Doanh nghiệp chủ động đến tận trường 'săn' nhân sự

Nhiều công ty, doanh nghiệp chủ động đến các trường đại học phỏng vấn, chia sẻ những mong muốn của họ đối với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp...

Sinh viên tham gia phỏng vấn trực tiếp tại Ngày hội hướng nghiệp do ĐH Bách khoa Hà Nội tổ chức.

Để tìm kiếm ứng viên phù hợp, có tiềm năng trong các vị trí phát triển cho công ty, doanh nghiệp đã chủ động đến các trường đại học phỏng vấn, chia sẻ những mong muốn của họ đối với các bạn trẻ vừa tốt nghiệp. Từ thực tế này, sinh viên có thêm những trải nghiệm và hiểu hơn về nhu cầu tuyển dụng hiện nay.

Chia sẻ và hợp tác đào tạo

Hiện nay, khi tuyển dụng sinh viên vừa tốt nghiệp ngoài yếu tố học lực, nhà tuyển dụng đặc biệt quan tâm đến kinh nghiệm, kỹ năng mà người vừa tốt nghiệp tích lũy được trong khoảng thời gian học.

Lý giải về điều đó, ông Đào Việt Bách, Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài - Học viện FPT Software cho rằng, doanh nghiệp đòi hỏi sinh viên mới ra trường phải có kinh nghiệm là hoàn toàn xứng đáng. Bởi khi tuyển dụng nhân sự, các nhà tuyển dụng đều mong người đó làm được việc ngay và đóng góp được nhiều cho công ty.

Tuy nhiên, kinh nghiệm đó của các bạn không bắt buộc phải là những kinh nghiệm tích lũy được khi làm việc ở các công ty, dự án lớn, mà đó là những kinh nghiệm thực tế về nghiên cứu, làm việc nhóm, đi thực tập khi còn ngồi trên ghế giảng đường.

Cũng chính những đòi hỏi kinh nghiệm của các nhà tuyển dụng đó đã khiến nhiều trường có sự điều chỉnh trong thiết kế chương trình đào tạo, tăng thời gian thực hành, thực tập để đáp ứng yêu cầu về “đầu ra”. Vì vậy, sinh viên ngay năm thứ nhất, thứ hai đã được khuyến khích, tạo điều kiện tham gia các dự án nghiên cứu khoa học cùng thầy cô, làm việc tại các phòng nghiên cứu để tích lũy kinh nghiệm.

Ông Đào Bách Việt cho biết thêm: “Tập đoàn FPT đang hợp tác với nhiều trường đại học trong việc triển khai đào tạo, nghiên cứu phát triển nguồn nhân lực cao. Có nhiều chương trình để người học có thể xây dựng kiến thức nền tảng thực tế ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Bên cạnh đó sau khi tuyển dụng sinh viên mới ra trường, chúng tôi cũng sẽ hỗ trợ các bạn làm quen với môi trường, văn hóa doanh nghiệp, hệ thống kiến thức, chương trình chuẩn quốc tế”.

FPT Software đang làm việc với 95% khách hàng toàn cầu, chính vì thế, đòi hỏi sinh viên sẽ phải học nhiều quy trình làm việc chuẩn quốc tế.

“Để nhân sự mới thích ứng nhanh với môi trường đó là trách nhiệm của doanh nghiệp. Nhà trường đóng vai trò dạy kiến thức nền tảng, những tư duy ban đầu. Khi đến với doanh nghiệp, bạn sẽ có nhiều cơ hội, môi trường để phát triển năng lực cá nhân. Do đó, sinh viên và doanh nghiệp đều phải có sự hợp tác sòng phẳng với nhau.

Nếu các bạn đã nhận lại những giá trị từ doanh nghiệp, bạn nên gắn bó với doanh nghiệp. Khi bạn đóng góp và muốn gắn bó với doanh nghiệp họ không bao giờ để các bạn bị thiệt, doanh nghiệp sẽ có những phương pháp để giữ bạn ở lại”, ông Đào Việt Bách cho biết thêm.

Sinh viên lắng nghe doanh nghiệp chia sẻ về các vị trí việc làm.

