Doanh nghiệp kỳ vọng một năm Giáp Thìn tươi sáng

Dù còn nhiều khó khăn phía trước nhưng với bản lĩnh vốn có của doanh nhân, những người điều hành, người đứng đầu doanh nghiệp vẫn không ngừng kỳ vọng cũng như vạch ra kế hoạch kinh doanh mang gam màu tươi sáng cho năm 2024.

Hoạt động sản xuất, kinh doanh được kỳ vọng sẽ dần hồi phục trong năm 2024. Ảnh: Minh Anh

Doanh nghiệp Việt Nam đã trải qua một năm 2023 với nhiều cung bậc cảm xúc, có những ngành hàng giúp doanh nghiệp thu về kết quả ấn tượng như gạo, rau quả, nhưng cũng có các ngành hàng ghi nhận một năm kinh doanh ế ẩm, khát đơn hàng như gỗ, dệt may. Trước thềm năm Giáp Thìn 2024, các doanh nghiệp đã chia sẻ về những mục tiêu và định hướng phát triển cụ thể trong năm kinh doanh mới này.

Kỳ vọng giá gạo năm 2024 sẽ ổn định

Theo dữ liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), trong tuần đầu tiên của năm 2024, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục ở mức cao.

Cụ thể, ở phân khúc 5% tấm, gạo của Việt Nam có giá 653 đô la Mỹ/tấn, ngang bằng với gạo Thái Lan. Ở phân khúc 25% tấm, gạo của Việt Nam có giá cao nhất thế giới, ở mức 633 đô la Mỹ/tấn.

Theo các doanh nghiệp, giá gạo tăng cao nhìn chung các đơn vị xuất khẩu sẽ có xu hướng được thuận lợi về giá. Tuy nhiên, hiện nay lượng gạo trong nước không còn nhiều và giá thu mua khá cao khiến doanh nghiệp không dám ký hợp đồng mới vì sợ không có hàng giao cho khách.

Ông Phan Văn Có, Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group, nói với KTSG rằng, mỗi năm doanh nghiệp xuất khẩu khoảng 18.000-20.000 tấn gạo, trong đó, vùng trồng nguyên liệu của công ty cung ứng được khoảng 40%, tương ứng khoảng 8.000-10.000 tấn, còn lại là thu mua từ các hợp tác xã và nông dân.

Ông Phan Văn Có,Giám đốc Marketing Công ty TNHH VRice Group.

Ông cho biết thêm doanh nghiệp đã ứng tiền cho các hợp tác xã để bao tiêu nguồn cung lúa gạo, tuy nhiên, khi giá gạo lên cao, các hợp tác xã, nông dân này lại không giao hàng, khiến doanh nghiệp không có nguồn hàng xuất khẩu, bị mất đơn hàng và thậm chí bị phạt theo hợp đồng đã ký.

“Hiện tại, đơn vị đã ký hợp đồng xuất khẩu với các thị trường truyền thống, cam kết cung ứng trong mức 8.000-10.000 tấn này. Dự kiến sẽ xuất đến tháng 5-2024. Với các hợp đồng ngoài nguồn cung có sẵn, chúng tôi không dám ký thêm”, ông Phan Văn Có chia sẻ.

Cũng theo vị đại diện doanh nghiệp này, năm 2024, công ty kỳ vọng giá xuất khẩu sẽ ổn định. Hiện nguồn hàng các nước xuất khẩu chưa vào mùa thu hoạch chính nên giá gạo dự báo tiếp tục cao. Tuy nhiên, vào các tháng 3-4 tới đây sẽ là mùa thu hoạch của các nước, giá gạo khi đó sẽ khó tăng.

Duy trì nhịp độ sản xuất, lấy lại đà tăng trưởng

Không nằm ngoài tình cảnh khó khăn chung của ngành dệt may năm 2023, kết quả sản xuất, kinh doanh của Công ty TNHH Việt Thắng Jean giảm gần 30% so với năm trước đó. Tuy nhiên, vào các tháng cuối năm, ngành dệt may ghi nhận những tín hiệu tích cực khi đơn hàng dần trở lại.

Theo đó, bước sang năm 2024, Việt Thắng Jean kỳ vọng thị trường truyền thống như Mỹ, châu Âu sẽ phục hồi. Đồng thời, ngành dệt may sẽ giữ được nhịp độ sản xuất của quí 4-2023 đến giữa năm nay, sau đó tăng tốc lấy lại đà tăng trưởng trong sáu tháng còn lại của năm 2024.

Ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean.

