kê cho thấy, sản lượng tăng chủ yếu ở các nhà sản xuất hàng hóa đầu tư cơ bản.

Ông Andrew Harker - Giám đốc Kinh tế tại S&P Global Market Intelligence, cho rằng, nhu cầu cải thiện ở cả trong và nước ngoài đã thổi luồng sinh khí mới vào ngành sản xuất của Việt Nam trong tháng 2, từ đó kết thúc thời kỳ suy giảm nhẹ kéo dài 3 tháng trong giai đoạn chuyển giao giữa 2 năm. Sản lượng, số lượng đơn đặt hàng mới, việc làm và hoạt động mua hàng đều tăng trở lại khi niềm tin kinh doanh tăng lên với triển vọng nhu cầu cải thiện. Tuy nhiên, mối lo ngại kéo dài vẫn là lạm phát khi cả chi phí đầu vào và giá bán hàng trong tháng 2 đều tăng.

Chất lượng hàng hóa gia tăng

Một thông tin được ông Roger Luo - Giám đốc Alibaba.com khu vực châu Á - Thái Bình Dương cho biết: Thông qua dữ liệu xuất khẩu của Việt Nam trong những năm vừa qua, chúng ta có thể thấy rằng, hàng hóa của Việt Nam đang đứng đầu về nhu cầu thu mua của thế giới và ngày càng nhiều đối tác nước ngoài coi Việt Nam là lựa chọn hàng đầu để thu mua.

Sản phẩm từ các DN nhỏ và vừa Việt Nam luôn được đánh giá cao về chất lượng thành phẩm, kỹ năng xuất khẩu cũng như dịch vụ chăm sóc khách hàng. Bên cạnh đó, theo số liệu hiện tại, 50% nhà xuất khẩu từ Việt Nam đang ở mức KA (nhà xuất khẩu có hạng sao cao), điều này thể hiện xu hướng đầu tư theo chiều sâu ngày càng nhiều hơn của các DN xuất khẩu Việt Nam vào thương mại điện tử.

Dù phải đối mặt với nhiều thách thức nhưng nhìn chung, triển vọng xuất khẩu của Việt Nam sang các thị trường lớn trong năm 2023 được đánh giá khả quan.

Theo báo cáo thị trường “Triển vọng B2B kỹ thuật số 2023” của Alibaba.com, hơn 50% DN lựa chọn thử sức với kênh thương mại điện tử hoặc số hóa và mở rộng kênh bán hàng để “sống sót” qua đại dịch. Không nằm ngoài xu hướng đó, nhiều DN Việt Nam đã tăng đầu tư vào ứng dụng công nghệ số, nâng cao năng lực xuất khẩu, kỹ năng bán hàng xuyên biên giới, nghiên cứu phát triển sản phẩm và xây dựng thương hiệu để tăng tốc trong giai đoạn khó khăn.

Theo TS Nguyễn Đình Cung - nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), xuất khẩu Việt Nam được kỳ vọng tăng trưởng 6% năm 2023, mở ra kỳ vọng kinh doanh mới cho cộng đồng DN.

Ông Vũ Bá Phú- Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công thương cho biết: Năm 2023 là năm bản lề trong việc thực hiện thành công kế hoạch phát triển kinh tế giai đoạn 2021 - 2025, trong đó mục tiêu số hóa các hoạt động xúc tiến thương mại đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số trong công tác xúc tiến là một nội dung quan trọng trong chủ trương xây dựng chính phủ số, kinh tế số, và xã hội số.

H.Hương

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/doanh-nghiep-lay-lai-da-tang-5711237.html