Doanh nghiệp chip lớn của Mỹ ồ ạt xây dựng nhà máy ở nước ngoài

Trong một nỗ lực đa dạng hóa chuỗi cung ứng, Intel và Micron, hai công ty chip hàng đầu của Mỹ, thông báo chi hàng chục tỉ đô la cho các dự án nhà máy chip ở Israel, Ba Lan và Trung Quốc. Họ cũng đang lên kế hoạch cho các dự án ở Đức và Ấn Độ.

Nhân viên làm việc trong phòng sạch ở nhà máy chip của Intel ở thành phố Kiryat Gat, Israel. Intel vừa quyết định đầu tư 25 tỉ đô la để xây dựng một nhà máy mới ở thành phố này. Ảnh: Times of Israel

Hôm 18-6, Thủ tướng Israel, Benjamin Netanyahu thông báo trên truyền hình rằng Intel sẽ xây dựng một nhà máy mới có tổng vốn đầu tư 25 tỉ đô la Mỹ ở Israel. Ông gọi đây là khoản đầu tư quốc tế lớn nhất từ trước đến nay tại Israel. Chính phủ Israel sẽ trợ cấp 3,2 tỉ đô la cho khoản đầu tư này. Trong khi đó, Intel đồng ý trả thuế ở mức 7,5%, tăng so với mức 5,5% hiện tại.

Bộ Tài chính Israel cho biết thêm, nhà máy chip của Intel, tọa lạc ở thành phố Kiryat Gat, sẽ vận hành vào năm 2027 và sử dụng hàng nghìn lao động.

Hiện Israel có ba trung tâm nghiên cứu và phát triển ở Haifa, Petah Tikva và Jerusalem cũng như một nhà máy ở Kiryat Gat. Intel sử dụng 11.700 lao động trực tiếp và 42.000 lao động gián tiếp khác ở nước này.

Trong gần 5 thập niên hoạt động tại Israel, Intel đã phát triển trở thành nhà tuyển dụng và xuất khẩu tư nhân lớn nhất của đất nước, đồng thời dẫn đầu ngành công nghiệp thông tin và điện tử địa phương.

Tuần trước, Intel Israel, công ty con của Intel ở Israel, công bố đạt doanh số xuất khẩu kỷ lục 8,7 tỉ đô la vào năm 2022, chiếm 1,75% GDP của Israel và 5,5% tổng kim ngạch xuất khẩu công nghệ cao của Israel.

Năm 2017, Intel đã mua Mobileye Global, công ty phát triển và triển khai các hệ thống hỗ trợ lái tiên tiến, có trụ sở tại Israel, với giá 15 tỉ đô la. Intel đã niêm yết cổ phiếu của Mobileye hồi năm ngoái.

Intel nhấn mạnh các hoạt động tại Israel “đóng một vai trò quan trọng” trong thành công toàn cầu của công ty.

“Ý định mở rộng năng lực sản xuất của chúng tôi ở Israel được thúc đẩy bởi cam kết đáp ứng nhu cầu sản xuất trong tương lai. Và chúng tôi đánh giá cao sự hỗ trợ liên tục của chính phủ Israel”, tuyên bố của Intel cho hay.

Trước đó hai ngày, Intel thông báo kế hoạch xây dựng một nhà máy thử nghiệm và lắp ráp chip ở Ba Lan với số vốn đầu tư 4,6 tỉ đô la.

Nhà máy sẽ được đặt gần thành phố Wroclaw và sử dụng khoảng 2.000 lao động trực tiếp cùng hàng ngàn lao động gián tiếp khác.

Nhà máy được xem là mảnh ghép mới cho chuỗi cung ứng chip ở châu Âu để giúp khu vực cắt giảm sự phụ thuộc vào các địa điểm sản xuất ở châu Á. Intel đã có một nhà máy sản xuất tấm bán dẫn ở Ireland và đang lên kế hoạch xây dựng một nhà máy khác ở Đức. Các nguồn tin cho biết Intel có thể nhận được khoản trợ cấp gần 10 tỉ euro từ chính phủ Đức để xây dựng một tổ hợp sản xuất bán dẫn ở phía đông của nước này.

