Doanh nghiệp lao đao vì giá cước vận tải biển tăng vọt

Do xung đột ở khu vực Biển Đỏ, giá cước vận tải biển sang châu Âu tăng 30 - 40% khiến các doanh nghiệp xuất nhập khẩu gặp nhiều khó khăn, thậm chí nguy cơ mất đơn hàng nếu tình trạng này kéo dài.

Nguy cơ mất đơn hàng

Theo lịch tàu, hai container dừa tươi xuất khẩu sang châu Âu trị giá 16.000 USD của Công ty TNHH Ant Farm sẽ cập cảng đầu tháng 1.2024, song hiện vẫn lênh đênh trên biển và dự kiến cuối tháng này mới đến nơi.

Nguyên nhân tàu đến chậm bởi bất ổn ở vịnh Aden và khu vực Biển Đỏ - tuyến hàng hải quan trọng ở vùng vịnh nối châu Âu và châu Á, khiến một số hãng vận tải biển dừng vận chuyển hàng hóa qua khu vực này. Lịch trình các tàu phải thay đổi - không đi qua kênh đào Suez mà đi vòng qua Mũi Hảo Vọng của châu Phi - làm phát sinh thời gian cũng như cước phí. Trước đây, thời gian vận chuyển thông thường là 28 - 30 ngày sang châu Âu thì nay các hãng tàu thông báo kéo dài lên 47 - 55 ngày, cước phí đội lên 30 - 40% so với trước.

Với các doanh nghiệp xuất khẩu trái cây tươi như Ant Farm, điều này đồng nghĩa với rất nhiều rủi ro khiến Ban lãnh đạo Công ty “đứng ngồi không yên”. “Hợp đồng đã ký, khách hàng có thể thông cảm khi tàu đến chậm, nhưng chất lượng sẽ không rõ thế nào”, Trưởng phòng Kinh doanh quốc tế Helly Nguyễn chia sẻ.

Điều khiến doanh nghiệp này cảm thấy may mắn là thị trường châu Âu đang vào mùa đông nên cầu tiêu thụ dừa tươi không cao, đồng nghĩa số chuyến tàu xuất đi không nhiều, ít bị ảnh hưởng bởi việc tăng giá cước cũng như kéo dài thời gian vận chuyển. Song, nếu bất ổn tại khu vực Biển Đỏ tiếp tục phức tạp, sản lượng xuất khẩu sang châu Âu chắc chắn sẽ giảm.

Nguồn: ITN

Tương tự, Công ty CP Thực phẩm Sao Ta cũng chịu tác động của việc giá cước vận tải biển tăng do xung đột tại Biển Đỏ. Ông Nguyễn Quốc Chiếm, đại diện công ty, cho biết, theo thông báo sáng 2.1.2024 của các hãng tàu, giá cước xuất khẩu sang châu Âu lên tới 5.300 - 6.300 USD/container và có thể tiếp tục tăng sau ngày 8.1 hoặc 15.1 tới, tùy từng hãng. Doanh nghiệp cũng chưa biết đến khi nào giá cước mới dừng tăng vì còn phụ thuộc việc bất ổn kéo dài đến khi nào.

“Nếu không sớm giải quyết ổn thỏa, giá cước vận tải biển sẽ tiếp tục tăng và có thể lên mức như hồi dịch Covid-19 (trên 20.000 USD/container). Điều đáng lo nữa là, đối tác của châu Âu sẽ tính đến phương án tìm nhà cung cấp thay thế mà không phải đi qua khu vực Biển Đỏ, đồng nghĩa có nguy cơ mất đơn hàng với các doanh nghiệp của Việt Nam”, ông Chiếm lo ngại.

Việc tăng giá cước vận tải biển khi xuất khẩu sang châu Âu không chỉ tác động tới các doanh nghiệp bán C&F (bên bán phải lo cước tàu) mà cả với các doanh nghiệp bán FOB (bên mua phải lo cước tàu). Ông Huỳnh Quang Thanh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH Hiệp Long (Bình Dương) chuyên sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm nội - ngoại thất cao cấp sang châu Âu, Mỹ, Nhật Bản, xác nhận, gần 20% lượng hàng xuất khẩu sang châu Âu theo hợp đồng giá FOB vào đợt này đã bị đối tác tạm dừng nhận hàng vì giá cước tăng cao. “Họ cũng chưa có thông báo khi nào sẽ nhận hàng. Việc hàng chưa xuất đi được khiến doanh nghiệp bị đọng vốn, phần nào cũng ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp”, ông Thanh thông tin.

Chủ động phương án ứng phó

Trước bối cảnh đó, với nhiều doanh nghiệp như Sao Ta, “chỉ còn cách sử dụng mối quan hệ đã có mấy chục năm với hãng tàu để mong họ ưu tiên cho mình”, ông Chiếm chia sẻ. Trong ngành hàng nông sản, nhiều doanh nghiệp “đã tính đến việc xuất khẩu qua đường hàng không”, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam Đặng Phúc Nguyên nói.

Tuy nhiên, cân nhắc bài toán chi phí - lợi ích khi xuất khẩu qua đường hàng không là không đơn giản, khiến ban lãnh đạo nhiều doanh nghiệp đau đầu. Bởi lẽ, theo đại diện Công ty Ant Farm, hiện một container 40 feet chở được 18 tấn hàng có giá cước vận tải biển là 4.400 - 5.000 USD, nếu đi đường hàng không thì chi phí sẽ đội lên tới trên 60.000 USD (3,3 - 3,5USD/kg). Bởi lẽ đó, hiện các doanh nghiệp chỉ còn biết chờ đợi cuộc xung đột kết thúc để các hãng tàu vận hành bình thường trở lại.

Mới đây, Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương đã phát đi khuyến cáo các hiệp hội ngành hàng, các hiệp hội trong lĩnh vực logistics về việc hạn chế tác động của tình hình phát sinh tại khu vực Biển Đỏ.

Theo đó, các hiệp hội cần tăng cường theo dõi, thường xuyên cập nhật tình hình đến các doanh nghiệp trong ngành nắm chắc thông tin để chủ động kế hoạch sản xuất và xuất nhập khẩu hàng hóa, tránh để phát sinh ùn tắc và các tác động bất lợi khác. Về phía các doanh nghiệp xuất nhập khẩu, cần theo dõi sát tình hình, chủ động lên phương án thích hợp, trao đổi với đối tác để trong trường hợp cần thiết có thể kéo dài thời gian đóng hàng, nhận hàng. Các doanh nghiệp cũng cần tìm kiếm và đa dạng hóa nguồn cung để hạn chế ảnh hưởng đối với chuỗi cung ứng; tìm hiểu về phương thức vận chuyển đường sắt để có lựa chọn khác nhau về phương thức giao hàng.

Cục Xuất nhập khẩu cũng lưu ý, các doanh nghiệp khi ký kết và đàm phán hợp đồng thương mại, hợp đồng vận chuyển nên có điều khoản về bồi thường, miễn trách nhiệm trong các tình huống khẩn cấp. Cần mua bảo hiểm đầy đủ để phòng ngừa rủi ro và tổn thất khi hàng hóa phải kéo dài thời gian vận chuyển hoặc gặp sự cố khi đi qua tuyến đường này.

Đan Thanh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/kinh-te-xa-hoi/doanh-nghiep-lao-dao-vi-gia-cuoc-van-tai-bien-tang-vot-i356062/