Doanh nghiệp 'chết yểu' ngày càng nhiều nhưng ngân hàng vẫn sinh lời cao từ cho vay

Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) cho rằng doanh nghiệp 'chết yểu' gia tăng, tín dụng ảm đạm đang tạo thách thức lớn đối với đà phục hồi tăng trưởng 2024.

Sáng 17.5, Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách (VEPR) tổ chức tọa đàm “Đối thoại chính sách: Ổn định thị trường vàng, giữ vững vĩ mô, tạo đà phục hồi trong bối cảnh bất định”.

Doanh nghiệp “chết yểu” ngày càng nhiều

Theo báo cáo của VEPR, các khó khăn đè năng doanh nghiệp suốt thời gian qua đã khiến bức tranh phát triển doanh nghiệp trở nên ảm đạm trong quý 1/2024, khi số lượng doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường cao gấp 1,5 lần so với doanh nghiệp đăng ký thành lập mới.

Tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế quý 1/2024 đạt 724.507 tỉ đồng, giảm 4,3% so với cùng kỳ năm 2023.

“Tín dụng có dấu hiệu đông cứng khi tăng trưởng tín dụng quý 1/2024 thấp nhất trong 10 năm qua dù lãi suất cho vay đã hạ rất thấp. Nhu cầu tín dụng của các doanh nghiệp chưa tăng mạnh do hiệu suất kinh doanh giảm, doanh nghiệp cắt giảm các khoản vay”, báo cáo nêu.

Doanh nghiệp chết yểu gia tăng

Doanh nghiệp chết yểu gia tăng

VEPR cũng cho rằng không chỉ những khó khăn từ môi trường bên ngoài, nội lực của doanh nghiệp Việt Nam cũng chưa được cải thiện khi quy mô và tuổi thọ cũng doanh nghiệp cũng giảm dần. Năng lực cạnh tranh yếu kém, khó khăn trong việc tiếp cận nguồn vốn và thị trường.

“Đây là những vấn đề đáng báo động và sẽ tác động tiêu cực đến nền kinh tế trong trung và dài hạn, nó phản ánh sự thiếu hụt các động lực tăng trưởng mạnh mẽ trở lại, nếu để kéo dài sẽ nguy cơ suy thoái”, VEPR nhận định.

TS Nguyễn Quốc Việt, Phó viện trưởng VEPR đánh giá tình trạng doanh nghiệp "chết yểu" gia tăng và tín dụng ảm đạm là những vấn đề đáng báo động, đòi hỏi sự chung tay giải quyết của Chính phủ, doanh nghiệp và người dân.

Theo đó, cần có những biện pháp mạnh mẽ để kích thích đầu tư, tiêu dùng trong nước, đồng thời nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, hướng đến phát triển kinh tế bền vững trong tương lai.

Bức tranh doanh nghiệp ảm đạm khi số DN phá sản cao hơn thành lập mới

Bức tranh doanh nghiệp ảm đạm khi số DN phá sản cao hơn thành lập mới

Các chuyên gia cũng cho rằng tình hình ảm đạm của hoạt động doanh nghiệp lẫn đầu tư tư nhân không những tác động tới khả năng phục hồi tăng trưởng mà còn ảnh hưởng nghiêm trọng các chỉ tiêu vĩ mô về năng suất và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ cho vay

VEPR cũng nêu, có một nghịch lý là trong khi cần để san sẻ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, thì các ngân hàng vẫn duy trì mức sinh lời cao từ hoạt động cho vay.

Khi COVID-19 ập đến vào đầu năm 2020, gần như ngay lập tức chính sách tiền tệ được nới lỏng bằng định hướng hạ lãi suất nhằm hỗ trợ kinh tế. Tuy nhiên các ngân hàng lại giảm lãi suất huy động nhanh hơn so với lãi suất cho vay khiến cho NIM (thước đo mức sinh lời của hoạt động cho vay) tăng.

Một lý do mà các ngân hàng đưa ra để giải thích là các hợp đồng cho vay thường có kỳ hạn dài hơn hợp đồng tiền gửi tiết kiệm nên biến động lãi suất sẽ có ảnh hưởng chậm hơn tới lãi suất cho vay.

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn

Các chuyên gia thảo luận tại diễn đàn

“Xét về bản chất kỳ hạn thì điều này đúng. Tuy nhiên đến giờ thì đã là 4 năm kể từ khi lãi suất được định hướng giảm, thì có lý do gì mà lãi suất cho vay chưa giảm tương xứng với mức giảm lãi suất huy động, rất cần có sự mổ xẻ sâu hơn”, VEPR nêu.

VEPR cho rằng kinh tế Việt Nam sẽ phải đối diện với các thách thức như trì hoãn cắt giảm lãi suất của Fed làm giảm xuất khẩu và đầu tư từ nước ngoài vào Việt Nam; xung đột địa chính trị trên thế giới diễn biến phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng đến xuất nhập khẩu và sản xuất của Việt Nam; hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp vẫn đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức về thị trường, về nhân lực, công nghệ và vốn; biến đổi khí hậu, hạn hán, lũ lụt, xâm nhập mặn; áp lực lạm phát tăng do xu hướng lạm phát trên thế giới vẫn cao.

TS Nguyễn Quốc Việt cho rằng ưu tiên hàng đầu lúc này là đảm bảo an sinh xã hội, giữ ổn định môi trường kinh tế vĩ mô, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp phải tạm dừng hoạt động và hỗ trợ các doanh nghiệp còn hoạt động.

Để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, ông Việt cho rằng Việt Nam cần tăng cường giải ngân đầu tư công đảm bảo đúng tiến độ và tập trung, đặc biệt là các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng, để tạo ra một nền tảng vững chắc và nâng cao khả năng cạnh tranh của nền kinh tế.

Ngoài ra, cần ưu tiên các chính sách và cải cách nhằm tháo gỡ khó khăn, giảm gánh nặng cho các doanh nghiệp, tạo dựng niềm tin vào môi trường đầu tư để khuyến khích doanh nghiệp quay lại thị trường và mở rộng quy mô.

“Các chính sách hỗ trợ đặc biệt cho các doanh nghiệp cần cụ thể và khả thi (như chính sách hỗ trợ xuất khẩu khá thành công). Về lâu về dài, các chính sách tổng thể nhằm nâng cao năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của ngành, doanh nghiệp và sức cạnh tranh của nền kinh tế là một điều kiện tiên quyết để thúc đẩy và nâng tầm chất lượng tăng trưởng”, ông Việt nêu.

VEPR nhận định, mặc dù năm 2023 là một năm “sóng gió” đối với nền kinh tế Việt Nam, tuy nhiên bức tranh tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 được kỳ vọng sẽ có thêm những tích cực, tiềm năng phát triển mạnh mẽ trong trung dài hạn. Các tổ chức quốc tế như WB, IMF, AMRO, đều dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2024 tăng so với năm 2023, đạt khoảng 6,0%. Trong khi đó, VEPR thận trọng dự báo tăng trưởng trong khoảng 5,5 - 6%.

Lam Thanh

Nguồn Một Thế Giới: https://1thegioi.vn/doanh-nghiep-chet-yeu-ngay-cang-nhieu-nhung-ngan-hang-van-sinh-loi-cao-tu-cho-vay-217355.html