Chia sẻ với KTSG, ông Phạm Văn Việt, Tổng giám đốc Việt Thắng Jean, cho biết hiện nay khi đơn hàng trở lại, xu hướng đặt hàng cũng thay đổi buộc doanh nghiệp phải thích ứng nhanh. Cụ thể, người mua hàng không còn đặt theo mùa mà rút ngắn lại đặt theo mỗi quí.

“Tính đến hiện tại, đơn hàng của Việt Thắng Jean nhận được mới đến hết tháng 3-2024, thay vì trước đây công ty thường nhận đơn đến sáu tháng, chín tháng hoặc cả năm”, ông Việt nói.

Vị đại diện doanh nghiệp này còn cho hay, cách đặt hàng của các thị trường xuất khẩu cũng thay đổi theo xu hướng mới. Do đó, để đảm bảo tiến độ giao hàng nhanh, Việt Thắng Jean đã ứng dụng các giải pháp công nghệ mới 4.0 vào quy trình tư vấn, trao đổi mẫu mã. Cụ thể, doanh nghiệp sử dụng công nghệ 3D để thiết kế sản phẩm sinh động, giúp khách hàng có thể lựa chọn từ xa, giảm chi phí gửi mẫu và thời gian trao đổi, chỉnh sửa mẫu.

“Trước đây, để chào mẫu và đi đến ký kết đơn hàng thường mất đến sáu tháng nhưng hiện nay chúng tôi thực hiện công đoạn này chỉ trong hai tháng, riêng phần tư vấn mẫu chỉ khoảng một tuần. Nhờ đó chi phí giảm đến 85%”, ông Phạm Văn Việt cho hay.

Ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty cổ phần Quốc tế Dony.

Cũng kinh qua năm 2023 đầy khó khăn, ông Phạm Quang Anh, CEO Công ty cổ phần Quốc tế Dony, cho hay đã nhanh chóng chuyển hướng từ thị trường chính là Mỹ sang các thị trường ngách như Nga, Malaysia, Camphuchia… nhằm duy trì hoạt động cho nhà máy. Nhờ tích cực tìm kiếm đến các tháng cuối năm 2023, Dony đã có những khách hàng mới với lượng đơn hàng dệt may mới lấp đầy 10% tỷ trọng đơn hàng cần thiết của doanh nghiệp này.

Xuất khẩu rau quả sẽ tiếp đà tăng trưởng

Là một trong những doanh nghiệp xuất khẩu rau quả lớn trong ngành, Vina T&T là một trong 25 doanh nghiệp đầu tiên có mã số nhà máy đóng gói, vùng trồng đủ điều kiện xuất khẩu sầu riêng sang Trung Quốc từ cuối năm 2022. Bước sang năm 2023, doanh nghiệp khai thác hiệu quả lợi thế này và đều đặn mỗi ngày xuất khẩu một container sầu riêng sang thị trường tỉ dân.

Kết quả, mặt hàng này đã mang về hơn 40 triệu đô la Mỹ cho Vina T&T, góp phần vào mức tăng trưởng 40% của công ty trong năm 2023 vừa qua.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T, cho KTSG biết, năm 2024 doanh nghiệp đặt mục tiêu tăng trưởng 30% so với năm 2023, đồng thời tập trung nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu cho doanh nghiệp.

Ông Nguyễn Đình Tùng, Giám đốc Vina T&T.

“Năm nay, nếu Trung Quốc chấp nhận mở cửa cho quả dừa tươi, Vina T&T sẽ là một trong những đơn vị tiên phong xuất khẩu mặt hàng này vì đây là một trong những sản phẩm chính của công ty. Ngoài ra, doanh nghiệp sẽ tập trung nâng chất lượng, xây dựng thương hiệu trên các thị trường xuất khẩu. Đồng thời, liên kết chặt chẽ với nông dân ở các vùng trồng để giữ nguồn cung ổn định”, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T chia sẻ.

Tạo sản phẩm mới, độc đáo

Tạo ra sản phẩm mới, đáp ứng nhu cầu tìm kiếm sản phẩm xanh, thân thiện môi trường của người tiêu dùng cũng là cách “xoay sở” năm khó vừa qua của Phúc Sinh Group. Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group, cho biết công ty đã cho ra đời một sản phẩm mới: trà cascara từ vỏ cà phê, thu về hàng triệu đồng mỗi ki lô gam, cao gấp 7-8 lần cà phê nhân thông thường tại thị trường thế giới. Theo lời ông Thông, đây là một sản phẩm mới ở Việt Nam và rất có ý nghĩa với doanh nghiệp bởi việc chế biến, sản xuất trà cascara sẽ giúp giải quyết bài toán về môi trường và tạo ra một nền nông nghiệp tuần hoàn xanh mà hiện giờ đang là xu hướng trên thế giới cũng như là ở Việt Nam.

