Doanh nghiệp dệt may vượt khó tìm kiếm đơn hàng

Hơn 3/4 chặng đường năm 2023 đi qua với nhiều khó khăn cho nền kinh tế, trong đó có ngành dệt may. Để vượt qua giai đoạn khó khăn này, nhiều doanh nghiệp dệt may đã chuyển đổi, đa dạng hóa thị trường, sản phẩm nhằm tạo đà cho kế hoạch sản xuất kinh doanh năm 2024.

Chưa có tín hiệu khả quan

Từ đầu năm đến nay, xuất khẩu hàng dệt và may mặc của Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn bởi những yếu tố bất ổn về kinh tế, chính trị kéo theo lạm phát, làm kìm hãm các chỉ tiêu tiêu dùng từ các thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam. Đặc biệt, đây không phải là nhóm hàng thiết yếu nên tỷ lệ sụt giảm rất cao.

Trong phân xưởng sản xuất của Tổng Công ty May 10. Ảnh: Khắc Kiên

Đến hết tháng 9/2023, xuất khẩu dệt may của Việt Nam đạt 29,7 tỷ USD, giảm 14% so với cùng kỳ năm 2022. Hiện Mỹ vẫn là thị trường lớn nhất, chiếm trên 40% thị phần của ngành dệt may Việt Nam, tiếp đến là Nhật Bản, EU, Hàn Quốc, Trung Quốc... Nhìn chung, ở những thị trường nói trên đều ghi nhận kim ngạch xuất khẩu giảm do nhu cầu yếu.

Đơn cử như thị trường EU, trong 7 tháng năm 2023, xuất khẩu dệt may Việt Nam chỉ đạt 2,3 tỷ USD, giảm 9,6% so với cùng kỳ. Bước sang tháng 8/2023, xuất khẩu giảm mạnh hơn khi chỉ đạt 330 triệu USD, giảm 17% so với cùng kỳ và tháng 9/2023 cũng vẫn có xu hướng giảm do đơn hàng từ các đối tác lớn như Decathlon, Nike, Adidas giảm mạnh.

Đối với thị trường Mỹ, trong nửa đầu năm 2023, dệt may Việt Nam cũng đã đánh mất 1,3% thị phần. Xuất khẩu dệt may Việt Nam sang Trung Quốc trong 8 tháng cũng chỉ đạt 7,5 tỷ USD, giảm 11,6% so với cùng kỳ.

Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 Thân Đức Việt chia sẻ, doanh nghiệp vẫn luôn cân bằng thị trường chính là Mỹ, Nhật Bản, châu Âu và các thị trường khác là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada... Thế mạnh của May 10 là sơ mi nhưng năm 2023 mặt hàng này lại thiệt hại nặng nhất. Trước đó, mặt hàng sơ mi chiếm tỷ trọng 60% của May 10, nhưng hiện nay chỉ chiếm 39%. Để ổn định sản xuất, kinh doanh, May 10 phải làm đơn hàng quần, áo polo, áo T-shirt ở xí nghiệp sơ mi.

Thực tế, xu thế và hành vi tiêu dùng cũng ảnh hưởng đến thị trường. Bởi tại Mỹ hiện có xu thế làm việc từ xa (work from home), không dùng sản phẩm thời trang công sở như áo sơ mi khi đi làm. Có khách hàng chia sẻ với May 10, doanh nghiệp cắt giảm tối đa chi phí từ điện, nước, bộ phận văn phòng, thiết kế làm việc tuần 2 buổi, còn IT và kế toán 2 tuần đến công ty 1 lần. Với xu thế này thực sự ảnh hưởng tới sức mua, khó kích cầu. Điều này đặt May 10 vào tình thế phải xác định lại sản phẩm thế mạnh để nắm bắt cơ hội xoay chiều trong khó khăn.

Trong khi đó, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè Phạm Phú Cường cho biết, chưa khi nào doanh nghiệp dệt may gặp khó khăn như hiện nay, bởi thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm… Tại May Nhà Bè, doanh nghiệp yêu cầu mỗi người, mỗi bộ phận cần phải đột phá, sáng tạo trong điều hành và quản trị.

Nhu cầu cải thiện nhưng nhỏ

Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may đó là công tác thị trường và năng suất lao động, khi đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia đối thủ. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị. Khi nghiên cứu về thị trường cần xác định ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh các đơn hàng.

Ngành dệt may đang gồng mình trong khó khăn.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định, những tháng còn lại năm 2023 và năm 2024, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những rủi ro như: bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở các khu vực có nguy cơ lan rộng; tín hiệu phục hồi bền vững ở cả Mỹ, EU, Nhật Bản đều chưa rõ ràng; thời gian áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đến gần…

“Tổng thể thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ. Tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5 - 7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR; đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên” – ông Lê Tiến Trường nói.

Tuy nhiên, thị trường cũng cho thấy những cơ hội mới như dịch chuyển nguồn Sourcing sợi từ Trung Quốc, các doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước; các sản phẩm chuyên dụng, cao cấp, kể cả nguồn nguyên liệu cao cấp dự báo khả năng tăng trưởng theo thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường nội địa. Tăng trưởng theo nhóm hàng là sơ mi, quần âu, jacket, suite, hàng dệt kim...

Chủ tịch Vinatex đề nghị các doanh nghiệp nỗ lực hơn cho những tháng còn lại, xây dựng kế hoạch năm 2024 với ngành may tăng trưởng doanh thu từ 3 - 5%, lợi nhuận từ 85 - 100% so với năm 2023. Ngành sợi xây dựng tăng 10% so với năm 2023 do tỷ lệ huy động thiết bị tăng lên trên nền giá bông dự báo từ 2,5 – 2,6 USD/kg và lợi nhuận xác định hòa vốn.

Để thực hiện, các doanh nghiệp, đơn vị nên tiếp cận khách hàng với sản phẩm đặc thù mới, nâng cao năng suất lao động, linh hoạt bố trí sản xuất, cơ cấu lại hệ thống sản xuất, hạn chế mở rộng để tái cấu trúc sản xuất; ngành sợi cần dự báo tần suất cao hơn cho đơn vị, hợp lực tài chính, cải thiện chất lượng liên tục, phấn đấu tạo ra những sản phẩm khác biệt…

Xu hướng thị trường quý IV/2023 có những chuyển biến tích cực khi FED không tăng lãi suất trong tháng 9 mà lùi xuống cuối năm. Thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng (PMI) đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát EU tháng 9 giảm 4,3% và tháng 9/2023 kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam tăng 4,6% so với cùng kỳ năm 2022. Đây là dấu hiệu tốt cho những tháng cuối năm và tiền đề cho năm 2024.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-det-may-vuot-kho-tim-kiem-don-hang.html