Doanh nghiệp cơ khí cần tăng liên kết

Tại Đà Nẵng, số lượng doanh nghiệp công nghiệp cơ khí nói chung và cơ khí hỗ trợ nói riêng còn ít và chưa tập trung, điều này dẫn đến ngành cơ khí phát triển còn chậm. Do đó, việc tăng cường liên kết các doanh nghiệp trong ngành là giải pháp cần thiết hiện nay.

Tăng liên kết doanh nghiệp để thúc đẩy ngành cơ khí thành phố phát triển. TRONG ẢNH: Công nhân sản xuất tại Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức. Ảnh: M.Q

Công ty TNHH Thương mại- Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức (Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng, quận Liên Chiểu) được Sở Công Thương đánh giá là doanh nghiệp cơ khí chính xác có quy mô và công nghệ hiện đại so với mặt bằng doanh nghiệp cơ khí trên địa bàn thành phố. Hiện, doanh nghiệp này sản xuất các sản phẩm cơ khí chính xác như: jig máy, chi tiết máy bằng máy cắt công nghệ cao (điều khiển bằng máy tính) để cung cấp cho thị trường miền Trung - Tây Nguyên và các công ty của Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ...

Cuối năm 2021, công ty đầu tư dự án phương tiện vận tải, máy móc thiết bị sản xuất công nghiệp hỗ trợ với tổng mức đầu tư hơn 70,4 tỷ đồng với 17 máy móc thiết bị và 3 xe tải. Dự án giúp nâng công suất sản xuất lên 400 tấn sản phẩm/năm và dự kiến hoàn thành vào cuối năm 2023. Tuy quy mô sản xuất lớn nhưng việc liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp cơ khí của Đà Nẵng vẫn là “khoảng trống” với công ty. Ông Lâm Phùng Út, giám đốc điều hành công ty cho biết, chuỗi sản xuất của ngành cơ khí có rất nhiều công đoạn như gia công, đúc, nhiệt luyện…, song trên thị trường thành phố hiện nay tập trung chủ yếu là doanh nghiệp gia công, sản xuất các sản phẩm cơ khí dân dụng, thiếu doanh nghiệp đúc và nhiệt luyện quy mô vừa và lớn. Để đáp ứng yêu cầu sản xuất sản phẩm, công ty phải liên kết sản xuất với một công ty nhiệt luyện ở Thành phố Hồ Chí Minh, điều này tốn thêm chi phí vận chuyển cũng như tăng thêm thời gian sản xuất, nhưng doanh nghiệp không có phương án nào khác.

Ông Hà Giang, Chủ tịch Hội Cơ khí thành phố cho hay, quy mô ngành sản xuất lắp ráp các sản phẩm hoàn chỉnh tại thành phố còn hạn chế, chưa có doanh nghiệp đứng đầu chuỗi sản xuất tầm cỡ khu vực để dẫn dắt phát triển. Hầu hết nguyên liệu thép phục vụ cơ khí chế tạo tại thành phố phải nhập khẩu; các doanh nghiệp thiếu tính liên kết nên không thể hỗ trợ nhau trong cùng ngành nghề...

Theo Sở Công Thương, Đà Nẵng có khoảng 110 doanh nghiệp đang hoạt động và có khả năng tham gia vào hoạt động sản xuất trong lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ, chiếm 6,3% tổng số doanh nghiệp công nghiệp toàn thành phố. Trong đó, doanh nghiệp sản xuất sản phẩm thuộc danh mục sản phẩm công nghiệp hỗ trợ ưu tiên phát triển còn khá ít, chỉ khoảng 52 doanh nghiệp với hầu hết là doanh nghiệp trong nước có quy mô nhỏ. Giá trị tăng thêm của ngành cơ khí chế tạo (không bao gồm các ngành sản xuất lắp ráp ô-tô, phương tiện vận tải chiếm 14,4% tổng giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp chế biến chế tạo thành phố, trong đó lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí và chế tạo máy móc chỉ chiếm khoảng 1,9%.

Các doanh nghiệp cơ khí có thể tạm phân loại: doanh nghiệp đầu tư công nghệ mới có trung tâm gia công công nghệ cao như Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ và Sản xuất Huỳnh Đức, Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại Minh Thịnh Lợi; doanh nghiệp chế tạo kết cấu công trình xây dựng như Công ty CP Cơ khí Hà Giang - Phước Tường, Công ty CP chế tạo kết cấu thép VNECO.SSM; doanh nghiệp kinh doanh và thầu xây lắp thiết bị điện tử, điện tử viễn thông như Công ty CP Thương mại - Dịch vụ và Nhập khẩu điện tử viễn thông Vina Toàn Lực, Công ty TNHH Kỹ thuật Việt Nam…

Ông Nguyễn Phú Hòa, Chánh văn phòng Hội Cơ khí (Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật Đà Nẵng) thông tin, nhìn chung, doanh nghiệp cơ khí thành phố có quy mô nhỏ, một số lĩnh vực thiếu và yếu như đúc và luyện kim. Ngành đúc chiếm 40-70% giá trị trong chuỗi sản xuất công nghiệp, nhưng riêng Đà Nẵng chưa có thương hiệu nào trong lĩnh vực này. Các doanh nghiệp cơ khí ở thành phố còn hoạt động rời rạc thay vì liên kết cùng phát triển. Bên cạnh đó, phần lớn doanh nghiệp không có mặt hàng chủ lực chiến lược mà phụ thuộc vào đơn đặt hàng của đối tác. Trong bối cảnh kinh tế thế giới và trong nước như hiện nay, các doanh nghiệp đối tác giảm đầu tư, chi phí sản xuất tăng cao thì quy mô sản xuất của doanh nghiệp cơ khí càng thu hẹp. Tuy nhiên, đây chỉ là khó khăn tạm thời, còn về lâu dài thì cơ hội cho ngành cơ khí còn rất lớn. Để tăng tính liên kết, doanh nghiệp cơ khí cần những giải pháp như có chương trình hỗ trợ đổi mới công nghệ và ưu đãi các doanh nghiệp cơ khí được vào các cụm, khu công nghiệp với chi phí hợp lý; hướng nguồn vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ ngành cơ khí…

MAI QUẾ

Nguồn Đà Nẵng: http://www.baodanang.vn/channel/5404/202305/doanh-nghiep-co-khi-can-tang-lien-ket-3945674/