Doanh nghiệp địa ốc chưa hết lo

Thị trường đang có nhiều biến chuyển tích cực, nhưng lãnh đạo các doanh nghiệp bất động sản vẫn chưa thể 'thở phào'.

Nợ trái phiếu vẫn là áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp bất động sản

Nợ trái phiếu vẫn là áp lực lớn với nhiều doanh nghiệp bất động sản

Báo cáo tình hình kinh tế xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2024 của Cục Thống kê TP.HCM cho biết, trong 4 tháng đầu năm nay, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng trên địa bàn Thành phố ước đạt 367.000 tỷ đồng, tăng 12% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, thị trường bất động sản có chiều hướng tích cực khi các chính sách hỗ trợ phát huy hiệu quả, doanh thu lĩnh vực kinh doanh bất động sản ước đạt 80.845 tỷ đồng, tăng 9,8%. Ngoài ra, các khoản thu liên quan tới nhà đất đạt 3.300 tỷ đồng, tăng 37,1%.

Về phía doanh nghiệp, trong mùa đại hội cổ đông năm nay, nhiều đơn vị chia sẻ tin vui khi kết quả kinh doanh bắt đầu có sự chuyển biến.

Chẳng hạn, CTCP Phát triển bất động sản Phát Đạt (mã PDR) ghi nhận lợi nhuận sau thuế quý I/2024 đạt 52,6 tỷ đồng, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ năm trước, cho dù doanh thu thuần giảm 16%, đạt 162,1 tỷ đồng. Trong năm 2024, Phát Đạt đặt mục tiêu doanh thu đạt 2.892 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế 880 tỷ đồng, lần lượt tăng 368% và 35,8% so với thực hiện năm 2023.

Ông Lương Trí Thìn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đất Xanh (mã DXG) cho biết, năm 2024, Đất Xanh lên kế hoạch doanh thu thuần và lãi ròng đạt lần lượt 3.900 tỷ đồng và 226 tỷ đồng, tăng 5% và 31% so với thực hiện năm 2023. Theo lãnh đạo Đất Xanh, thị trường bất động sản năm nay còn nhiều khó khăn, phù hợp với các chỉ tiêu kinh doanh được đặt ra.

“Năm 2024, Đất Xanh dự kiến hoàn thiện pháp lý cho 8 dự án trọng điểm, dự kiến cung cấp khoảng 20.000 sản phẩm ra các khu vực đông dân cư như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai. Bởi hiện nay, nhu cầu đối với phân khúc nhà ở có mức giá trung bình khá là rất lớn. Các dự án của Đất Xanh sẽ đủ điều kiện mở bán trong giai đoạn 2024-2025”, ông Thìn thông tin thêm.

Là doanh nghiệp có nhiều dự án bất động sản tại phía Nam, CTCP Đầu tư Nam Long (mã NLG) đặt kế hoạch mang về 6.657 tỷ đồng doanh thu và 506 tỷ đồng lợi nhuận cho Công ty mẹ, lần lượt tăng 111% và 5% so với thực hiện năm 2023. Nam Long dự kiến trích 192 tỷ đồng lợi nhuận 2024 để trả cổ tức và con số này sẽ tăng lên 384 tỷ đồng nếu đạt lợi nhuận cao hơn.

Dù vậy, ông Nguyễn Xuân Quang, Chủ tịch HĐQT Nam Long chia sẻ, Công ty còn đối với nhiều thách thức trong năm 2024, chẳng hạn là về tài chính khi áp lực trả nợ vẫn lớn, đặc biệt là nợ trái phiếu.

“Trong năm nay, các doanh nghiệp bất động sản đều đối diện với 3 thách thức, đó là xử lý hàng tồn kho, nợ quá hạn và tình trạng khách hàng thanh lý hợp đồng. Do đó, Nam Long xác định chỉ tập trung phát triển những sản phẩm thị trường cần để tránh hàng tồn kho tăng cao”, ông Quang nói.

Không chỉ tại Nam Long, vấn đề tồn kho cao cũng là bài toán làm đau đầu lãnh đạo nhiều doanh nghiệp bất động sản khác. Bởi trong năm 2023, hầu hết doanh nghiệp đều gặp khó về thanh khoản dẫn đến tồn kho tăng cao, đồng thời không có nguồn thu để thanh toán các chi phí phát sinh, các khoản nợ đến hạn cũng như đầu tư dự án mới.

Thống kê từ báo cáo tài chính của khoảng 60 doanh nghiệp bất động sản niêm yết cho thấy, lượng hàng tồn kho tính tới cuối năm 2023 đạt khoảng 348.000 tỷ đồng, tăng gần 3% so với cuối năm 2022 và tăng 30% so với năm 2021.

Một số doanh nghiệp có giá trị hàng tồn kho lớn có thể kể đến như Novaland (mã NVL) với gần 139.000 tỷ đồng, tương đương 57% tổng tài sản của doanh nghiệp này; tiếp theo là Vinhomes (mã VHM) với hơn 52.000 tỷ đồng, chiếm hơn 11% tổng tài sản; Khang Điền (mã KDH) là hơn 18.800 tỷ đồng, chiếm hơn 71% tổng tài sản; Đất Xanh là hơn 14.100 tỷ đồng, chiếm hơn 47% tổng tài sản; Hoàng Huy (mã TCH) là 10.218 tỷ đồng, chiếm 61% tổng tài sản…

Ngoài vấn đề tồn kho, nhiều doanh nghiệp vẫn đang tiếp tục tái cấu trúc, cải thiện nguồn thu để tiền trả nợ cũng như thanh toán các chi phí khác.

Việt Dũng

Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/doanh-nghiep-dia-oc-chua-het-lo-post344616.html