Doanh nghiệp khó khăn trong thực hiện

Theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường, cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải ra lớn, có yếu tố dễ gây ô nhiễm; nhà máy xử lý nước thải tại các khu, cụm công nghiệp phải lắp đặt thiết bị quan trắc nước tự động thải cả đầu vào lẫn đầu ra.

Đại diện Ban Quản lý các khu công nghiệp Đồng Nai kiểm tra trạm quan trắc tự động nước thải tại Khu công nghiệp dệt may Nhơn Trạch. Ảnh: H.LỘC

Nhiều ý kiến cho rằng quy định này còn nhiều bất cập, gây khó khăn và tốn kém cho doanh nghiệp (DN).

* Quan trắc đầu vào, đầu ra nước thải

Chia sẻ tại buổi tọa đàm Trách nhiệm của DN trong khu công nghiệp (KCN) theo quy định của Luật Bảo vệ môi trường năm 2022 mới đây, Giám đốc nhà máy Công ty TNHH Nhựa và hóa chất TPC VINA (H.Long Thành) Nguyễn Đạo Hữu cho rằng, theo quy định cũ, công ty phải lắp đặt thiết bị quan trắc tự động nước thải sau xử lý. Tuy nhiên, quy định mới buộc công ty phải lắp thiết bị quan trắc cả đầu vào lẫn đầu ra. Như vậy, công ty sẽ phải đầu tư thêm rất nhiều đầu dò, thêm chi phí vận hành và bảo dưỡng định kỳ.

Theo báo cáo của Sở TN-MT, hiện có 25/31 KCN đã lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải tự động và truyền dữ liệu về Sở TN-MT để theo dõi, giám sát; 6 KCN có lượng nước thải ít, chưa ổn định, chưa có điểm xả thải nên chưa được lắp đặt. Chưa có cụm công nghiệp nào hoàn thành hệ thống xử lý nước thải, lắp đặt quan trắc tự động nước thải. Đối với các cơ sở sản xuất có lưu lượng nước thải lớn, ngoài KCN vẫn còn nhiều trường hợp chưa lắp đặt quan trắc hoặc đã lắp đặt nhưng chưa kết nối dữ liệu về cơ quan giám sát.

Cũng theo ông Tạo, công ty đang vận hành dây chuyền sản xuất nhựa PVC công suất 190 ngàn tấn/năm, là đối tác của nhiều DN lớn trong và ngoài nước nên các vấn đề hiệu quả kinh tế, chất lượng sản phẩm và môi trường rất được coi trọng. Công ty có 3 nguồn thải có thể gây ô nhiễm môi trường. Đối với nước thải, trung bình mỗi ngày công ty phát sinh khoảng 1,5 ngàn m3, công ty đã đầu tư 2 hệ thống tự xử lý nước thải theo tiêu chuẩn loại B, sau đó xả ra sông Thị Vải, đầu tư hệ thống quan trắc tự động nước thải từ năm 2013 và kết nối với Sở TN-MT để giám sát. Về khí thải, công ty có lò hơi đốt than 22 tấn/giờ, công ty có hệ thống xử lý khí, lắp đặt quan trắc tự động. Chất thải rắn không nhiều nhưng cũng được phân loại, đấu thầu với các đơn vị có chức năng xử lý theo quy định.

Đại diện một công ty ngành dệt nhuộm tại H.Long Thành cho rằng, việc lắp đặt hệ thống quan trắc môi trường tự động nước thải là cần thiết cho cả DN lẫn cơ quan chuyên môn trong việc kiểm soát ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên, trong điều kiện hiện nay, nhiều DN còn chưa thực hiện thì chỉ nên yêu cầu lắp thiết bị quan trắc tự động nước thải đầu vào, yêu cầu kết nối đến cơ quan chức năng để giám sát chất lượng nước sau xử lý. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý nhà nước cần định hướng cho DN loại thiết bị nào phù hợp, quy trình và công nghệ kết nối được với hệ thống giám sát của Sở TN-MT.

