Doanh nghiệp chuyển đổi số: Loay hoay, đường còn dài

Nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên chưa quan tâm ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số phục vụ sản xuất, kinh doanh. Trong ảnh: Chế biến gỗ xuất khẩu tại một doanh nghiệp ở KCN Hòa Hiệp. Ảnh: VÂN NGUYÊN

Chuyển đổi số sẽ góp phần tăng hiệu quả hoạt động, tăng sự gắn kết giữa Chính phủ với người dân, giữa doanh nghiệp với khách hàng, góp phần xây dựng Chính phủ kiến tạo cũng như tạo thêm giá trị cho doanh nghiệp.

Trước yêu cầu đó, Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng năm 2030. Chương trình này cùng với chương trình phát triển bền vững và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia sẽ tạo thành những trụ cột quan trọng thúc đẩy nền kinh tế đất nước phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Theo các chuyên gia kinh tế, chuyển đổi số sẽ giúp nền kinh tế thương mại minh bạch, hiệu quả, đưa sản phẩm vươn ra thị trường thế giới sâu rộng hơn. Tuy nhiên, để việc chuyển đổi số thành công sẽ phụ thuộc lớn vào công nghệ và tư duy đổi mới của chủ doanh nghiệp. Trong khi đó, hiện nay nhiều doanh nghiệp trong nước nói chung và Phú Yên nói riêng vẫn còn lúng túng trong vấn đề này.

Sợ mất, ngại thay đổi

Thờ ơ với kỹ thuật số và coi việc chuyển đổi số chỉ là phương tiện để trình diễn, chứ không phải khoản đầu tư quan trọng hàng đầu để nâng cao lợi thế cạnh tranh. Đó là thực trạng chung của nhiều doanh nghiệp ở Phú Yên hiện nay. Ông Lê Tỷ Khánh, Phó Giám đốc Sở TT-TT cho biết, việc tiếp cận chuyển đổi số là xu thế tất yếu của nền kinh tế đang trong quá trình hội nhập. Tuy nhiên, hiện nay phần lớn doanh nghiệp của Phú Yên thuộc diện nhỏ và vừa, tiềm lực tài chính còn yếu nên gặp nhiều lúng túng trong việc ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và chuyển đổi số để phục vụ hoạt động kinh doanh, giao thương với các đối tác.

“Chỉ một số ít doanh nghiệp của Phú Yên chủ động ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số, như: Công ty TNHH Thủy sản Đắc Lộc, một số doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực du lịch, doanh nghiệp khởi nghiệp. So với các tỉnh và thành phố khác thì doanh nghiệp Phú Yên vẫn còn thụ động trong việc tiếp cận chuyển đổi số, cũng như xây dựng thương hiệu”, ông Lê Tỷ Khánh nhận định.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, khi đề cập tới việc đầu tư, nâng cấp công nghệ để số hóa các hoạt động, nhiều doanh nghiệp Phú Yên phân vân “sợ mất, ngại thay đổi”; chưa nhận thức đúng vai trò của việc chuyển đổi số trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ông Lê Văn Hồng, Giám đốc Công ty CP Bá Hải (KCN Hòa Hiệp) cho rằng, việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động sản xuất, kinh doanh của công ty đã triển khai từ lâu, nhưng cũng chỉ một vài hoạt động cơ bản như chữ ký số khi giao dịch với cơ quan hải quan. Doanh nghiệp chưa chủ động quảng bá sản phẩm và giao dịch thương mại thông qua các ứng dụng trên nền tảng kỹ thuật số.

“Đối với doanh nghiệp, việc đầu tư, đổi mới công nghệ là khâu cốt lõi để nâng cao năng suất, giá trị kinh tế và khả năng cạnh tranh. Song, để đổi mới công nghệ là điều không dễ dàng, đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có tiềm lực kinh tế, có đội ngũ nhân công đủ khả năng “lĩnh hội” và ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. Chính vì vậy mà trong thời gian qua công ty gặp nhiều khó khăn trong ứng dụng khoa học công nghệ và chuyển đổi số phục vụ hoạt động kinh doanh của đơn vị”, ông Lê Văn Hồng cho biết thêm.

