Doanh nghiệp dệt may nỗ lực đổi mới trước khó khăn xuất khẩu

Để phục hồi kim ngạch xuất khẩu, các doanh nghiệp dệt may đã nỗ lực nhiều cách để tìm đơn hàng, duy trì sản xuất với chiến lược linh hoạt.

Thị trường khắt khe hơn

Trao đổi với Người Đưa Tin, ông Phạm Phú Cường, Chủ tịch HĐQT Tổng Công ty May Nhà Bè cho biết, chưa khi nào doanh nghiệp khó khăn như hiện nay vì thị trường giảm sâu, đơn hàng nhỏ, giá giảm…

Để ứng phó với tình hình thị trường, veston của May Nhà Bè đã chuyển về các nhà máy ở địa phương sản xuất. Còn tại Tp.HCM sản xuất hàng lacoste không có đường may và thời trang săn bắn với đơn giá gia công có thể lên tới 30-50 USD/sản phẩm. Doanh nghiệp này sẵn sàng “tấn công” những mặt hàng khó, không nhận đơn hàng quá 15% khả năng sản xuất… căn cứ vào khu vực, địa lý, tay nghề công nhân để đưa dòng sản phẩm vào sản xuất.

Quý IV/2023, thị trường dệt may thế giới được đánh giá có những chuyển biến tích cực. Trong đó, thị trường Mỹ và Trung Quốc phục hồi tốt, chỉ số quản trị mua hàng đều trên 50 điểm (cao hơn mức dự báo); lạm phát tại EU tháng 9/2023 giảm 4,3%.

Tuy nhiên, vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may là công tác thị trường, năng suất lao động và bị cạnh tranh nặng nề bởi các quốc gia đối thủ.

Ông Trần Hữu Phong, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Vinatex Phú Hưng cho rằng, các đơn vị cần xác định lại thị trường rõ ràng hơn, có quyết tâm với mục tiêu đề ra. Đối với doanh nghiệp có thị trường, cần cải thiện chất lượng để khẳng định vị trí của doanh nghiệp.

Khách hàng sẽ yêu cầu giao hàng nhanh và rất nhanh, đơn hàng ít, độ phức tạp của sản phẩm cũng cao, mẫu mã đa dạng, chất lượng yêu cầu rất khắt khe. Khách hàng rất quan tâm tới chất lượng sản phẩm và lựa chọn doanh nghiệp để ký kết hợp tác lâu dài.

Vì vậy, doanh nghiệp cần quan tâm tới năng suất lao động, đầu tư thiết bị tự động hóa nhiều hơn, sâu hơn, kịp thời hơn. Đồng thời doanh nghiệp cũng quan tâm tới cách thức quản trị, nâng cao tay nghề công nhân.

Tình hình thị trường thế giới hiện nay rất khó khăn, giá dầu, chất đốt, lương thực đều tăng làm suy giảm nhu cầu tiêu dùng, trong đó có hàng dệt may.

Năm 2024 đơn giá sản xuất mặt hàng gia công khó mà tăng, thậm chí còn giảm. Do đó, nhiều doanh nghiệp định hướng, nghiên cứu tiếp tục nâng cao năng suất, nhận làm cả đơn hàng chất lượng cao và đơn hàng gia công, bảo hộ lao động. Trước tình hình khó khăn như hiện nay, doanh nghiệp cần đầu tư tự động hóa cao, nâng cao năng lực của người lao động, giảm một số chi phí quản lý vốn…

Thách thức lớn ảnh hưởng doanh nghiệp

Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Dệt may Việt Nam (Vitas) nhận định, chưa bao giờ ngành dệt may khó khăn như hiện nay.

Theo bà Mai, liên tục nhiều năm, ngành dệt may có mức tăng trưởng khả quan (trừ năm 2020 do ảnh hưởng dịch COVID-19) và năm 2022, ngành dệt may đã xuất khẩu 44,4 tỷ USD, thuộc top 2 ngành xuất khẩu lớn của Việt Nam. Kết quả này giúp Việt Nam đứng thứ 3 về xuất khẩu dệt may thế giới. Tuy nhiên, từ cuối năm 2022, ngành hàng này bắt đầu gặp nhiều khó khăn khi các thị trường quốc tế giảm nhu cầu mua sắm với mặt hàng may mặc, giá thành nguyên liệu cùng chi phí sản xuất tăng cao.

Cùng với đó, xu thế phát triển bền vững cùng những cam kết về môi trường, lao động khắc nghiệt, đòi hỏi doanh nghiệp phải đầu tư lớn trong khi giá trị đơn hàng không tăng.

