Doanh nghiệp khó khăn vào chuỗi cung ứng toàn cầu

Những năm gần đây, theo xu thế và đòi hỏi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp chưa tham gia thì mong muốn tham gia.

Cả nước hiện có khoảng 5.000 doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, trong đó có một số lượng lớn doanh nghiệp ở TP.HCM và có đến hơn 90% là doanh nghiệp vừa và nhỏ. Những năm gần đây, theo xu thế và đòi hỏi của thị trường, nhiều doanh nghiệp đã tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp chưa tham gia thì mong muốn tham gia.

Tuy nhiên, để có thể sản xuất kinh doanh trong chuỗi cung ứng toàn cầu, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn và rất cần sự hỗ trợ từ phía nhà nước, bằng vốn, hạ tầng và các chính sách, hệ thống luật, quy định.

Được trợ vốn nhưng chịu nhiều loại thuế chưa hợp lý

Trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ở TP.HCM, các doanh nghiệp biết nhiều đến Công ty Lập Phúc- chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc công ty này cho biết, doanh nghiệp có đã 4 lần được hưởng quỹ kích cầu của TP.HCM nên nhập được các thiết bị cao cấp của Nhật Bản và Thụy Sĩ, xây dựng được các nhà máy khang trang để công ty đa quốc gia đến và đánh giá đạt tiêu chuẩn. Công ty cũng có mua một số máy móc đã qua sử dụng của Nhật Bản về để thay đổi thiết bị với mong muốn sản phẩm làm ra giá rẻ, cạnh tranh. Nhưng khi nhập về đóng thuế rất đắt, tới 30% giá trị nên cuối cùng sản phẩm cũng giảm tính cạnh tranh.

Để đầu tư dây chuyền thiết bị, doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần được trợ vốn và hưởng chính sách thuế hợp lý (Ảnh: MH)

Theo ông Trí: "Chúng tôi kiến nghị nhiều mà đến nay ngành thuế vẫn chưa giải quyết. Đó là nếu mình nhập bộ phụ tùng cho chế tạo máy thì thuế rất đắt, nhưng mình nhập nguyên máy thì thuế nhập khẩu bằng 0. Nếu giải quyết được gút mắc này thì mới thúc đẩy ngành chế tạo máy trong nước phát triển, các doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ mới có nguồn máy móc giá rẻ ở trong nước".

Tương tự như vậy, ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Điện Quang (doanh nghiệp tham gia công nghiệp hỗ trợ với vai trò vừa nhà cung cấp (Supplier) vừa là nhà mua hàng (Buyer)) cho rằng, hiện nay đánh thuế với một số sản phẩm linh kiện điện tử nhập khẩu đang không khuyến khích sản xuất. Ví dụ, trong linh kiện sản xuất đèn led, dây cũng bị đánh thuế đã làm cho sản phẩm sản xuất trong nước thua thiệt so với hàng nhập khẩu.

"Ngoài các chính sách hỗ trợ về thuế hợp lý thì chính sách phi thuế quan cũng rất quan trọng, tạo sự cạnh tranh. Có thể có một số ưu tiên cho doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, hỗ trợ cho các doanh nghiệp sản xuất ra những vật liệu cơ bản" - ông Hưng chia sẻ.

Ông Nguyễn Văn Trí, Giám đốc Công ty Lập Phúc- chuyên chế tạo khuôn mẫu công nghệ cao, cho rằng, nhờ 4 lần được hưởng quỹ kích cầu của TP.HCM mà công ty trang bị được máy móc hiện đại

Theo các chuyên gia kinh tế trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, hầu hết các sản phẩm mà doanh nghiệp Việt chế tạo, gia công cho chuỗi cung ứng toàn cầu đều đòi hỏi công nghệ cao, sản xuất tiên tiến. Cho nên, để đáp ứng, tham gia vào chuỗi này, doanh nghiệp phải có tiềm lực để đầu tư nhà xưởng, máy móc và nhân lực đạt chuẩn ngay từ đầu, chứ không thể đầu tư từng bước theo kiểu làm đến đâu hoàn thiện đến đó. Và vốn là yếu tố đầu tiên doanh nghiệp phải tính đến, sau đó là địa điểm xây dựng hạ tầng, rồi tuyển dụng lao động…

Bà Nguyễn Thị Xuân Thúy, chuyên gia nghiên cứu công nghiệp hỗ trợ của Công ty NC Network Việt Nam cho biết: "Doanh nghiệp kỳ vọng ở Chính phủ vấn đề vốn và thuế. Đối với doanh nghiệp nhu cầu về vốn rất lớn. Nhiều doanh nghiệp nhìn thấy cơ hội nhưng không dám đầu tư hoặc không có nguồn hỗ trợ nào để đầu tư. Đặc biệt trong bối cảnh hiện nay mức lãi suất cho vay rất cao thì doanh nghiệp càng quan ngại, cơ hội có nhưng không dám tận dụng".

