Doanh nghiệp chuyển động tích cực

Trao đổi về tình hình hoạt động của các doanh nghiệp, nhất là trong lĩnh vực chế biến xuất khẩu thủy sản, sau tác động của nhiều yếu tố, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng (GODACO) Nguyễn Văn Đạo cho rằng:

Ông Nguyễn Văn Đạo.

Khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, kinh tế bắt đầu phục hồi, nhất là từ khi Chính phủ ban hành Nghị quyết 128 ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch covid-19”, các doanh nghiệp bắt đầu chuyển động tích cực, các nước cũng từ từ mở cửa.

* Phóng viên (PV): Chuyển động thị trường được nhìn nhận như thế nào, thưa ông?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Nhìn chung, đến thời điểm này hoạt động của hầu hết doanh nghiệp đã cơ bản ổn định và có mức tăng tốc tương đối tốt, GODACO cũng nằm trong xu hướng chung này. Công ty cũng đang có đà xuất hàng và kết nối lại với khách hàng cũ, công suất của công nhân cũng đạt mức trước khi dịch bệnh xảy ra. Hiện nay, các thị trường trọng điểm như châu Âu, Mỹ, Trung Quốc mở cửa lại tương đối tốt. Tất nhiên, hiện cũng còn thị trường dè đặt, chẳng hạn Trung Quốc do thực hiện chính sách Zero Covid, nên mức độ đóng mở khác nhau ở từng thời điểm. Tuy nhiên, nhìn chung các doanh nghiệp trong ngành đang lấy lại khí thế sản xuất giống như trước khi có dịch bệnh xảy ra.

* PV: Tình hình cụ thể của GODACO?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Đối với các chỉ tiêu Gò Đàng đưa ra trong năm 2022 hiện cũng đạt mức 50% - 60%. Các chỉ tiêu chính như kim ngạch xuất khẩu, sản lượng, doanh thu của GODACO hiện đã bằng với cùng kỳ năm 2021. Riêng chỉ tiêu lợi nhuận trong 6 tháng đầu năm 2022 của GODACO có những tín hiệu lạc quan hơn năm 2020 và năm 2021. Đây là những tín hiệu tích cực sau khi dịch bệnh cơ bản được kiểm soát.

Doanh nghiệp đang có chiều hướng chuyển động tích cực.

* PV: Đâu là điểm khó của doanh nghiệp hiện nay?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Trên bức tranh tổng thể, trong thời điểm hiện nay ngoài những thuận lợi cơ bản cũng có những khó khăn. Đặc biệt nhất là giá đầu vào tăng khá cao, nhất là giá xăng dầu tăng kéo theo hàng loạt các nhóm ngành khác tăng theo. Chưa kể, giá nguyên vật liệu đầu vào phục vụ cho nuôi trồng thủy sản cũng tăng, như đậu nành nhập khẩu, cám, mỡ… cùng với đó là việc điều chỉnh lương công nhân theo hướng tăng nhằm đảm bảo chi tiêu phù hợp với mức trượt giá hiện nay. Điểm khó nữa, dù dịch bệnh được kiểm soát cơ bản, nhưng một vài thị trường lớn áp dụng chính sách Zero Covid nên còn đóng mở bất thường, ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng chung của toàn cầu.

* PV: Tác động cụ thể của tăng giá đầu vào?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Nguyên liệu đầu vào, tùy theo loại, hiện đã tăng dao động từ 10% - 20%. Điểm tăng đáng chú ý nhất là cước tàu vận chuyển, có thời điểm đã tăng từ 5 đến 10 lần, chẳng hạn cước tàu châu Âu chi phí cho 1 container 40 feet ở mức từ 1.500 - 2.000 USD đã tăng lên 20.000 USD nhưng rất khó tìm container vận chuyển hàng hóa dẫn đến ảnh hưởng khả năng cạnh tranh, cung ứng thị trường gặp khó khăn do đơn hàng bị chậm trễ, khó cho khách hàng.

* PV: Giải pháp ứng phó của doanh nghiệp ra sao?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Giải pháp hiện nay là tìm thêm thị trường, mở rộng thêm sản phẩm mới, hạn chế bớt thị trường không mang tính ổn định, tiết giảm các chi phí không đáng có trong sản xuất, tăng năng suất lao động, cải tiến chất lượng… nhằm hạn chế tối đa tác động của việc tăng giá đầu vào, hướng đến tăng khả năng cạnh tranh ở các thị trường.

* PV: Nhận định thị trường và kỳ vọng của doanh nghiệp?

* Ông Nguyễn Văn Đạo: Về thủy sản chế biến nói riêng, thực phẩm nói chung, sau dịch bệnh, khi kinh tế phục hồi nhu cầu ăn uống, đi lại tăng sẽ góp phần tăng nhu cầu tiêu dùng đối với nhóm hàng này. Chúng tôi cũng kỳ vọng từ nay đến cuối năm 2022 cũng như các năm tới nhu cầu tiêu dùng thực phẩm cũng sẽ tăng lên. Đây cũng là cơ hội mới cho ngành Thủy sản chế biến.

Để đón những cơ hội này công ty cũng có những bước chuẩn bị, nhất là thực hiện nhiều giải pháp để đến cuối năm 2022 lấy lại thăng bằng như trước khi có dịch bệnh và đặt ra một số mục tiêu cụ thể cho những năm tới như tiếp tục mở rộng vùng nuôi khoảng 70 ha, xây dựng thêm nhà máy chế biến, mở rộng thị trường… Mục tiêu cụ thể là đến năm 2023 của GODACO là doanh thu, kim ngạch xuất khẩu tăng thêm khoảng 30% và trong 5 năm tới công ty nằm trong top 3 doanh nghiệp chế biến cá lớn nhất của Việt Nam.

* PV: Xin cảm ơn ông!

TA (thực hiện)

Nguồn Ấp Bắc: http://baoapbac.vn/phong-van-doi-thoai/202207/doanh-nghiep-chuyen-dong-tich-cuc-954697/