Ngoài ra, trong năm 2023 ngành dệt may còn phải đối mặt với nhiều yêu cầu mới từ các thị trường xuất khẩu. Điển hình như luật về chống lao động cưỡng bức của Mỹ, luật tra soát toàn bộ chuỗi cung ứng của Đức với những quy định rất chặt chẽ về sử dụng lao động trong sản xuất...

“Trong vấn đề môi trường, yêu cầu của các thị trường tiêu thụ, nhãn hàng buộc doanh nghiệp phải chuyển đổi số, chuyển đổi xanh… đã khiến giá thành sản xuất tăng mạnh. Chưa bao giờ ngành dệt may rơi vào hoàn cảnh khó khăn như hiện nay”, bà Mai đánh giá.

Cũng theo bà Mai, đến thời điểm hiện tại, ngành dệt may đã có những tín hiệu sáng khi tình hình sản xuất kinh doanh đang ấm dần lên. Theo đó, nếu 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu toàn ngành đạt 22,6 tỷ USD, giảm 15% so với cùng kỳ 2022, thì đến hết 10 tháng, xuất khẩu toàn ngành ước đạt 33 tỷ USD, giảm khoảng 12,45% so với cùng kỳ 2022.

Nhu cầu cải thiện chất lượng sản phẩm

Vấn đề đặt ra với doanh nghiệp dệt may đó là công tác thị trường và năng suất lao động, khi đang bị cạnh tranh bởi các quốc gia đối thủ. Theo các chuyên gia, doanh nghiệp nên đa dạng hóa thị trường, cẩn trọng trong việc đa dạng hóa sản phẩm vì còn liên quan đến đầu tư thiết bị. Khi nghiên cứu về thị trường cần xác định ngắn hạn và trung hạn để điều chỉnh các đơn hàng.

Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) Lê Tiến Trường nhận định, những tháng còn lại năm 2023 và năm 2024, doanh nghiệp có thể phải đối mặt với những rủi ro như: bất ổn chính trị, xung đột vũ trang ở các khu vực có nguy cơ lan rộng; tín hiệu phục hồi bền vững ở cả Mỹ, EU, Nhật Bản đều chưa rõ ràng; thời gian áp dụng EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon) đến gần…

“Tổng thể thị trường năm 2024 có nhiều khả năng cải thiện nhu cầu hơn năm 2023, tuy nhiên mức độ cải thiện nhỏ. Tổng cầu 2024 dự kiến vẫn thấp hơn 2022 từ 5 - 7%; xu thế giảm số lượng hàng hóa để chuẩn bị dần cho việc có khả năng áp dụng EPR; đơn giá có thể tăng hơn trên nền số lượng giảm và yêu cầu chất lượng, tiêu chuẩn phi tài chính khác cao lên”, ông Lê Tiến Trường nói.

Tuy nhiên, thị trường cũng cho thấy những cơ hội mới như dịch chuyển nguồn Sourcing sợi từ Trung Quốc, các doanh nghiệp FDI tăng cường sản xuất vải ở Việt Nam từ sợi trong nước; các sản phẩm chuyên dụng, cao cấp, kể cả nguồn nguyên liệu cao cấp dự báo khả năng tăng trưởng theo thị trường chính như: Mỹ, EU, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc và thị trường nội địa. Tăng trưởng theo nhóm hàng là sơ mi, quần âu, jacket, suite, hàng dệt kim...

Doanh nghiệp dệt may tiếp tục ứng phó với đơn hàng nhỏ để vượt qua khó khăn hiện tại.

Theo ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam, doanh nghiệp phải nhanh chóng thay đổi, thích ứng biến động thị trường, trong đó, cần chú trọng vào ba vấn đề cốt lõi. Trước tiên, phải tìm giải pháp giữ chân người lao động, nhất là lực lượng nòng cốt, đồng thời tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng nghề, đào tạo nhân lực cho chuyển đổi xanh, chuyển đổi số.

Tiếp đến, phải giữ chân khách hàng bằng cách tạm thời chấp nhận các đơn hàng nhỏ lẻ không phải thế mạnh, không có lãi để có việc làm cho người lao động, cũng như xây dựng quan hệ đối tác tin cậy, lâu dài; khai thác thị trường mới...

Cuối cùng, phải giảm đến mức thấp nhất các chi phí chưa thật sự cần thiết của doanh nghiệp, qua đó, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nguyễn Thành Nhân

Nguồn Người Đưa Tin: https://nguoiduatin.vn/doanh-nghiep-det-may-no-luc-doi-moi-truoc-kho-khan-xuat-khau-a635209.html