Doanh nghiệp dùng tàu không đăng kiểm nạo vét thủy điện

Doanh nghiệp sử dụng những con tàu cũ kĩ, không đăng kí đăng kiểm ngang nhiên thi công dự án nạo vét hồ thủy điện ở Đắk Lắk.

Theo quyết định phê duyệt phương án kỹ thuật nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng (xã Cư Prao, huyện M’Drắk, Đắk Lắk), Công ty Cổ phần quốc tế Sông Hồng (Công ty Sông Hồng) đăng kí 9 tàu hút, với dung tích 80m3, công suất bơm 400m3/giờ. UBND tỉnh Đắk Lắk yêu doanh nghiệp đăng kí phương tiện, thiết bị sử dụng nạo vét theo quy định của pháp luật giao thông đường thủy nội địa và pháp luật liên quan; lắp đặt thiết bị giám sát hành trình và lưu trữ dữ liệu, thông tin về vị trí, hành trình di chuyển của phương tiện,…

Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng sử dụng tàu cũ kĩ, không đăng kí đăng kiểm vô tư thi công nạo vét dự án hồ thủy điện K rông H'Năng. Ảnh: Hoàng Yến

Tuy nhiên, theo ghi nhận của PV, quá trình thi công doanh nghiệp chỉ sử dụng 3 chiếc tàu cũ kĩ, không đăng kí đăng kiểm để thực hiện nạo vét, bất chấp các quy định của pháp luật.

“Tàu ma” thi công dự án

Theo phản ánh, thời gian qua, tại dự án nạo vét hồ thủy điện Krông H’Năng (xã Cư Prao, huyện M’Drắk, tỉnh Đắk Lắk), doanh nghiệp được cấp phép nạo vét đã sử dụng những con tàu cũ, không đăng kí đăng kiểm. Hơn nữa, các công nhân làm việc thường xuyên không mặc áo phao gây mất an toàn, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn.

Để “mục sở thị” những phản ánh trên, trong vai người đi đánh cá trên hồ thủy điện Krông H’Năng, PV bám theo các con tàu đang thi công nạo vét, vận chuyển cát từ khu vực nạo vét về bãi tập kết và ngược lại.

>>>Video: Doanh nghiệp dùng tàu không đăng kí, đăng kiểm nạo vét thủy điện

(Thực hiện: Hoàng Yến)

Từ bãi tập kết, những chiếc tàu cũ kĩ chạy ngược về phía thượng lưu hồ thủy điện Krông H’Năng. Di chuyển khoảng 45 phút, tàu đi hết khu vực lòng hồ thủy điện, tại đoạn sông Krông Năng một bên là đất Khu Bảo tồn Thiên nhiên Ea Sô, một bên là đất sản xuất của dân, chiếc tàu dừng lại, quay chắn ngang con sông, thả vòi nạo vét. Tiếng máy nổ inh ỏi, vòi rồng khuấy đảo khiến dòng sông đục ngầu.

Theo quan sát, những chiếc tàu thực hiện nạo vét, nhưng nói đúng hơn là chỉ hút cát, có kích thước không giống nhau, màu sơn cũ kĩ, không tên, không số hoạt động hết công suất, vòi rồng liên tục khuấy đảo khiến cả khúc sông đục ngầu. Chiếc tàu này đang hoạt động thì tàu khác lại đến, tiếng máy nổ chát chúa, vang vọng cả một vùng.

Chiếc tàu cũ kĩ, không số đang ngược về phía thượng lưu hồ thủy điện Krông H’Năng để thực hiện hút cát. Ảnh: Hoàng Yến

Những chiếc tàu cứ thế thi nhau “nuốt” cát. Sản phẩm nạo vét được hút đưa lên thiết bị sàng lọc, sau đó cát được ống dẫn chảy vào khoang tàu, còn bùn đất, sỏi đổ lại xuống sông. Thoáng chốc những khoang tàu đã tràn trề cát, rồi xuôi dòng đưa cát về bơm lên bãi tập kết.

Một ngư dân (xin giấu tên) chuyên hành nghề đánh bắt cá trên hồ thủy điện Krông H’Năng cho hay: “Thấy tàu chỉ hút toàn cát. Tàu nó hút lẹ lắm, một ngày chạy 4 - 5 chuyến. Từ đó (bãi tập kết -PV) chạy lên phía đầu nguồn khoảng một tiếng hai chục phút, hút đầy lại chạy xuống”.

Dấu hỏi năng lực doanh nghiệp?

Ông Nguyễn Văn Vượng, Phó trưởng phòng Quản lý Công nghiệp, Sở Công thương tỉnh Đắk Lắk (đơn vị tham mưu cho UBND tỉnh cấp phép nạo vét) cho biết: “Dự án này, Sở đã tham mưu cấp giấy phép hoạt động theo đúng quy định. Sở Công thương chỉ quản lý nạo vét làm sao an toàn cho đập thủy điện, còn phương tiện nạo vét, đăng kí, đăng kiểm như thế nào, hoạt động như thế nào thì thuộc về Sở GTVT quản lý”.

Chiếc tàu không số đang cập sát bờ Khu Bảo tồn thiên nhiên Ea Sô để thực hiện công việc nạo vét, lấy cát. Ảnh: Hoàng Yến

Theo ông Lê Công Du, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, sau khi tra cứu, rà soát hồ sơ quản lý phương tiện thủy nội địa, hiện nay Sở không quản lý phương tiện thủy nội địa nào của Công ty cổ phần Quốc tế Sông Hồng.

