Đoàn kết, sáng tạo xây dựng Hòa Bình vững bước trên chặng đường đổi mới

Ngày 22-6-1886, tỉnh Hòa Bình được thành lập với tên gọi tỉnh Mường, gồm có bốn phủ: Vàng An, Lương Sơn, Lạc Sơn, Chợ Bờ. Đến ngày 5-9-1896, tỉnh lỵ được chuyển từ Chợ Bờ về đóng tại làng Vĩnh Diệu, xã Hòa Bình, thuộc thành phố Hòa Bình ngày nay. Từ đấy, tỉnh chính thức mang tên Hòa Bình với bốn châu là: Lương Sơn, Kỳ Sơn, Mai Đà và Lạc Sơn (bao gồm cả huyện Lạc Thủy).

Trải qua nhiều lần thay đổi về địa giới hành chính, tỉnh Hòa Bình hiện có 10 huyện và 1 thành phố, 210 xã, phường, thị trấn, với diện tích tự nhiên gần 4.600 km2, dân số hơn 830 nghìn người. Tỉnh Hòa Bình là nơi cộng đồng sáu dân tộc chủ yếu cùng sinh sống, là vùng đất có cư dân bản địa dân tộc Mường chiếm hơn 65% dân số, là trung tâm đồng bào dân tộc Mường của cả nước.

Phát huy bề dày truyền thống vẻ vang trong quá trình xây dựng và phát triển, sau 30 năm đổi mới, nhất là từ sau tái lập tỉnh (năm 1991) đến nay, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh Hòa Bình đã không ngừng phấn đấu đoàn kết, thống nhất trong tư tưởng và hành động thực hiện nhiều giải pháp năng động, phù hợp và giành được những thành tựu đáng tự hào trên tất cả các lĩnh kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh và xây dựng hệ thống chính trị.

Từ xuất phát điểm thấp, nền kinh tế nghèo nàn, cơ sở hạ tầng yếu kém, trình độ dân trí còn hạn chế của những năm đầu tách tỉnh, đến nay, tỉnh Hòa Bình đã có sự phát triển vượt bậc, vươn lên thoát khỏi tình trạng tỉnh nghèo, tăng trưởng kinh tế đứng trong tốp đầu các tỉnh miền núi phía bắc.

Tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) trung bình đạt hơn 9%/năm. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, từ cơ cấu kinh tế thuần nông khi mới tái lập, đến năm 2015 đã có cơ cấu kinh tế: nông nghiệp chiếm 19,4%; công nghiệp - xây dựng chiếm 54%; dịch vụ chiếm 26,6%. Thu ngân sách nhà nước năm 2015 đạt hơn 2.500 tỷ đồng, tăng 58 lần so với năm 1991. Thu nhập trung bình trên đầu người không ngừng tăng nhanh từ 0,738 triệu đồng (năm 1991), lên 36,75 triệu đồng năm 2015, tăng gấp gần 50 lần. Sản lượng lương thực đạt 362 nghìn tấn (năm 2015), tăng hơn 2,6 lần so với năm 1991. Công tác xóa đói, giảm nghèo có nhiều tiến bộ, từ chỗ tỷ lệ hộ nghèo khá cao (36% năm 1996 theo tiêu chí cũ), số hộ đói, đứt bữa còn nhiều, đến nay, toàn tỉnh không còn hộ đói, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 12% (theo tiêu chí mới).

Khi mới tái lập tỉnh, trên địa bàn chỉ có một số nhà máy, xí nghiệp quy mô nhỏ, công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp chiếm tỷ trọng thấp trong cơ cấu kinh tế, đến nay đã có bước phát triển mạnh mẽ với 8 khu công nghiệp có diện tích 1.672 ha được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch. Công tác đầu tư xây dựng hạ tầng đang được triển khai với tổng số vốn đầu tư 542,748 tỷ đồng từ vốn ngân sách nhà nước và vốn doanh nghiệp. Đến hết năm 2015, tổng số dự án đầu tư vào các khu, cụm công nghiệp của tỉnh là 66 dự án, gồm 17 dự án FDI, 49 dự án đầu tư trong nước. Có 45 dự án đã đi vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, giá trị sản xuất công nghiệp năm 2015 đạt 20.140 tỷ đồng, giá trị xuất khẩu đạt 282,5 triệu USD. Đến hết năm 2015, trên địa bàn tỉnh có khoảng 2.200 doanh nghiệp và hơn 300 chi nhánh văn phòng đại diện với vốn đăng ký hơn 22.000 tỷ đồng.

