Doanh nghiệp cần nội lực để xanh hóa phát triển bền vững

Đa phần doanh nghiệp ít nắm được các thông tin liên quan đến chuyển đổi xanh, gặp rất nhiều áp lực để thực hiện. Do đó, một hội đồng quản trị hội tụ giúp doanh nghiệp tăng trưởng xanh và tín dụng xanh để phát triển bền vững.

Chuyến tàu nhập khẩu LNG đầu tiên của Việt Nam cập bến kho cảng Thị Vải. Ảnh: Hoàng Anh

Khơi nguồn tiềm năng

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy bất ổn đòi hỏi doanh nghiệp cần phải có chiến lược thích nghi, linh hoạt và phát triển một cách bền vững. Kinh tế trưởng Tổ chức Tài chính Quốc tế IFC tại Việt Nam Darryl James Dong nhấn mạnh: cần phải thay đổi, không được phép đứng yên. Muốn vậy, doanh nghiệp cần quản trị môi trường, xã hội và khí hậu hiệu quả. Với cuộc chơi xanh hóa, vai trò lãnh đạo doanh nghiệp phải đổi mới trên phạm vi rộng hơn, tốt hơn, nhanh hơn, quyết liệt hơn.

Trước tiên, cần loại bỏ dần nhiên liệu hóa thạch. An ninh năng lượng trở thành mối quan tâm chính trong năm 2023, phần lớn do tác động của cuộc chiến Nga - Ukraine. Đối với các nước phát triển, trọng tâm là tăng tốc các hệ thống và cơ sở hạ tầng năng lượng tái tạo. Đối với các nước đang phát triển như Việt Nam, trọng tâm là chuyển đổi năng lượng một cách công bằng.

Bồn chứa khí tại nhà máy của PV Gas. Ảnh: Khắc Kiên

Trên thực tế, công nghệ là công cụ để khử carbon, nhưng cần huy động đầu tư xanh để khơi nguồn tiềm năng này. Việt Nam có thể làm được điều này bằng cách lồng ghép bền vững trong mọi hoạt động. Đây không chỉ là điều Việt Nam muốn, mà phù hợp với yêu cầu của thế giới.

“Khởi động để doanh nghiệp bắt đầu lộ trình hướng tới phát thải ròng bằng 0. Giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu không phải là một dự án đơn giản của doanh nghiệp. Công việc nền tảng này bắt đầu bằng việc áp dụng các yếu tố môi trường, xã hội, quản trị trong doanh nghiệp” – vị này nói.

Đồng thời thông tin, ước tính của IFC, để đạt được mục tiêu kép là thu nhập cao và trung hòa carbon, Việt Nam cần đầu tư 6,8% GDP mỗi năm từ nay đến năm 2040. Con số này tương đương 368 tỷ USD, theo giá trị hiện tại, cho phát triển, thích ứng, và giảm nhẹ. Một nửa khoản đầu tư này dự kiến sẽ do khu vực tư nhân.

Như vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần đầu tư xanh rất nhiều. Để có một tương lai ít carbon, cần huy động mọi nguồn vốn sẵn có và triển khai các công cụ tài chính sáng tạo nhất của thị trường, bao gồm trái phiếu xanh, xanh biển, trái phiếu liên kết bền vững, vốn đầu tư thông minh về khí hậu và các công cụ trung gian. Quản trị môi trường, xã hội và khí hậu theo thông lệ tốt nhất chính là đồng tiền quốc tế để thu hút nguồn vốn.

Cơ hội tiệm cận

Thay đổi tư duy để doanh nghiệp lớn hơn về quy mô, thị trường hay hiệu quả hoạt động… từ thực hành quản trị tốt sẽ là vấn đề sống còn đối với mỗi doanh nghiệp. Trong đó, để tiếp cận nguồn vốn, cũng như huy động vốn từ thị trường, các doanh nghiệp phải chứng tỏ được khả năng quản trị trong việc bảo toàn và gia tăng vốn hiệu quả, tạo tác động tốt tới môi trường và kiến tạo những giá trị xã hội cao hơn. Do đó, quản trị doanh nghiệp với các yếu tố E&S (E - Môi trường, S - Xã hội) đang là xu thế được nhiều doanh nghiệp áp dụng để hướng tới tăng trưởng xanh và tín dụng xanh.

