Doanh nghiệp áp dụng ESG: Vượt qua thách thức để hái quả ngọt

Những năm gần đây, khái niệm ESG (Môi trường, xã hội và quản trị) được nhắc đến ngày một nhiều hơn trong cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt kể từ khi Việt Nam có những cam kết mạnh mẽ tại Hội nghị COP26, cũng như những chuyển dịch nhanh chóng của thị trường quốc tế theo xu hướng kinh doanh bền vững và có trách nhiệm hơn.

Hạ tầng, công nghệ và nhân sự phải bài bản

Mặc dù đang trở thành xu hướng chủ đạo và ngày càng nhận được sự quan tâm rộng rãi của các doanh nghiệp, song theo khảo sát, hầu hết các doanh nghiệp tiên phong áp dụng ESG là các doanh nghiệp lớn như doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp đại chúng, doanh nghiệp xuất khẩu lớn... do xuất phát nhu cầu từ các nhà đầu tư, từ thị trường và đối tác kinh doanh.

Kỳ vọng nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp

Sáng kiến ESG Việt Nam là chương trình hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh bền vững. ESG được kỳ vọng sẽ thúc đẩy đầu tư bền vững trong các doanh nghiệp, góp phần tăng cường năng lực cạnh tranh, tạo nền tảng cho sự phát triển lâu dài của doanh nghiệp, giúp các doanh nghiệp đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế và tham gia vào các chuỗi cung ứng toàn cầu.

Còn đối với doanh nghiệp nhỏ, vừa và đang tăng trưởng, phần lớn các doanh nghiệp vẫn đang đứng ngoài cân nhắc, đặc biệt trong bối cảnh triển vọng kinh doanh còn tiêu cực, sức khỏe doanh nghiệp chưa phục hồi thì việc áp dụng các tiêu chuẩn xanh, bền vững càng là một thử thách. Tuy nhiên, trong thách thức luôn có cơ hội và có nhiều doanh nghiệp đang từng bước vượt qua thách thức, “dấn thân” để hái những “quả ngọt” từ ESG.

Theo bà Nguyễn Thị Huyền - Tổng Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần Sản xuất và Xuất khẩu quế hồi Việt Nam (Vinasamex), một trong ba doanh nghiệp đạt giải cao nhất chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023, một trong những thách thức lớn nhất khi áp dụng ESG là sự thay đổi trong quy trình sản xuất và quản lý để đáp ứng các tiêu chuẩn về môi trường, xã hội và quản trị.

Điều này đòi hỏi sự đầu tư lớn về tài nguyên, thời gian và vốn, tạo gánh nặng tài chính cho doanh nghiệp, nhất là đối với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Bởi lẽ, ngoài chi phí đầu tư cho hoạt động sản xuất kinh doanh thông thường, doanh nghiệp còn phải đầu tư thêm nguồn lực cho mô hình kinh doanh bền vững như: nhân sự phụ trách chuyên trách, chi phí xây dựng và quản lý quy trình chuẩn, đầu tư máy móc thiết bị phù hợp và chi phí đánh giá của các tổ chức công nhận độc lập.

Toàn cảnh nhà máy nhìn từ trên cao. Ảnh: PV

Bà Trần Thị Thu Phương - Phó Chủ tịch HĐQT - Tổng giám đốc, Công ty CP HHP Global, một trong ba doanh nghiệp chiến thắng tại chương trình Sáng kiến ESG Việt Nam 2023 cũng cho hay, khi theo đuổi mục tiêu ESG, khó khăn đầu tiên với doanh nghiệp là tài chính.

Để áp dụng các tiêu chuẩn ESG, mức đầu tư đã tăng lên đáng kể khi doanh nghiệp phải đầu tư Nhà máy đạt tiêu chuẩn công trình xanh (LEED) của Hội đồng Công trình xanh Hoa Kỳ. Song hành với đó là vấn đề con người, doanh nghiệp phải tập trung đào tạo nhân sự, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng, trách nhiệm chung trong việc gìn giữ, bảo vệ môi trường, đặc biệt là đảm bảo sự xuyên suốt trong việc triển khai ESG trong toàn bộ tổ chức từ trên xuống dưới.

Đứng trước những khó khăn này, bà Nguyễn Vân An - Giám đốc Chiến lược, Công ty CP Việt Nam Food (VNF) cho biết công ty đã ưu tiên chọn các hoạt động không đòi hỏi chi phí đầu tư quá cao, nhưng hỗ trợ tiết kiệm chi phí vận hành sau khi triển khai. VNF cũng kết hợp với việc kiểm soát vận hành chặt chẽ để tối ưu hóa chi phí. Khi cần, công ty ưu tiên chọn những hoạt động E-S-G phục vụ nhiều mục đích khác nhau, chấp nhận tốn chi phí ban đầu nhưng sau đó tiết giảm chi phí vận hành.

Đồng thời, doanh nghiệp cũng chủ động tìm kiếm các chương trình hỗ trợ phù hợp, điển hình như Sáng kiến ESG Việt Nam do Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) thông qua Dự án Tăng cường năng lực cạnh tranh khu vực tư nhân Việt Nam (IPSC) tổ chức.

Cơ hội bắt kịp xu hướng kinh tế xanh

Người nông dân thu hoạch quế làm nguyên liệu xuất khẩu. Ảnh: PV

Mặc dù đối mặt nhiều thách thức khi áp dụng ESG, song các doanh nghiệp đều nhìn nhận việc áp dụng các tiêu chuẩn ESG đang trở thành một yếu tố quan trọng trong tái cấu trúc và tăng cường khả năng chịu đựng, chống chọi của doanh nghiệp.