Theo Sở GTVT tỉnh Đắk Lắk, phương tiện thủy nội địa của tổ chức, cá nhân đưa vào hoạt động trên đường thủy nội địa phải được đăng ký theo quy định, trừ phương tiện thô sơ có trọng tải toàn phần dưới 1 tấn hoặc có sức chở dưới 5 người hoặc bè.

Nếu doanh nghiệp sử dụng phương tiện để thực hiện dự án nạo vét, chuyển chở sản phẩm nạo vét thuộc vào các trường hợp trên thì phải đăng ký, đăng kiểm theo quy định. Nếu không đăng ký, đăng kiểm mà vẫn tham gia giao thông đường thủy nội địa, sẽ bị xử phạt theo quy định.

Hiện nay, lực lượng Thanh tra Sở còn thiếu nhân lực, không có phương tiện, thiết bị kỹ thuật nghiệp vụ để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra trong lĩnh vực trật tự, an toàn giao thông đường thủy nội địa. Do đó, đề nghị lực lượng công an có trang thiết bị hỗ trợ thực hiện việc kiểm tra và xử lý các hành vi vi phạm trong lĩnh vực trật tự, ATGT đường thủy nội địa, lực lượng TTGT sẽ tham gia phối hợp.

Chiếc tàu quay ngang dòng sông, thả vòi nạo vét nhưng chỉ để hút cát. Ảnh: Hoàng Yến

Theo một lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) tỉnh Đắk Lắk, Công ty Cổ phần Quốc tế Sông Hồng là đơn vị được giao thực hiện việc nạo vét và được phép tận thu theo giấy phép. Tàu bè nạo vét do Sở GTVT quản lý, sản phẩm nạo vét thuộc về Sở TN-MT quản lý.

"Tàu phải được kiểm định, đăng kí đủ điều kiện hoạt động như: công suất, vận hành phải đảm bảo an toàn. Về mặt pháp lý, phải có giấy phép đăng kí kinh doanh trong lĩnh vực nạo vét, chứng minh được năng lực nạo vét như: phải có đầy đủ phương tiện, người lái phải có chứng chỉ,…”, vị lãnh đạo Sở TN-MT trả lời câu hỏi về việc doanh nghiệp “đăng kí phương tiện một đường nhưng thực hiện một nẻo”.

Vị này cũng cho biết: “Có việc thẩm định năng lực chưa kín kẽ, doanh nghiệp thuê mướn hoặc hợp đồng với bên A, bên B để có năng lực tại thời điểm cơ quan chức năng xem xét năng lực. Sau khi xem xét xong, cấp giấy phép xong thì lấy cái khác!”.

Doanh nghiệp thừa nhận, đã dùng tàu không đăng kí đăng kiểm để thực hiện dự án. Ảnh: Hoàng Yến

Trao đổi với ông Nguyễn Đức Toản, đại diện chủ dự án thừa nhận: “Việc nạo vét, Công ty Sông Hồng hợp đồng với một đơn vị khác thi công. Tàu bè không có đăng kí đăng kiểm thì họ phải chịu hoàn toàn trách nhiệm trước pháp luật”.

“Sau khi thấy tàu không có đăng kí đăng kiểm, công ty đã ngừng hoàn toàn. Khoảng 20 ngày nữa, công ty bố trí 2 tàu có đăng kí đăng kiểm sẽ thông báo cho Sở GTVT, Sở Công thương,… để hoạt động trở lại”, ông Toản khẳng định

Mức phạt đối với tàu thuyền quá hạn đăng kiểm tham gia giao thông

Theo quy định tại Nghị định số 139/2021 của Chính phủ về xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường thủy nội địa, phương tiện thủy tham gia giao thông không có giấy chứng nhận đăng kiểm, quá hạn đăng kiểm, dừng chứng nhận đăng kiểm giả bị phạt 3-20 triệu đồng.

Mức phạt 3-5 triệu áp dụng với phương tiện có công suất máy 5-15CV hoặc sức chở 5-12 người; 5-10 triệu đồng với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần trên 15 tấn đến dưới 250 tấn hoặc có sức chở trên 12 người đến dưới 50 người.

Mức phạt 10-15 triệu đồng áp dụng với phương tiện không có động cơ trọng tải toàn phần từ 250-1.000 tấn hoặc có sức chở từ 50 người đến 150 người; phương tiện có động cơ tổng công suất máy chính trên 135 sức ngựa đến 750 sức ngựa hoặc có sức chở trên 50 người đến 150 người; tàu cuốc, tàu hút có sản lượng đến 500 m3/h, tàu cần cẩu lắp đặt thiết bị nâng có sức nâng đến 50 tấn.

Mức phạt 15-20 triệu đồng áp dụng với phương tiện có không động cơ, có động cơ hoặc sức chở, tàu cuốc hút, tàu cần cẩu có sức nâng lớn hơn nhóm phương tiện trên.

Ngoài ra, phạt tiền từ 1-2 triệu đồng đối với mỗi hành vi vi phạm sau đây: Không có Giấy chứng nhận đăng ký phương tiện theo quy định; sử dụng giấy chứng nhận đăng ký phương tiện bị tẩy, xóa, sửa chữa hoặc không do cơ quan có thẩm quyền cấp theo quy định.

Hoàng Yến

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/doanh-nghiep-dung-tau-khong-dang-kiem-nao-vet-thuy-dien-d588677.html