Liên quan đến đối tượng lắp đặt, Ban Quản lý các KCN Đồng Nai cho rằng, Nghị định số 08/2022/NĐ-CP của Chính phủ mới ban hành xếp nhóm ngành sản xuất linh kiện, thiết bị điện, điện tử vào danh mục loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Tuy nhiên trên thực tế, nhóm này chủ yếu là dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, gần như ít phát sinh chất thải (nước, khí, chất thải rắn) gây ô nhiễm và được tất cả các địa phương trên cả nước có chủ trương khuyến khích đầu tư.

* Hoàn thành lắp đặt quan trắc cuối năm 2024

Luật Bảo vệ môi trường năm 2005 đã đề cập đến vấn đề lắp đặt quan trắc tự động nước thải. Quy định này tiếp tục được nhắc lại, chỉnh sửa ở Luật Bảo vệ môi trường các năm 2014, 2020, các thông tư, nghị định hướng dẫn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều cơ sở thuộc diện phải lắp hệ thống quan trắc tự động chưa thực hiện.

Bà Lê Thị Minh Ánh (Vụ Pháp chế, Bộ TN-MT) cho rằng, quy định cũ yêu cầu các cơ sở phải hoàn thành lắp đặt quan trắc tự động cuối năm 2021, nhưng nghị định mới ban hành năm 2022 đưa ra thời hạn là ngày 31-12-2024. Theo đó, có 3 nhóm đối tượng thuộc diện phải lắp đặt quan trắc tự động gồm: KCN, DN sản xuất, kinh doanh, dịch vụ tập trung trong KCN; dự án, cơ sở thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có quy mô xả thải dưới 500m3/ngày; dự án, cơ sở không thuộc loại hình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường có quy mô xả thải trên 500m3/ngày. Hệ thống phải đảm bảo quan trắc tự động, liên tục các yếu tố: lưu lượng nước thải (đầu vào và đầu ra), nhiệt độ; pH; TSS; COD; Amonia. Do nghị định mới ban hành nên các cơ quan quản lý nhà nước đang tổ chức tập huấn, hướng dẫn, lắng nghe thêm ý kiến từ các cơ sở trong quá trình thực thi.

Ông Văn Chinh, quản lý môi trường Công ty TNHH Schaeffler Việt Nam (KCN Amata) cho rằng, luật và các nghị định hướng dẫn khuyến khích cơ sở tái sử dụng nước thải phát sinh nhưng quy trình, quy chuẩn, thủ tục rất khó áp dụng. Cùng loại nước thải đã xử lý theo tiêu chuẩn cột A, DN muốn tái sử dụng cho sản xuất công nghiệp phải xin giấy phép của Bộ TN-MT, muốn đưa nước ra tưới cây trong khuôn viên nhà máy phải xin phép Bộ NN-PTNT. Hiện nay chưa có hướng dẫn kỹ thuật cho việc tái sử dụng nước thải công nghiệp cho mục đích: tưới cây, dội nhà vệ sinh, sản xuất công nghiệp.

Một số DN cho rằng, quy định lắp đặt thiết bị quan trắc nước thải nên hướng vào trọng tâm là kiểm soát chất lượng nước thải sau xử lý (hậu kiểm), không cần thiết giám sát nước thải đầu vào. Bởi, mỗi cơ sở có rất nhiều loại nước thải, mỗi nhà máy xử lý nước thải KCN tiếp nhận nước thải nhiều cơ sở khác nhau, nếu mỗi vị trí đầu vào phải có thiết bị quan trắc thì rất tốn kém mà hiệu quả thấp. Ngoài ra, cần có hướng dẫn chi tiết việc tái sử dụng nước thải trong phạm vi cơ sở để tiết kiệm nguồn tài nguyên nước, giảm cấp nước.

Hoàng Lộc

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202204/lap-dat-quan-trac-tu-dong-nuoc-thai-doanh-nghiep-kho-khan-trong-thuc-hien-3111308/