“Khách hàng chúng tôi chủ yếu từ các thị trường khó tính như Mỹ, Nhật, Hàn và đặc biệt châu Âu, yêu cầu tiêu chuẩn ESG rất khắt khe và nghiêm ngặt. Do đó, việc triển khai càng sớm thì lợi thế càng cao, giúp doanh nghiệp có thể tồn tại và tạo ra giá trị dài hạn trong bối cảnh nhiều biến động như hiện nay. Đấy là lý do dù bối cảnh khó khăn chung, song thời điểm hiện tại vẫn là lúc thích hợp để VINASAMEX triển khai áp dụng ESG trong doanh nghiệp” - bà Nguyễn Thị Huyền cho hay.

Còn theo bà Trần Thị Thu Phương, thời điểm này, dù triển vọng kinh doanh chưa khả quan, nhưng chính là cơ hội cho các doanh nghiệp nhìn lại chiến lược phát triển của mình để có quyết sách phù hợp hơn nhằm bắt kịp xu hướng chuyển dịch xanh của nền kinh tế. “Đây là một xu hướng tất yếu mà các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất như HHP Global buộc phải bắt kịp. Chính vì vậy, chúng tôi coi đây là nhiệm vụ trọng tâm của mình” - bà Phương khẳng định.

Không chỉ để bắt kịp xu hướng, đáp ứng yêu cầu của thị trường, đối tác, việc áp dụng ESG cũng được đánh giá sẽ tạo thay đổi đáng kể về nhận thức của lãnh đạo, người lao động trong doanh nghiệp. Từ đó, sẽ dẫn đến hành động thay đổi và kết quả đầu ra sẽ là sự tiết giảm năng lượng, ý thức bảo vệ môi trường, năng lực quản trị cũng được nâng cao… Việc tạo ra một văn hóa doanh nghiệp hỗ trợ ESG từ bên trong sẽ giúp doanh nghiệp nâng cao sức chống chịu trước những biến động của thị trường.

Quan điểm, cách làm của mỗi doanh nghiệp về việc triển khai ESG có thể khác nhau. Song có thể thấy, trong bối cảnh khó khăn hiện tại, việc chú trọng đến các yếu tố môi trường, xã hội và quản trị không chỉ giúp tăng cường sự tin cậy của doanh nghiệp trong mắt cộng đồng và nhà đầu tư, mà còn giúp tạo ra giá trị bền vững và giảm rủi ro dài hạn.

Chủ động áp dụng ESG để nắm bắt cơ hội kinh doanh mới

Theo khảo sát của công ty KPMG, 90% các công ty được khảo sát có kế hoạch tăng cường đầu tư vào ESG. Nhiều doanh nghiệp khác cũng đang lên kế hoạch tái cơ cấu tổ chức để phù hợp mục tiêu ESG.

Bên cạnh đó, khoảng 43% số doanh nghiệp đang tìm cách bổ sung nguồn nhân lực chuyên về ESG, 40% có kế hoạch đầu tư vào phần mềm chuyên dụng để quản lý và theo dõi hoạt động ESG và 38% tập trung đào tạo nguồn nhân lực hiện tại.

Nhìn chung, báo cáo của KPMG cho thấy xu hướng ESG đang ngày càng phổ biến. Nhiều doanh nghiệp đánh giá việc phát triển năng lực ESG là chìa khóa để nâng cao hiệu quả hoạt động. Theo KPMG, cải thiện khả năng quản lý dữ liệu và báo cáo ESG là cách tốt nhất để hòa hợp mục tiêu phát triển bền vững với mục tiêu kinh doanh của doanh nghiệp.

Tại Việt Nam, theo một khảo sát của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, đáng mừng là 83% doanh nghiệp được khảo sát cho biết việc áp dụng ESG sẽ giúp nâng cao hình ảnh và uy tín của doanh nghiệp, 57% đã thấy sự cần thiết thay vì coi đây là áp lực cần tuân thủ các quy định của Nhà nước. Những con số này phần nào phản ánh mức độ nhận thức và cam kết khá cao từ cộng đồng doanh nghiệp đối với việc thực hành ESG.

Tuy vậy, bà Trịnh Thị Hương, Phó Cục trưởng Cục Phát triển doanh nghiệp (Bộ Kế hoạch và Đầu tư) lưu ý, thực tế từ nhận thức đến thực thi, từ khâu lập kế hoạch đến khâu áp dụng và thực hiện tốt ESG vẫn có khoảng cách rất lớn.

Vì vậy, các doanh nghiệp cần chủ động bắt đầu ngay từ bây giờ, việc áp dụng ESG không chỉ dừng lại ở mức chạy theo những yêu cầu từ phía đối tác, thị trường, nhà đầu tư hay quy định của luật pháp, mà cần khai thác ESG để nắm bắt các cơ hội đầu tư kinh doanh mới, tạo ra giá trị mới và nâng cao lợi thế cạnh tranh cho chính doanh nghiệp khi xu hướng kinh tế xanh đang diễn ra mạnh mẽ trên toàn cầu.

Hoàng Yến

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/doanh-nghiep-ap-dung-esg-vuot-qua-thach-thuc-de-hai-qua-ngot-146622-146622.html