Doanh nghiệp bắt nhịp xu thế mới

Các doanh nghiệp (DN) ở Quảng Ngãi đã chủ động thực hiện chuyển đổi số (CĐS), bắt nhịp cùng xu thế mới để phát triển sản xuất, kinh doanh.

Ngành thép tích cực chuyển đổi số

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất là một trong những DN đầu tư dự án quy mô lớn tại KKT Dung Quất. Không chỉ tiên phong trong lĩnh vực sản xuất các sản phẩm thép, công ty còn là DN đi đầu trong CĐS. Nhiều năm qua, công ty đã quan tâm tích hợp các công nghệ kỹ thuật số vào hoạt động nhằm thay đổi cách thức vận hành, mô hình kinh doanh. Công ty đã xây dựng lộ trình CĐS gắn với nhu cầu thực tế sản xuất, kinh doanh.

Năm 2024, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tập trung chuyển đổi số trong quản lý và khai thác cảng tổng hợp container.

Đại diện Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất cho biết, hiện tại, công ty hoàn thành hạng mục hệ thống 360 view và thông tin quản lý nhà thầu áp dụng vào quản lý dự án đang triển khai. Hai hệ thống này sẽ tích hợp những tính năng mới, gồm tính năng quản lý tập trung hình ảnh và video 360 độ, tính năng scan, giúp giảm nhân công, nâng cao chất lượng điều hành hoạt động dự án. Đối với tính năng quản lý tập trung hình ảnh 360 độ, gồm các hình ảnh khảo sát mặt bằng, tiến độ, hình ảnh tổng thể. Tính năng quản lý video sẽ quản lý tiến độ dự án Khu Liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2, cảng tổng hợp, video PR, video chung Thép Hòa Phát Dung Quất. Về tính năng scan, hiện đã quản lý mặt bằng, hình maps theo 2 dạng hình ảnh và google earth.

Với những tính năng mới và thông minh, hệ thống sẽ giúp Ban Giám đốc theo dõi được toàn bộ quá trình xây dựng. Từ tiến độ bằng hình ảnh thật, phục vụ mục đích giám sát và truy suất các dữ liệu cần thiết theo thời gian. Dựa vào đó, đưa ra những quyết định, chỉ đạo kịp thời phát triển tiến độ dự án. Đây chính là quá trình thay đổi mô hình cũ sang dạng doanh nghiệp số, dựa trên những ứng dụng công nghệ mới, qua đó thay đổi phương thức điều hành, quy trình làm việc và văn hóa lao động trong công ty. Mục đích hướng tới nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án, tối ưu hóa chi phí; tăng vị trí cạnh tranh, thúc đẩy tăng trưởng doanh thu, tăng năng suất lao động, mở rộng khả năng thu hút đối tác.

Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất ứng dụng hệ thống 360 view giám sát quá trình triển khai xây dựng hạ tầng dự án đầu tư tại Khu kinh tế Dung Quất. Trong ảnh: Dự án Khu liên hợp sản xuất gang thép Hòa Phát Dung Quất 2 đang được đầu tư xây dựng.

Cũng nằm trong lộ trình CĐS, hệ thống đào tạo trực tuyến E-Learning là một trong những phần mềm được Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất đặc biệt quan tâm. Việc ứng dụng hệ thống đào tạo này đã mang lại nhiều lợi ích, giúp công ty mở lớp đào tạo trực tuyến. Ngoài ra, công ty cũng đã ứng dụng mạnh mẽ CĐS vào hoạt động điều hành công tác văn phòng để quản lý văn bản đến, văn bản đi, công việc, văn bản nội bộ, hồ sơ công việc; số hóa quy trình nghiệp vụ, biểu mẫu...

