Doanh nghiệp các tỉnh phía Nam tăng tốc sản xuất ngay từ đầu năm

Hiện nay, nhiều doanh nghiệp phía Nam đã được ký kết nhiều hợp đồng mới nên ngay từ những ngày đầu năm, doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho xuất khẩu, nhiều doanh nghiệp cũng hứa hẹn sẽ đón nhiều thành công trong năm 2023.

Tại phía Nam, các doanh nghiệp may mặc có tỉ lệ lao động trở lại làm việc đầu năm cao hơn các năm trước. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Lao động ít nhảy việc

Hiện nay, các khu công nghiệp, khu chế xuất tại các tỉnh, thành phía Nam như: thành phố (TP) Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai… công nhân đã sẵn sàng trở lại làm việc sau những ngày nghỉ Tết Nguyên đán. Nhiều địa phương báo cáo lượng người lao động trở lại làm việc đạt 100%.

Vừa trở lại với công việc trong ngày mùng 8 Tết Nguyên đán, chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công nhân làm việc trong Khu chế xuất Linh Trung, TP Hồ Chí Minh cho biết, năm nay, người lao động được nghỉ Tết dài ngày hơn các năm trước nên chị có thời gian dành cho gia đình. Theo chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh, công ty bắt đầu làm việc từ ngày 30/1 (nhằm ngày 8 tháng Giêng năm Quý Mão 2023). Tại xưởng của chị đang làm việc có đầy đủ công nhân trở lại làm việc, chỉ vắng 1 người vì đang xin nghỉ phép. “Trong ngày đầu năm mới đến công ty, chúng tôi được lãnh đạo công ty chúc Tết, lì xì đầu năm, nên ai cũng cảm thấy vui vẻ và phấn khởi khi đi làm đầu năm. Chúng tôi hy vọng, sang năm mới, công ty ngày càng phát triển để chúng tôi có thêm nhiều việc làm hơn và thu nhập cũng tăng cao hơn” - chị Nguyễn Thị Hồng Hạnh phấn khởi nói.

Tương tự, tại Công ty cổ phần Việt Nam Kỹ nghệ Súc sản (VISSAN), tất cả người lao động đã quay trở lại làm việc từ ngày mùng 3-4 Tết Nguyên đán. Tính đến nay, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc đạt 100%. Ông Phan Văn Dũng, Phó Tổng Giám đốc Công ty VISSAN chia sẻ: “Năm nay, công ty quan tâm nhiều hơn đến hoạt động chăm lo Tết nên đã động viên kịp thời cho người lao động, đoàn viên yên tâm đón Tết và cũng vui vẻ trở lại làm việc sau Tết Nguyên đán. Doanh nghiệp luôn coi người lao động là nguồn động lực to lớn tiếp sức cho công ty ngày càng phát triển vững mạnh hơn và mang đến những bữa ăn ngon, dinh dưỡng đến hàng triệu gia đình Việt Nam”.

Ông Nguyễn Văn Lâm, Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội TP Hồ Chí Minh thông tin: “Trong ngày làm việc đầu tiên sau Tết, tính chung tất cả các lĩnh vực ngành nghề, tỉ lệ người lao động trở lại làm việc đạt 98% so với thời điểm trước Tết. Năm vừa qua, tình hình lao động tại TP khó khăn do thiếu đơn hàng của cuối năm 2022 đã thay đổi suy nghĩ của nhiều công nhân. Tình trạng nhảy việc sau Tết đã không còn là xu hướng như những năm trước, thay vào đó, trong năm mới, công nhân mong muốn làm việc ổn định hơn”.

Trong khi đó, tại tỉnh Bình Dương, Liên đoàn Lao động Bình Dương và Ban Quản lý các khu công nghiệp tỉnh cho biết, hiện nay, một số doanh nghiệp lớn có tỉ lệ người lao động trở lại cao hơn năm trước, đạt trên 98%. Còn theo Liên đoàn Lao động tỉnh Đồng Nai, hiện nay, đã có khoảng 97% lao động đã quay trở lại doanh nghiệp làm việc sau kỳ nghỉ Tết, cá biệt, có doanh nghiệp đạt gần 100% lao động đi làm. Tại tỉnh An Giang, tỉ lệ lao động quay trở lại làm việc cũng đạt 96% và tỉnh Bình Phước có 91% lao động trở lại làm việc….

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất

Với tỷ lệ lao động trở lại làm việc cao, đơn hàng dồi dào, sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, các doanh nghiệp trên địa bàn các tỉnh phía Nam đã bắt tay ngay vào sản xuất, kinh doanh với khí thế sôi nổi, tinh thần quyết tâm cao và chủ động tăng tốc ngay từ đầu năm, góp phần hoàn thành các mục tiêu, kế hoạch đề ra.