Sớm có chiến lược và hệ thống pháp luật cho công nghiệp hỗ trợ

Về phía doanh nghiệp, khi quyết định tham gia lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ thì phải xác định tham gia chuỗi cung ứng toàn cầu, phải đối mặt với những trở ngại cả từ trong nước lẫn khách hàng nước ngoài.

Ông Phạm Văn Tài, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trường Hải- Thaco chia sẻ kinh nghiệm, với các doanh nghiệp nhỏ khi mới bắt đầu tham gia chuỗi cung ứng, nhận những đơn hàng đầu tiên thì đừng thấy khách hàng ép giá mà sợ hay bỏ cuộc. Cần xem đó là một áp lực, thách thức phải vượt qua và vượt qua được thì sẽ có chỗ đứng trong chuỗi cung ứng. Bởi vì, những đối tác lớn ban đầu thường ép giá nhà sản xuất nhưng nếu được thì họ lại đặt hàng số lượng lớn và hợp tác lâu dài.

"Họ ép chúng ta để chúng ta có động lực tiếp tục nghiên cứu cải tiến chuỗi của mình, cả về vấn đề quản trị. Chúng tôi đã từng có khách hàng nước ngoài đặt vấn đề là giờ ký với giá như vậy nhưng năm sau sẽ phải giảm giá 2%. Nếu doanh nghiệp không giảm được thì họ chỉ cho cách giảm, cắt giảm những chi phí lãng phí" - ông Tài cho biết.

Doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ cần được tạo điều kiện về xây dựng hạ tầng (Ảnh: DN)

Về phía nhà nước và ngành chức năng, cần cải tiến những điểm không hợp lý của chính sách thuế, thực hiện đúng quy định của luật là giảm dần mức thuế từ thành phẩm tới nguyên liệu thô, giải quyết tình trạng có những nguyên liệu nhập vào cho sản xuất mà thuế đến 20%.

Theo ông Đỗ Phước Tống - Chủ tịch Hội Cơ khí điện TP.HCM, doanh nghiệp chủ động tham gia vào chuỗi cung ứng nhưng nếu có bệ đỡ chính sách tốt thì doanh nghiệp sẽ có năng lực tốt hơn, giá thành sản phẩm cạnh tranh hơn.

"Nếu bệ đỡ chính sách tốt thì doanh nghiệp đầu tư mạnh, tạo năng lực doanh nghiệp tốt hơn. Hiện nay Hội chúng tôi đang làm chương trình Made by Việt Nam, tức là những sản phẩm được sản xuất bằng chính doanh nghiệp Việt, năng lực Việt, thì rất cần bệ đỡ của chính sách" - ông Tống bày tỏ.

Trao đổi với doanh nghiệp về những khó khăn vướng mắc này, ông Trương Thanh Hoài- Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công thương) cho biết, Luật Công nghiệp đang được xây dựng sẽ có Ban chỉ đạo về công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Điều này để khắc phục vai trò còn mờ nhạt của sở công thương một số địa phương. Trước mắt, các ngành, các địa phương sẽ có các chính sách mới như tạo điều kiện về xây dựng hạ tầng công nghiệp hỗ trợ, tạo ra hệ sinh thái công nghiệp, hỗ trợ vốn và công nghệ, phát triển sản xuất đáp ứng tiêu chuẩn toàn cầu.

Để vào được chuỗi cung ứng toàn cầu, giành đơn hàng thì phải rẻ hơn hàng Trung Quốc, nhưng cạnh tranh về giá luôn là thách thức với các doanh nghiệp công nghiệp Việt Nam vì nhiều nguyên nhân, trong đó có các bất cập của chính sách thuế, phí, lãi vay…Cộng đồng doanh nghiệp mong rằng, những vướng mắc, bất cập này sớm được giải quyết để ngành công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam phát triển và doanh nghiệp trong lĩnh vực này cũng hoạt động bền vững hơn./.

Minh Hạnh/VOV-TP.HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/kinh-te/doanh-nghiep-kho-khan-vao-chuoi-cung-ung-toan-cau-post1004815.vov