Thời gian tới, Công ty CP Thép Hòa Phát Dung Quất tiếp tục phối hợp với đối tác nghiên cứu phát triển, tích hợp CĐS, nhằm tối ưu hiệu quả công việc, hướng đến DN số thông minh toàn diện. Theo đó, công ty sẽ tập trung nguồn lực cho CĐS ngành “logistics cảng, chuỗi cung ứng” để quản lý và điều hành khai thác cảng. Thông qua áp dụng các thiết bị, công nghệ số để quản lý vận chuyển, theo dõi hàng hóa, truy xuất thông tin, tự động hóa quy trình và trao đổi dữ liệu khai thác với các hệ thống quản lý khác. Từ đó, tiết kiệm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, loại bỏ các bước không hiệu quả; theo dõi và quản lý kho hàng, xe vận chuyển và lao động một cách hiệu quả hơn.

Chủ động hội nhập

Trong bối cảnh gia nhập sâu rộng thị trường thương mại, các DN trong ngành sản xuất hàng tiêu dùng của tỉnh cũng đang tích cực tham gia vào quá trình CĐS. Tiên phong là Công ty CP Đường Quảng Ngãi. Việc CĐS tại Công ty CP Đường Quảng Ngãi không chỉ tập trung vào quy trình sản xuất mà còn chú trọng vào mối quan hệ với khách hàng. Mục tiêu đặt ra thông qua CĐS là giúp DN gia tăng doanh thu khi mang lại những trải nghiệm tối ưu nhất cho người dùng, đặc biệt là từ chương trình khuyến mãi và chiến dịch marketing.

Giám đốc Nhà máy Bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi (Công ty CP Đường Quảng Ngãi) Trần Quang Trung cho biết, hiện đơn vị đang tập trung xây dựng các chương trình quảng bá bán hàng trên các nền tảng, đáp ứng yêu cầu trải nghiệm và mua sắm trực tuyến. Điều này mở ra cơ hội lớn cho nhà máy. Không chỉ tương tác bán hàng mà thông qua đó sẽ giúp thu thập dữ liệu khách hàng, phân tích và dự báo nhu cầu chính xác hơn. Thông qua ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số, khách hàng ở đất nước nào cũng có thể gửi ý kiến phản hồi về cho nhà máy khi tiêu dùng sản phẩm.

Sản xuất bánh xuất khẩu tại Nhà máy Bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi.

Hiện tại, rất nhiều đối tác nước ngoài của Nhà máy Bánh kẹo Biscafun Quảng Ngãi có nhu cầu đóng gói bao bì theo mẫu mã thiết kế sẵn, phù hợp với thị hiếu người tiêu dùng sở tại. Ngày trước, đây là điều không thể vì việc in ấn, chuyển bao bì về nhà máy tốn nhiều chi phí và mất thời gian. Tuy nhiên, hiện nay, nhờ ứng dụng kỹ thuật số, các mẫu mã bao bì sau khi thiết kế được gửi về nhà máy, để bộ phận phụ trách tiếp nhận, đặt hàng sản xuất tại Việt Nam, phục vụ đóng gói theo yêu cầu của khách hàng.

Đối với một số sản phẩm mang thương hiệu quốc gia của Công ty CP Đường Quảng Ngãi như Vinasoy, nước khoáng Thạch Bích, đường tinh luyện, đang được ứng dụng CĐS mạnh mẽ để tăng khả năng tiếp cận thị trường. Theo đó, thông qua việc áp dụng công nghệ số để thu thập dữ liệu, giúp các nhà máy hiểu rõ hơn về nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng, từ đó phân tích, đánh giá, triển khai chiến dịch nâng cấp sản phẩm. Với những nỗ lực không ngừng trong việc ứng dụng CĐS, tuân thủ các tiêu chuẩn quốc tế và cam kết với trách nhiệm xã hội, Công ty CP Đường Quảng Ngãi đã và đang tiếp tục góp phần nâng cao vị thế của thương hiệu Việt Nam trên trường quốc tế.

Bài, ảnh: THANH HUYỀN

Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/chuyen-doi-so/202403/doanh-nghiepbat-nhip-xu-the-moi-0664904/