Doanh nghiệp định vị lại cấu trúc sản phẩm theo yêu cầu thị trường

Sự khó đoán định của thị trường cả xuất khẩu lẫn trong nước dự báo cộng đồng doanh nghiệp (DN) sẽ tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong sản xuất, kinh doanh của năm 2024.

Ngành gỗ đang tìm cách thích nghi tốt hơn với nhu cầu từ thị trường thế giới. Ảnh: V.Gia

Chắt chiu từng cơ hội, phân tích rõ thị trường, khai thác thị trường ngách và định vị lại cơ cấu sản phẩm đang là sự lựa chọn của nhiều DN. Các DN nhỏ và vừa càng cần chắt chiu từng cơ hội.

Phân tích thị trường đặc biệt quan trọng

Theo tiến sĩ Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, thách thức lớn nhất mà bất kỳ DN nào cũng phải đối mặt là khả năng huy động vốn, nhất là với các start-up hay DN nhỏ và vừa. Lời khuyên dành cho các DN, tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, sự linh hoạt trong việc tìm và sử dụng các nguồn vốn khác nhau, từ vốn chủ sở hữu, vốn vay đến vốn đầu tư mạo hiểm, sẽ là yếu tố quyết định sự sống còn và tăng trưởng của DN đó.

Một vấn đề quan trọng là phải nghiên cứu thị trường và thấu hiểu khách hàng. Như với ngành du lịch, trong bối cảnh du khách ngày càng đa dạng và liên tục thay đổi như hiện nay, một trong những yêu cầu đầu tiên mà các DN cần học cách thích nghi là lắng nghe và tìm hiểu khách hàng của mình một cách chi tiết và rõ ràng thông qua ứng dụng dữ liệu thay cho phương thức cảm tính trước kia.

Đồng quan điểm, Giám đốc Điều hành Công ty Tư vấn P.A.T Consulting (Thành phố Hồ Chí Minh) Phí Anh Tuấn khẳng định, thế hệ trẻ, Gen Z là tương lai của các ngành sản xuất. Nếu không tuân thủ cuộc chơi của Gen Z như: sản phẩm có bao nhiêu tỷ lệ tái chế; nguồn gốc xuất xứ như thế nào; có thể kiểm tra ngay trên điện thoại không thì rất khó thuyết phục khách quốc tế. Do đó, DN cần xác định tâm thế nếu không đáp ứng được các tiêu chuẩn quốc tế sẽ là rủi ro, còn đáp ứng được lại là cơ hội. DN ngoài phát triển bền vững, quản trị, khai thác dữ liệu và phân tích dữ liệu tốt, còn phải chứng minh tỷ lệ sử dụng nguyên vật liệu tái chế cao và tiết kiệm năng lượng, bởi đây là xu hướng xem xét mua hàng hiện nay.

Bên cạnh đó, thị trường nội địa cũng là miếng bánh lớn hiện nay.

Phó tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam Nguyễn Thị Tuyết Mai cho rằng, thị trường nội địa với hơn 100 triệu dân, dư địa còn rất lớn, cho nên DN cần sớm có phương án tận dụng. Nếu ngành dệt sớm có cách tiếp cận phù hợp sẽ giúp DN hạn chế phần nào sự sụt giảm đơn hàng để tạo sức tăng tốc khi đơn hàng tăng dần trở lại.

Tiến sĩ Nguyễn Tấn Bình, Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học và quản trị DN, cho rằng trong bất kỳ hoàn cảnh nào thì xã hội, người tiêu dùng đều có một số nhu cầu quan trọng, thiết yếu. Thay vì tập trung hết cho thị trường xuất khẩu hay các mặt hàng xa xỉ thì DN cần tính toán để phục vụ nhu cầu này của xã hội.

Định vị lại cơ cấu sản phẩm theo nhu cầu khách hàng

Khách mua hàng trên thế giới cũng như trong nước đã ngày càng thay đổi, yêu cầu DN phải định vị lại mình. Chủ tịch HĐQT Công ty CP Phát triển sản xuất thương mại Sài Gòn (Thành phố Hồ Chí Minh) Trần Quốc Mạnh nhận định, DN phải quen và thích nghi với những biến động khó lường của kinh tế thế giới và có chiến lược linh hoạt để ứng phó kịp với những khó khăn đó. Hiện nay, trong ngành gỗ, lượng hàng mẫu chiếm tỷ lệ khá cao trong tổng số đơn hàng. Dù không muốn song các DN phải nỗ lực kiên trì. Nhiều nhà mua hàng đang tìm kiếm nhà cung ứng mới, nếu làm tốt các sản phẩm hàng mẫu có thể sẽ mở ra những cơ hội lớn hơn cho DN về lâu dài. Việc nhanh chóng chuyển đổi ngay từ xưởng sản xuất để tạo ra sản phẩm phù hợp với yêu cầu, nhất là các tiêu chuẩn môi trường cũng là bài toán quan trọng.

Trải qua thời gian dài dịch bệnh Covid-19 đã phát sinh những nhu cầu mới trong đời sống người dân. Trưởng phòng Kinh doanh Công ty TNHH Dụng cụ cơ khí và y tế Vpic Việt Phát (huyện Trảng Bom) Nguyễn Võ Hải chia sẻ, công ty đang có những dự định mới. Bên cạnh cung ứng các sản phẩm máy móc cơ khí và dụng cụ y tế như giường bệnh cho các bệnh viện thì các sản phẩm chăm sóc, bổ trợ sức khỏe tại gia đang có nhu cầu gia tăng. Công ty đang chuẩn bị kế hoạch để mở rộng quy mô nhà xưởng sản xuất và cung cấp các lĩnh vực, sản phẩm hướng tới nhu cầu này của người tiêu dùng.

Tương tự, theo bà Thạch Thị Mộng Thuy, Giám đốc Công ty CP Thidona (thành phố Biên Hòa) chuyên ngành chăn, drap, gối, nệm, trong bối cảnh thị trường đang đi xuống và sự cạnh tranh giữa các đơn vị cung ứng, DN buộc phải định vị lại cơ cấu sản xuất của mình. Cùng với cung cấp qua cửa hàng, đối tác thì thị trường ngách với những mặt hàng thông dụng, bán lẻ trực tiếp tới người tiêu dùng thông qua việc ứng dụng công nghệ, thương mại điện tử cũng là cứu cánh cho DN hiện nay.

Văn Gia

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/kinh-te/202404/doanh-nghiep-dinh-vi-lai-cau-truc-san-pham-theo-yeu-cau-thi-truong-1eb4fee/