Doanh nghiệp tăng tốc sản xuất đầu năm vì có đơn hàng mới và năm nay hứa hẹn kinh tế có nhiều khởi sắc. Ảnh: Nguyễn Hoàng

Là doanh nghiệp tại vùng biên giới phía Nam, ông Quách Trọng Dung, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Xây lắp An Giang cho biết: “Công ty sẽ cố gắng giữ vững hoạt động sản xuất, kinh doanh, năng suất, ổn định chất lượng sản phẩm và tính toán giảm chi phí sản xuất, giá cạnh tranh; phát triển mẫu mã sản phẩm mới, sản phẩm có giá trị cao; nghiên cứu đầu tư, cải tiến kỹ thuật, máy móc thiết bị, công nghệ. Trong bối cảnh khó khăn từ nguồn nguyên liệu, công ty đặt mục tiêu đảm bảo nguyên liệu sản xuất và dự trữ hợp lý, đảm bảo vật tư, phụ tùng thay thế. Đặc biệt, trong những ngày đầu năm mới, doanh nghiệp chủ động tăng tốc sản xuất để mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, duy trì xuất khẩu xi măng Acifa sang Campuchia, tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án đầu tư để có thêm việc làm mới cho người lao động ổn định cuộc sống trong năm 2023”.

Tại TP Hồ Chí Minh, ông Trương Chí Cường, Phó Tổng Giám đốc Công ty Vĩnh Thành Đạt tiết lộ, tính đến nay, tỉ lệ lao động đã quay trở lại đạt 98% với tâm lý ổn định. Doanh nghiệp cũng nhận nhiều đơn hàng đầu năm mới để phục vụ nhu cầu tiêu dùng sau Tết. Sau Tết, để giữ chân người lao động, doanh nghiệp đã tăng tiền lương, thưởng, tặng vé xe. Trong đó, khoảng 20-30% là thưởng cao hơn. Ngoài ra, công ty còn tổ chức chuyến xe đưa đón, tặng tiền thưởng cho công nhân quay lại làm việc đúng lịch là giải pháp doanh nghiệp thực hiện để “kéo” công nhân quay lại nhà máy. Bởi vậy, doanh nghiệp có thể hoạt động ổn định ngay sau kỳ nghỉ lễ.

Trong khi đó, Công ty Tân Quang Minh cũng trở lại sản xuất từ mùng 4 Tết với khoảng 70% công nhân và hôm nay đã đạt 100% ổn định hoạt động sau kỳ nghỉ lễ. Để làm được điều này, bên cạnh các chế độ lương thưởng, doanh nghiệp cho phép công nhân ở xa được về quê sớm đón Tết. Mặt khác, việc tăng tiền thưởng, tiền sản xuất nhằm giữ một phần công nhân ở lại thành phố đã giúp nhà máy hoạt động đúng kế hoạch.

Ông Nguyễn Đặng Hiến, Tổng Giám đốc Công ty Tân Quang Minh cho biết: “Chúng tôi dồn hết lực lượng sản xuất ở thời điểm cao nhất với sản lượng cao nhất, tổ chức tăng ca. Khi đáp ứng được đơn hàng, sau đó chúng tôi có thể giãn ra. Sau Tết, chúng tôi sắp xếp lại, tổ chức sản xuất sớm”.

Khảo sát nhiều doanh nghiệp tại các khu chế xuất, khu công nghiệp và khu công nghệ cao tại các tỉnh phía Nam cho thấy, đa số các doanh nghiệp đều đã ổn định tâm lý công nhân và sản xuất trở lại từ mùng 8 Tết trở đi. Riêng các doanh nghiệp dệt may có thể sẽ thiếu khoảng 5-10% công nhân do một số lao động về quê sau đại dịch vẫn chưa trở lại. Ông Huỳnh Văn Tuấn, Chủ tịch Công đoàn các khu chế xuất, khu công nghiệp TP Hồ Chí Minh cho biết, ngày đầu năm mới, các doanh nghiệp đã tăng tốc sản xuất trở lại vì số lao động trở lại sau Tết tăng cao. Rút kinh nghiệm từ các năm trước, năm nay, doanh nghiệp đều tăng tiền lương, thưởng Tết để giữ chân lao động. Với việc doanh nghiệp có tỉ lệ lao động quay trở lại cao, có đơn hàng mới khiến doanh nghiệp kỳ vọng những khởi sắc trong sản xuất, xuất khẩu trong năm 2023.

Nguyễn Hoàng

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/doanh-nghiep-cac-tinh-phia-nam-tang-toc-san-xuat-ngay-tu-dau-nam-post458757.html