Doanh nghiệp bán lẻ Mỹ nỗ lực giữ chân khách hàng nghèo

Giảm giá thường xuyên hơn, tung ra sản phẩm to hơn với giá thấp hơn là những giải pháp các nhà bán lẻ áp dụng để thu hút khách hàng nghèo.

Charsetta Reed, 61 tuổi, ở Chicago, đang tìm các sản phẩm giá rẻ và thường xuyên tới chuỗi siêu thị đồng giá Dollar Tree để mua đồ tạp hóa như kẹo Hershey, cá thu đóng hộp Pampa, cá mòi và gia vị ớt jalapeno, dưa chua. Dollar Tree là chuỗi bán đồ đồng giá 1 USD. "Tôi không đủ khả năng để tiếp tục mua những lọ thực phẩm trị giá 3-4 USD", Reed nói.

Dollar Tree là nơi lui tới thường xuyên của các hộ gia đình nhận trợ cấp thông qua chương trình hỗ trợ dinh dưỡng bổ sung (SNAP). Họ dùng phiếu mua thực phẩm của SNAP để mua sắm tại đây.

Dù vậy, Tổng giám đốc Dollar Tree nói nguồn thu mà chuỗi bán lẻ một giá của ông nhận từ SNAP thậm chí còn đang giảm do người có phiếu này ngày càng thắt chặt chi tiêu. Tương tự, tại các cửa hàng tiện lợi Circle K, doanh số từ những người sử dụng phiếu thực phẩm giảm 40% so với năm ngoái. "Kết quả còn tệ hơn ở những cửa hàng có người tiêu dùng có thu nhập thấp hơn", Brian Hannasch, CEO Alimentation Couche-Tard, công ty điều hành Circle K, tiết lộ.

Ở Mỹ, khoảng 21% hộ gia đình da trắng và một phần ba hộ da màu có thu nhập thấp, tức là dưới 35.000 USD mỗi năm. Sherry Frey, Phó chủ tịch bộ phận chăm sóc sức khỏe của NielsenIQ, nhấn mạnh rằng nhóm này tiêu thụ ít thực phẩm và thịt tươi hơn những người tài chính dồi dào.

"Những người mua sắm SNAP và WIC đang tìm sản phẩm đáng tiền nhất có thể", Frey nói. Trong đó, WIC là chương trình phúc lợi thực phẩm của chính phủ dành cho cho phụ nữ, trẻ sơ sinh và trẻ em.

Carlos Rodriguez, Giám đốc chính sách và hoạt động của công ty phân phối City Harvest giải thích rằng nhóm khách hàng nghèo đang vật lộn để kiếm sống, nên họ chọn mua bất cứ thứ gì có thể chia cho nhiều miệng ăn hơn trong nhà.

Trong thời kỳ đại dịch, các nhà sản xuất thực phẩm Mỹ tập trung chiến lược vào các sản phẩm cao cấp, tung ra hương vị mới để tìm cơ hội tăng giá. Tuy nhiên, xu hướng thắt chặt hầu bao của người thu nhập thấp khiến họ phải thay đổi.

Duleep Rodrigo, trưởng bộ phận phân tích ngành bán lẻ và tiêu dùng Mỹ tại KPMG, nói các công ty thực phẩm giờ phải tìm cách thu hút nhóm khách nghèo quay lại. "Họ không thể đạt doanh số nếu không có khách hàng nghèo", ông nhận định.

Nhà sản xuất thực phẩm Hershey tung ra thị trường những túi bắp rang bơ Skinny Pop lớn hơn với giá rẻ hơn. Hay để thu hút người Mỹ không còn đủ khả năng chi trả cho đồ ăn nhanh, Conagra sẽ giới thiệu dòng sản phẩm 6 miếng chả gà mới chỉ 6,99 USD vào tháng sau. Coca-Cola gia hạn thời gian bán khuyến mãi cho dòng nước ngọt dung tích 1,25 lít để thu hút khách hàng nghèo, đối tượng quan tâm đến giá cả.

Dù đã bán các sản phẩm như Cup Noodles dưới 1 USD nhưng Nissin Foods chứng kiến doanh số giảm năm ngoái. Brian Huff, giám đốc điều hành chi nhánh ở Mỹ của Nissin Foods, nói công ty sẽ kéo khách hàng nghèo bằng các ưu đãi mua 1 tặng 1 và các khuyến mãi khác.

Ngân hàng đầu tư Jefferies chỉ ra rằng nhà sản xuất mì ống và pho mát Kraft Heinz, công ty ngũ cốc WK Kellogg và Kellanova chuyên bán khoai tây chiên Pringles đều đang tăng cường giảm giá. Sean Connolly, CEO Jefferies chỉ ra Conagra thực hiện giảm giá thường xuyên hơn thay vì sâu hơn.

Một cách khác là tập trung bán các loại thực phẩm giúp no lâu hơn. Conagra tiết lộ rằng doanh số của snack từ ngô Andy Capp's tăng 20-30%. Hay các loại snack hạt hướng dương như David Seeds, có thể ăn trong cả trận bóng chày đang bán tốt.

Nhà sản xuất thực phẩm J.M. Smucker chứng kiến doanh số bán sản phẩm bơ đậu phộng Jif tiếp tục tăng. Theo Giám đốc tài chính Tucker Marshall, nguyên nhân do đây là một loại protein giá rẻ.

Tùng Lâm/Reuters

Nguồn TCDN: https://taichinhdoanhnghiep.net.vn/doanh-nghiep-ban-le-my-no-luc-giu-chan-khach-hang-ngheo-d47639.html