Kinh nghiệm là đòi hỏi tất yếu

Từng tốt nghiệp ngành Kỹ thuật điện tử viễn thông, ĐH Bách khoa Hà Nội, chị Lương Thị Ngọc Anh cho rằng, hiện nay nhà tuyển dụng đòi hỏi kinh nghiệm đối với sinh viên vừa tốt nghiệp cũng là một điều dễ hiểu. Như vậy trong quãng thời gian học đại học, bạn sẽ phải có kế hoạch học tập, xây dựng chiến lược để tích lũy kinh nghiệm trước khi tốt nghiệp.

Chị Ngọc Anh chia sẻ: “Nhiều người sẽ cho rằng yêu cầu đó là vô lý hoặc quá sức. Tuy nhiên, trong quá trình học nhà trường đã thiết kế chương trình có các kỳ thực tập, kiến tập hoặc người học có thể chủ động xin vào các phòng thí nghiệm của thầy cô để học hỏi, tích lũy kinh nghiệm.

Một lưu ý khác, các doanh nghiệp đặc biệt chú trọng đến khả năng ngoại ngữ, vì vậy, sinh viên cũng cần chú trọng đầu tư trau dồi khả năng sử dụng ngoại ngữ trong quá trình học. Trước khi tham gia phỏng vấn, các bạn cần tham khảo và nghiên cứu những yêu cầu của doanh nghiệp đối với người mới ra trường để có thể chuẩn bị tâm thế và hành trang tốt nhất”.

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng như nước ngoài đã trực tiếp đến các trường đại học để trực tiếp phỏng vấn. Chính vì thế, hằng năm ĐH Bách khoa Hà Nội đều tổ chức Ngày hội hướng nghiệp tạo cơ hội cho sinh viên và nhà tuyển dụng có cơ hội gặp gỡ, tiếp xúc trực tiếp với nhau.

PGS.TS Huỳnh Đăng Chính - Phó Giám đốc ĐH Bách khoa Hà Nội bày tỏ mong muốn, qua Ngày hội hướng nghiệp, sinh viên tìm kiếm được công việc phù hợp, phát huy năng lực, thực hiện những ước mơ của bản thân. Đây cũng là cơ hội kết nối sinh viên với các doanh nghiệp, cung cấp cho các em một số thông tin bổ ích về cơ hội nghề nghiệp, quy trình, điều kiện tuyển dụng của doanh nghiệp. Từ đó, người học có được định hướng, có bước chuẩn bị cần thiết về nghề nghiệp trước khi tham gia thị trường lao động và hội nhập quốc tế.

“Đặc biệt, với những sinh viên chuẩn bị tốt nghiệp hoặc đi thực tập, thực tế Ngày hội hướng nghiệp chính là cơ hội để gặp gỡ, trao đổi, tìm kiếm thông tin về cơ hội thực tập và việc làm chính thức sau ra trường. Doanh nghiệp được tiếp cận chia sẻ thông tin, tư vấn hướng nghiệp và cơ hội quảng bá thương hiệu tuyển dụng của doanh nghiệp tới đông đảo sinh viên”, PGS.TS Huỳnh Đăng Chính lý giải.

“Xét trên mặt bằng chung theo những báo cáo nghiên cứu thị trường, sinh viên mới tốt nghiệp ngành kỹ thuật có mức lương thu nhập trung bình từ 10 - 15 triệu đồng/tháng. Tuy nhiên, có nhiều bạn hiện tại đang làm việc ở FPT đã được nhận mức lương lên đến 1.000 USD.

Bên cạnh đó, có những người ra trường 2 năm, 3 năm rồi nhưng mức lương chỉ bằng những bạn mới ra trường. Vì thế, mức lương và thu nhập đòi hỏi kỹ năng và kinh nghiệm của từng sinh viên chứ không phụ thuộc vào tuổi hay số năm làm việc”, ông Đào Việt Bách, Trưởng phòng Tuyển dụng và Thu hút nhân tài, Học viện FPT Software cho biết.

Văn Đức

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/doanh-nghiep-chu-dong-den-tan-truong-san-nhan-su-post664604.html