Sự nghiệp giáo dục - đào tạo không ngừng phát triển. Năm 1995, Hòa Bình là tỉnh miền núi thứ hai và tỉnh thứ 13 trong cả nước đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học - xóa mù chữ; tháng 12-2003 đạt chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; tháng 12-2005 đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi; tháng 7-2012 Hòa Bình là tỉnh miền núi đầu tiên và là tỉnh thứ hai trong cả nước được công nhận phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Về chất lượng giáo dục mũi nhọn (tính từ năm học 1991-1992 đến năm học 2015-2016), đã 25 lần tham gia cuộc thi học sinh giỏi quốc gia, có 1.208 em đoạt giải. Đến nay, toàn tỉnh có 100 xã, phường, thị trấn đạt chuẩn phổ cập giáo dục các cấp. Tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia chiếm 36,47%.

Bản sắc văn hóa dân tộc được bảo tồn và phát triển. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” được đẩy mạnh và đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả hơn. Năm 2015, toàn tỉnh có 76% số gia đình, 65% số làng, bản, 85% số cơ quan, đơn vị, trường học đạt tiêu chuẩn văn hóa. Thiết chế văn hóa từ tỉnh đến cơ sở được quan tâm đầu tư với 75% số thôn, bản có nhà văn hóa. Công nghệ thông tin, viễn thông phát triển vượt bậc, 99,5% số xã được phủ sóng phát thanh và phủ sóng truyền hình 87,9% diện tích toàn tỉnh; 100% số xã có cáp quang đến trung tâm.

Công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị được tăng cường; khối đại đoàn kết toàn dân được củng cố; dân chủ nhân dân ngày càng được phát huy. Nhân dân tin tưởng vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Ghi nhận những đóng góp, những chiến công to lớn của tỉnh trong hai cuộc kháng chiến và trong xây dựng chủ nghĩa xã hội, thực hiện đường lối đổi mới, Đảng, Nhà nước đã trao tặng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc tỉnh nhiều phần thưởng cao quý như: Danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Huân chương Sao vàng, Huân chương Kháng chiến, Huân chương Bảo vệ Tổ quốc; Huân chương Quân công, nhiều Huân chương Lao động hạng nhất, nhì, ba; 73 tập thể, 10 cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân; năm tập thể, ba cá nhân được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động; 235 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng.

Trong tiến trình lịch sử bảo vệ, xây dựng và phát triển, các thế hệ cha ông sinh sống trên vùng đất Hòa Bình đã để lại cho hậu thế nhiều giá trị văn hóa quý báu, kho tàng di sản văn hóa phong phú, đặc sắc, các phong tục tập quán tốt đẹp, lễ hội truyền thống giàu bản sắc như: Lễ hội Khai hạ Mường Bi (huyện Tân Lạc), Lễ hội chùa Tiên (Lạc Thủy), Lễ hội Xên bản Xên mường (Mai Châu), Lễ hội Rước Bụt (Lạc Sơn), Tết của đồng bào Mông, Lễ cấp sắc của đồng bào Dao... Đặc biệt Mo Mường, nghệ thuật trình diễn Chiêng Mường đã được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Đó là những di sản vô giá để thế hệ hôm nay và mai sau khai thác, phát huy góp phần làm nền tảng và động lực phát triển quê hương, đất nước.

Với thế mạnh một tỉnh cửa ngõ của vùng Tây Bắc Tổ quốc, giáp với Thủ đô Hà Nội, điều kiện thiên nhiên, văn hóa và con người Hòa Bình là những tài nguyên để phát triển các loại hình du lịch. Tỉnh có nhiều điểm du lịch đẹp, hấp dẫn, độc đáo, giàu giá trị lịch sử - văn hóa như: hồ Hòa Bình, bản Lác (Mai Châu), Suối khoáng Kim Bôi, chùa Tiên (Lạc Thủy)... Đặc biệt, ngày 1-8-2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 1528/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển Khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình đến năm 2030. Đó là những cơ sở quan trọng để chúng ta từng bước khai thác các thế mạnh, đưa tỉnh Hòa Bình phát triển nhanh và bền vững trong công cuộc đổi mới.

Nhân dịp kỷ niệm 130 năm thành lập tỉnh (22-6-1886 - 22-6-2016), 25 năm tái lập tỉnh (1-10-1991 - 1-10-2016) và công bố khu du lịch quốc gia hồ Hòa Bình, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tự hào, phấn khởi trước diện mạo đổi thay của quê hương, vinh dự được đón nhận Huân chương Độc lập hạng nhất - phần thưởng cao quý của Đảng và Nhà nước trao tặng. Đó là nguồn động viên, khích lệ to lớn để Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc trong tỉnh tiếp tục phát huy truyền thống quê hương kiên cường cách mạng, đoàn kết, quyết tâm thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội XII của Đảng và Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đã đề ra, đưa tỉnh Hòa Bình bước sang thời kỳ phát triển toàn diện, cùng cả nước thực hiện thắng lợi mục tiêu "dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh, vững bước tiến lên chủ nghĩa xã hội".

Bùi Văn Tỉnh
Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/chinhtri/item/31271202-doan-ket-sang-tao-xay-dung-hoa-binh-vung-buoc-tren-chang-duong-doi-moi.html