Ông Phan Minh Thông, Chủ tịch HĐQT Phúc Sinh Group.

“Năm 2024, chúng tôi sẽ tiếp tục đi khắp nơi trên thế giới để khảo sát nhu cầu, đồng thời mở rộng chuỗi cà phê nội địa, đưa trà cascara vào các hệ thống nhà hàng, khách sạn, điểm du lịch quốc tế để mở rộng thị phần trong nước, đồng thời phát triển sâu các sản phẩm hiện có và đầu tư, mở rộng nhà máy”, ông Thông chia sẻ.

Thu hút nhiều dự án mang giá trị gia tăng cao

Năm 2023, mặc dù kinh tế chịu nhiều tác động của bối cảnh chung nhưng Việt Nam vẫn là một trong những trung tâm sản xuất toàn diện, đáp ứng được nhu cầu của nhiều nhà đầu tư các nước.

Theo Tổng cục Thống kê, thu hút vốn đầu tư nước ngoài FDI vào Việt Nam trong năm 2023 đạt 36,6 tỉ đô la Mỹ, tăng hơn 32% so với năm 2022, FDI giải ngân tăng 3,5% (cao nhất từ trước đến nay) cho thấy nhà đầu tư tiếp tục tin tưởng và mở rộng sản xuất tại Việt Nam. Bước sang năm 2024, Việt Nam kỳ vọng đón làn sóng đầu tư lĩnh vực công nghệ cao mạnh mẽ hơn sau cam kết phát triển bán dẫn giữa Việt Nam và Mỹ.

Theo đó, kỳ vọng thu hút đầu tư, nhất là trong các lĩnh vực có giá trị gia tăng cao, cũng là mục tiêu lớn của khu công nghiệp Long Hậu trong năm 2024 này.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh kiêm Kỹ thuật Dự án Công ty cổ phần Long Hậu, cho biết với vị trí tiếp giáp TPHCM, khu vực có hạ tầng giao thông, logistics phát triển, khu công nghiệp Long Hậu kỳ vọng thu hút thành công các dự án sản xuất liên quan đến dược phẩm, thiết bị y tế, chế biến thực phẩm, hàng tiêu dùng thiết yếu và các trung tâm phân phối hàng hóa. Đây là những ngành hàng có nhu cầu sản xuất lớn, ổn định và mang lại giá trị gia tăng cao cho nền kinh tế.

Ông Bùi Lê Anh Hiếu, Giám đốc Tiếp thị Kinh doanh kiêm Kỹ thuật Dự án Công ty cổ phần Long Hậu.

Theo ông Hiếu, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô còn nhiều khó khăn, các nhà sản xuất đang có khuynh hướng lựa chọn nhà xưởng xây sẵn để giảm thiểu rủi ro trong đầu tư nhờ tiết kiệm thời gian và chi phí đầu tư ban đầu, đồng thời có thể đưa nhà máy đi vào hoạt động nhanh chóng.

Do đó, trong năm 2024, doanh nghiệp sẽ phát triển thêm các sản phẩm nhà xưởng xây sẵn cho thuê với diện tích đa dạng và dịch vụ hỗ trợ khách hàng toàn diện để thu hút nhóm khách hàng này.

“Các sản phẩm, dự án của Long Hậu sẽ được quy hoạch và phát triển theo mô hình công nghiệp kiểu mới, hài hòa giữa sản xuất kinh doanh và phát triển đô thị, hướng đến nền kinh tế tuần hoàn, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn ngày càng cao của các nhà đầu tư về bảo vệ môi trường và phát triển bền vững”, ông Bùi Lê Anh Hiếu chia sẻ.

Có thể thấy rằng, những bước đi khác nhau của mỗi đơn vị lại đang cùng có một điểm chung là tích cực xoay xở, linh hoạt ứng phó trước giai đoạn khó khăn, chủ động nắm bắt cơ hội phục hồi trong năm 2024. Cùng theo các đơn vị, việc duy trì sự tồn tại, phát triển ổn định nhà máy là mục tiêu lớn của những người chủ kinh doanh, bất chấp những biến động khó lường của thị trường hiện nay và kỳ vọng hơn vào sự trở lại của thị trường năm 2024.

Huỳnh Ngọc Như

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-ky-vong-mot-nam-giap-thin-tuoi-sang/