Đoan Hùng: Kiên quyết xử lý những điểm nóng về ô nhiễm môi trường

Nhiều năm qua, với sự vào cuộc tích cực của các cấp chính quyền cùng sự ủng hộ của toàn thể nhân dân, nhiều điểm nóng về ô nhiễm môi trường tại huyện Đoan Hùng đã được xử lý, khắc phục. Người dân đã nâng cao nhận thức, sẵn sàng chung tay bảo vệ môi trường, góp phần đảm bảo cảnh quan xanh, sạch, đẹp.

Mô hình chuyển đổi từ đốt than củi sang sản xuất ván bóc của hộ anh Nguyễn Anh Tuấn ở khu 2, xã Vụ Quang.

Đầu năm 2023, chúng tôi về khu 2, xã Vụ Quang nơi từng được coi là điểm nóng về ô nhiễm môi trường do ảnh hưởng của khói than từ các lò than củi tự phát. Tiếp chúng tôi, ông Trương Công Bằng - Trưởng khu 2 cho biết: “Bốn cơ sở đốt than củi nay đã dừng hoạt động hoàn toàn và hai trên bốn cơ sở đã chuyển đổi sang mô hình làm ván bóc. Không khí của khu dân cư giờ đây không còn bị ô nhiễm nữa”. Nhớ lại chỉ khoảng giữa năm 2021, khói than vẫn là nỗi khổ của các hộ dân khu 2, khu 3 mỗi khi đến mùa kinh doanh than củi. Năm ống khói nhả khí độc hại suốt ngày đêm ảnh hưởng không chỉ đến cuộc sống sinh hoạt mà còn chất lượng sức khỏe của người già và trẻ nhỏ. Sau nhiều lần họp dân cư kết hợp với hình thức “dân vận khéo”, các hộ dân kinh doanh than củi đã nhận thức được những nguy hại đối với môi trường của hoạt động này.

Anh Nguyễn Anh Tuấn (một trong bốn hộ kinh doanh than củi) đã mạnh dạn vay mượn của họ hàng để chuyển đổi sang mô hình sản xuất ván bóc. Anh tận dụng nguồn gỗ trước đây đốt than để bóc ván vừa kết hợp bán phụ phẩm sinh ra từ quá trình sản xuất cho các cơ sở làm viên nén chất đốt, thu nhập tốt hơn đốt than mà lại bảo vệ môi trường. Anh cho biết: “Sau một thời gian được chính quyền xã và đồng chí trưởng khu dân cư vận động nhiều lần, gia đình tôi đã hiểu rằng không nên đánh đổi môi trường và sức khỏe lấy lợi ích về kinh tế. Đó không phải là cách làm giàu bền vững”.

Tương tự như câu chuyện về những lò đốt than ở xã Vụ Quang, sự cố hở túi lọc bụi tại dây chuyền sản xuất của Công ty TNHH liên doanh Cát Phú Quảng Ninh - Phú Thọ ở xã Sóc Đăng đã khiến dân cư xung quanh phải sống chung với tình trạng bụi “bay như mưa”. Sau khi nhận được nhiều phản ánh của khu dân cư và can thiệp của chính quyền địa phương, công ty đã tiến hành bổ sung, cải tiến dây chuyền sản xuất để khắc phục sự cố về môi trường trên. Cụ thể, để giảm thiểu khói bụi, công ty đã nâng độ cao của ống khói lên 22m, kết hợp làm thêm hai giàn lọc bụi trong và ngoài nhà máy, làm mới giàn phun sương, bắn thêm tôn đậy kín các băng tải của dây chuyền sản xuất viên nén gỗ, lắp thêm nhiều máy hút bụi và quạt hút, gia cố thêm bờ rào bằng tôn và lưới đen xung quanh khu vực tiếp giáp với khu dân cư... Tổng chi phí khắc phục sự cố trên một tỷ đồng.

Theo anh Nguyễn Văn Trường - Quản đốc nhà máy cho biết: “Sự cố trên bắt nguồn từ việc sau thời gian nghỉ do dịch COVID - 19, khi hoạt động trở lại, các công nhân không kiểm tra dây chuyền dẫn đến hở túi lọc bụi khiến bụi gỗ phát tán ra không khí, ảnh hưởng đến các hộ dân xung quanh. Sau khi phát hiện, công ty cũng đã nhanh chóng khắc phục, cải tiến dây chuyền sản xuất để không ảnh hưởng đến môi trường”.

Công nhân lắp đặt thêm giàn lọc bụi và lưới đen che chắn giữa nhà máy với khu dân cư tại Công ty TNHH liên doanh Cát Phú Quảng Ninh - Phú Thọ ở xã Sóc Đăng.

Nhiều năm nay, công tác đảm bảo vệ sinh môi trường trên địa bàn huyện được các cấp, ngành, địa phương quan tâm thực hiện. Hàng năm toàn huyện thu gom, xử lý trên 4.000 tấn rác thải sinh hoạt, thường xuyên tổ chức quét dọn, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, phát quang bụi rậm, làm sạch rác thải nhựa phát sinh từ quá trình trồng trọt, xử lý các điểm tập kết rác tự phát trong khu dân cư. Trên địa bàn huyện cũng đã xuất hiện nhiều mô hình hay về bảo vệ môi trường như: “Gia đình 5 không, 3 sạch” hay “Phụ nữ xách làn đi chợ” do Hội phụ nữ triển khai, thành lập 22 tổ dân cư tự quản về môi trường tại các xã,... Ông Nguyễn Hùng Luân - Trưởng phòng Tài nguyên và Môi trường huyện cho biết: “Để nâng cao nhận thức cho người dân về bảo vệ môi trường, phòng đã tham mưu cho UBND huyện ban hành nhiều văn bản tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy định của pháp luật, ký cam kết phối hợp giữa huyện với các xã, xây dựng, lan tỏa các mô hình hay về bảo vệ môi trường”.

Tiêu chí về môi trường là một tiêu chí quan trọng trong bộ tiêu chí xét công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Sự đổi thay ở những nơi từng là điểm nóng về ô nhiễm môi trường góp phần khuyến khích người dân tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, đời sống văn minh tại địa phương.

Thùy Trang

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/doan-hung-kien-quyet-xu-ly-nhung-diem-nong-ve-o-nhiem-moi-truong/192032.htm