Intel ban đầu ước tính rằng dự án ở Đức sẽ tiêu tốn 17 tỉ euro nhưng hiện tại dự kiến sẽ chi 30 tỉ euro, theo các nguồn thạo tin. Giống như hầu hết các dự án sẽ nhận được tài trợ của chính phủ thông qua Đạo luật chip của Liên minh châu Âu, Intel kỳ vọng khoảng 40% vốn đầu tư cho dự án này sẽ được trợ cấp.

“Tin tốt là nhiều công ty hiện đang lên kế hoạch đầu tư lớn vào ngành công nghiệp bán dẫn ở Đức. Nếu các kế hoạch này thành hiện thức, sẽ có nhiều công ty nữa đến Đức”, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói trong cuộc họp báo ở Berlin hôm 16-6.

Theo kế hoạch, nhà máy của Intel ở Ba Lan sẽ nhận các tấm bán dẫn từ Ireland và Đức để cắt chúng thành những con chip riêng lẻ rồi thử nghiệm chúng trước khi giao cho khách hàng.

“Ba cơ sở này củng cố sức mạnh và tính hiệu quả chi phí của chuỗi bán dẫn châu Âu”, Intel cho hay.

Chính phủ Mỹ đang thúc đẩy các nỗ lực sản xuất chip ở trong nước và ở các nước thân thiện khi các căng thẳng địa chính trị gia tăng trên toàn cầu làm dấy lên mối lo ngại về sự phụ thuộc vào các trung tâm sản xuất chip ở châu Á, chẳng hạn như Đài Loan, lãnh thổ mà Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền.

Liên minh châu Âu đã cam kết đầu tư công và tư nhân hàng chục tỉ đô la để mở rộng năng lực sản xuất chip trên khắp lục địa. Cuối năm ngoái, EU nhất trí hợp tác chặt chẽ với Washington để củng cố chuỗi cung ứng bán dẫn, gồm chia sẻ thông tin về các chương trình trợ cấp nhằm thúc đẩy sản xuất chip trong nước.

Đối với Intel, khoản đầu tư ở Ba Lan diễn ra trong bối cảnh CEO Intel, Pat Gelsinger tìm cách thúc đẩy tăng cường công suất chip để không bị bỏ lại phía sau trong cuộc đua thống trị ngành công nghiệp chip toàn cầu. Trong khi Intel mất thị phần trong những năm gần đây vào tay các công ty châu Á, các lãnh đạo của Intel biết họ hy vọng sẽ tăng doanh số bán hàng trong những năm tới để trở thành nhà sản xuất lớn thứ hai thế giới, chỉ sau TSMC của Đài Loan.

Hôm 16-6, Micron, hãng chip nhớ lớn nhất Mỹ, thông báo đầu tư thêm 600 triệu đô la để nâng cấp một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip của hãng ở thành phố Tây An của Trung Quốc. Nhà máy nâng cấp cũng sẽ được trang bị một dây chuyền sản xuất chip nhớ. Quyết định này được đưa ra bất chấp gần đây, Bắc Kinh cấm các công ty vận hành cơ sở hạ tầng thông tin trọng yếu trong nước sử dụng các sản phẩm của Micron với lý chúng gây rủi ro an ninh mạng nghiêm trọng.

CEO của Micron, Sanjay Mehrotra nhấn mạnh dự án này cho thấy cam kết của công ty với Trung Quốc là “không thể lay chuyển”.

Khoảng 10% doanh thu của Micron đến từ thị trường Trung Quốc, theo hãng nghiên cứu Gavekal Dragonomics.

Trong một diễn biến khác, Bloomberg đưa tin, Micron sắp đạt được thỏa thuận đầu tư ít nhất 1 tỉ đô la để xây dựng một nhà máy đóng gói chip ở Ấn Độ. Thỏa thuận này có thể được chính thức thông báo trong chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi từ ngày 20 đến 25-6. Các nguồn thạo tin cho biết cam kết đầu tư của Micron ở Ấn Độ có thể tăng lên 2 tỉ đô la.

Thỏa thuận sẽ đánh dấu một chiến thắng cho kế hoạch “Sản xuất tại Ấn Độ” đầy tham vọng của Thủ tướng Modi, đồng thời mang đến cho Washington cơ hội củng cố các chuỗi cung ứng quan trọng bên ngoài Trung Quốc.

Theo Reuters, Bloomberg

Lê Linh

Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/doanh-nghiep-chip-lon-cua-my-o-at-xay-dung-nha-may-o-nuoc-ngoai/