Tổng Công ty May 10 là doanh nghiệp tiên phong ứng dụng công nghệ vào sản xuất. Ảnh: Khắc Kiên

Đơn cử, Tổng Công ty May 10 liên tục phát triển, sáng tạo và kết nối đưa ra những sản phẩm được làm bởi chất liệu tự nhiên từ sợi cà phê, gỗ sồi, vải nano, bamboo… giảm thiểu tối đa ảnh hưởng của ngành công nghiệp may mặc tới tự nhiên. Vừa an toàn và thoải mái cho khách hàng sử dụng, vừa mang lại những giá trị tốt đẹp cho môi trường. Về tiết kiệm năng lượng bảo vệ môi trường, trong quá trình đầu tư đổi mới công nghệ, May 10 đã lựa chọn lắp đặt các thiết bị, công nghệ tiến tiến nhất, quản lý, kiểm tra, kiểm soát nhằm tối ưu việc sử dụng…

Chủ tịch Hội đồng quản trị Viện Thành viên Hội đồng quản trị Việt Nam (VIOD) Hà Thu Thanh chỉ ra, để tăng trưởng xanh và phát triển bền vững, doanh nghiệp phải bắt đầu từ quản trị đặc biệt là mô hình quản trị E&S. Tăng trưởng xanh và phát triển bền vững không phải là vấn đề quá lớn như nhiều doanh nghiệp từng nghĩ. Những thay đổi nhỏ sẽ giúp tăng cường hiệu quả hiện tại, thúc đẩy cơ hội tiếp cận nguồn vốn xanh cho các doanh nghiệp.

“Quản trị xanh không chỉ là quản trị truyền thống, quản trị về tài chính mà bao gồm quản trị về nguồn nhân lực, tạo tác động xã hội và nguồn năng lượng. Đây là xu thế đang diễn ra mạnh mẽ trên thế giới, các doanh nghiệp của Việt Nam cũng không nằm ngoài xu thế này” – bà Thu Thanh nói.

Chất lượng hoạt động của hội đồng quản trị dựa trên năng lực. Ở các quốc gia trên thế giới cũng như khu vực, năng lực này dựa trên năng lực chuyên môn, vì vậy các quốc gia đặc biệt chú trọng vào đào tạo các thành viên hội đồng quản trị. Thông qua chương trình đào tạo bắt buộc, các thành viên của hội đồng quản trị sẽ được nâng cao nhiều kỹ năng liên quan tới quản trị công ty như tài chính, nhân lực, xã hội… Việt Nam có thể cân nhắc triển khai những chương trình này cho các thành viên hội đồng quản trị.

Một dự án trồng rừng tại Ninh thuận do HP Việt Nam triển khai.

Bà Thu Thanh chỉ ra, Việt Nam đang trong giai đoạn sơ khởi nên cơ hội để tiếp cận nguồn vốn xanh là rất lớn. Theo quy định, những dự án xanh liên quan tới năng lượng sạch, năng lượng xanh, dự án giảm phát thải, dự án xử lý và chế biến rác, dự án trồng rừng tái tạo… là những dự án có cơ hội tiếp cận nguồn vốn tín dụng xanh, đầu tư xanh từ các quỹ đầu tư trong và ngoài nước. Ngoài ra, các dự án đang trong quá trình chuyển đổi xanh như ngành dệt may, da giày… cũng có cơ hội tiếp cận nguồn tín dụng xanh, đầu tư xanh trên thị trường. Vấn đề là các doanh nghiệp phải có chất lượng quản trị tốt, minh bạch và hiệu quả liên quan tới yếu tố E&S.

Thực tế hiện các doanh nghiệp trong quá trình chuyển đổi xanh đang phải tự chứng minh tác động của dự án chuyển đổi xanh, các ngân hàng tự đánh giá theo bộ tiêu chí của riêng mình về tín dụng xanh và quản trị rủi ro… Do đó, bà Thu Thanh cho rằng, về lâu dài, cơ quan quản lý Nhà nước cần sớm đưa ra các văn bản hướng dẫn để mở rộng kênh tiếp cận tín dụng xanh cho doanh nghiệp. Hy vọng trong năm 2024, bộ tiêu chí tín dụng xanh cho các dự án xanh và chuyển đổi xanh sẽ được ban hành.

Khắc Kiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/doanh-nghiep-can-noi-luc-de-xanh-hoa-phat-trien-ben-vung.html