Theo ông Ngô Đa Thọ, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp Phú Yên, hiện có khoảng 98% doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh là doanh nghiệp nhỏ và siêu nhỏ, sức cạnh tranh yếu; năng lực quản trị còn hạn chế, thiếu chiến lược kinh doanh và tầm nhìn. Chính vì vậy mà công nghệ sản xuất của các doanh nghiệp chỉ ở mức trung bình, năng suất lao động thấp, mẫu mã sản phẩm chưa đa dạng, chất lượng còn thấp.

Ở tầm vĩ mô, theo Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, hiện có đến 97% doanh nghiệp trong cả nước là doanh nghiệp nhỏ và vừa, trình độ khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo còn thấp. Có từ 80-90% máy móc sử dụng trong các doanh nghiệp là sản phẩm nhập khẩu, trong đó gần 80% là công nghệ cũ từ thập niên 80-90 thế kỷ trước. Điều đó khiến nhiều doanh nghiệp lúng túng và gặp khó trong chuyển đổi số để đáp ứng yêu cầu của thực tiễn sản xuất, kinh doanh hiện nay.

Phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng

Trước những thách thức lớn đặt ra khi doanh nghiệp đổi mới công nghệ để số hóa hoạt động và tiến tới chuyển đổi số, ông Lê Tỷ Khánh cho rằng doanh nghiệp muốn đi xa hơn nữa trong chuyển đổi số thì phải có kế hoạch, mục tiêu rõ ràng. Doanh nghiệp phải xem mình cần đầu tư cái gì, bắt đầu từ đâu, để từ đó Nhà nước có hướng hỗ trợ tốt hơn. Sở TT-TT đã tham mưu UBND tỉnh xây dựng đề án chuyển đổi số của tỉnh, trong đó có chính quyền điện tử và hỗ trợ doanh nghiệp quảng bá sản phẩm. Để đề án này mang lại hiệu quả cao, trong thời gian tới các sở, ban ngành, hiệp hội và các địa phương cần tăng cường sự phối hợp, triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp đổi mới công nghệ và chuyển đổi số.

Về phía doanh nghiệp, ông Lê Văn Hồng thẳng thắn nhìn nhận: Phải ý thức rõ việc đổi mới mô hình kinh doanh, công nghệ máy móc sản xuất và mô hình quản trị dựa trên công nghệ số… là yêu cầu tất yếu trong thời buổi hội nhập thế giới ngày càng sâu rộng như hiện nay. Đó là yếu tố then chốt để doanh nghiệp hướng tới các mục tiêu phát triển sáng tạo, bền vững. Do vậy, ngoài sự hỗ trợ của Nhà nước thì doanh nghiệp phải chủ động hơn trong ứng dụng công nghệ và chuyển đổi số. Có như vậy mới giúp doanh nghiệp phát triển bền vững.

Chuyển đổi số chưa cần nghĩ đến những việc xa xôi, chỉ cần nghĩ đến việc giải quyết những vấn đề gần gũi, thiết thực nhất với cá nhân, gia đình, doanh nghiệp, tổ chức của mình, sau đó mới nghĩ đến những vấn đề quốc gia, toàn cầu. Tư duy làm sao để mẹ mình bán được nải chuối nhanh hơn, đỡ vất vả hơn, có lợi nhuận hơn là đã tốt lắm rồi. Bằng cách nghĩ như thế chuyển đổi số sẽ diễn ra nhanh hơn.

Bộ trưởng TT-TT Nguyễn Mạnh Hùng

VÂN NGUYÊN

Nguồn Phú Yên: http://www.baophuyen.com.vn/79/246073/doanh-nghiep-chuyen-doi-so--loay-hoay-duong-con-dai.html