Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh

Chiều 13/1, Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình do đồng chí Đoàn Minh Huấn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng đoàn tiếp tục đến nghiên cứu, trao đổi, học tập kinh nghiệm về xây dựng 'Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030', gắn với tái cơ cấu, xây dựng, phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tại thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Đoàn công tác của tỉnh làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Tham gia Đoàn có các đồng chí: Mai Văn Tuất, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Phạm Quang Ngọc, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh; Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh; lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy, Văn phòng UBND tỉnh và một số sở, ngành, doanh nghiệp của tỉnh.

Tiếp và làm việc với Đoàn, về phía thành phố Hồ Chí Minh có đồng chí Phan Văn Mãi, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố; các đồng chí lãnh đạo UBND thành phố, Văn phòng UBND thành phố và các sở, ngành, đơn vị liên quan.

Quang cảnh buổi làm việc.

Phát biểu chào mừng Đoàn công tác của tỉnh Ninh Bình, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi vui mừng, phấn khởi khi được đón và làm việc với Đoàn, đồng chí cho rằng: Việc tăng cường hợp tác, trao đổi giữa thành phố và các địa phương, trong đó có Ninh Bình là việc làm luôn được coi trọng, bởi đây là hoạt động đã và đang đem lại những nguồn lực to lớn, góp phần vào sự phát triển của thành phố.

Đồng chí Chủ tịch UBND thành phố và các sở, ngành của thành phố đã thông tin về Đề án Phát triển công nghiệp văn hóa của thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2030 đã được UBND thành phố phê duyệt với 8 lĩnh vực, gồm: Điện ảnh, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh, triển lãm, quảng cáo, du lịch văn hóa, thời trang với những mục tiêu cụ thể cho từng giai đoạn, phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng trưởng ngành công nghiệp văn hóa đạt bình quân khoảng 14%/năm, doanh thu dự kiến đạt 53.200 tỷ đồng, đóng góp khoảng 5,7% GRDP; đến năm 2030 tốc độ tăng trưởng đạt khoảng 12%/năm, doanh thu dự kiến đạt 94.800 tỷ đồng, đóng góp khoảng 7,2% GRDP của thành phố.

Để đạt được mục tiêu trên, thành phố Hồ Chí Minh đã đề ra 6 nhiệm vụ và 13 giải pháp cụ thể cho từng lĩnh vực.

Hiện nay, thành phố có 7 đơn vị nghệ thuật công lập và 1 Trung tâm tổ chức và biểu diễn điện ảnh, 1 Trung tâm văn hóa và 7 nhà văn hóa; tất cả các quận, huyện đều có Trung tâm Văn hóa, Trung tâm Thể dục thể thao; Trung tâm Văn hóa-Thể thao, Nhà thiếu nhi...; trên 17.600 doanh nghiệp có hoạt động sản xuất, kinh doanh thuộc lĩnh vực văn hóa, chiếm 7,74% số doanh nghiệp trên địa bàn. Năm 2020, đóng góp của sản xuất công nghiệp văn hóa chiếm 3,54% tổng GRDP của thành phố.

Nguồn nhân lực hoạt động trong ngành công nghiệp văn hóa có khoảng 97.000 người có bề dày kinh nghiệm, am hiểu chuyên môn, tận tâm với nghề, quản lý và tác nghiệp đúng quy định, góp phần phát huy truyền thống văn hóa đậm đà bản sắc dân tộc, đồng thời không ngừng nâng cao tính chủ động trong việc tiếp thu văn hóa, sáng tạo, lan tỏa giá trị văn hóa dân tộc qua các tác phẩm, công trình văn hóa, văn học, nghệ thuật có giá trị tư tưởng và nghệ thuật cao. Các doanh nghiệp hoạt động trên lĩnh vực văn hóa năng động, sáng tạo, dễ tiếp thu cái mới, ứng dụng công nghệ hiện đại để tạo ra sản phẩm sáng tạo phù hợp, đáp ứng thị hiếu của thị trường.

Tại buổi làm việc, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Ninh Bình, lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh và các sở, ngành, doanh nghiệp đã chia sẻ thông tin, trao đổi về những kết quả, cơ chế, chính sách, kinh nghiệm, đường hướng phát triển và cơ hội hợp tác giữa hai bên trong phát triển công nghiệp văn hóa, nhất là trên các lĩnh vực đổi mới, sáng tạo văn hóa, nghệ thuật, truyền thông về du lịch, xây dựng phim trường, hợp tác sản xuất phim lịch sử, tổ chức sự kiện văn hóa, thể thao, nghệ thuật biểu diễn, sản xuất quà tặng lưu niệm, phát triển kinh tế thương hiệu, kinh tế di sản... để tạo giá trị gia tăng, đóng góp tích cực cho nền kinh tế.

Phát biểu tại buổi làm việc, đồng chí Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi khẳng định, qua trao đổi, thảo luận đã cho thấy rõ hơn những cơ hội để hai bên hợp tác, phát triển các ngành công nghiệp văn hóa. Thời gian tới, thành phố sẽ chỉ đạo các sở, ngành liên quan tăng cường trao đổi thông tin với tỉnh Ninh Bình, đẩy mạnh hợp tác, chia sẻ nguồn lực phát triển các sản phẩm, thị trường cho ngành công nghiệp văn hóa, trong đó coi trọng nguồn lực về con người, lấy con người làm trung tâm, chủ thể sáng tạo, phối hợp tổ chức Trung tâm sáng tạo văn hóa tại Tràng An, từ đó lan tỏa các giá trị di sản không chỉ ở trong nước mà ra cả thế giới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình Đoàn Minh Huấn phát biểu tại buổi làm việc.

Thay mặt Đoàn công tác của tỉnh, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Đoàn Minh Huấn cảm ơn những tình cảm và sự đón tiếp chân thành, chu đáo của các đồng chí lãnh đạo thành phố Hồ Chí Minh dành cho Đoàn, những chia sẻ kinh nghiệm bổ ích, giá trị, đã gợi mở ra hướng hợp tác rất thiết thực trong thời gian tới về phát triển công nghiệp văn hóa nói chung và trước mắt là các lĩnh vực du lịch, điện ảnh, truyền hình, nghệ thuật biểu diễn nói riêng

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: Sau hơn 30 năm tái lập, từ một tỉnh nghèo, đến nay Ninh Bình đang có sự bứt phá vươn lên có thu nhập đầu người đứng thứ 12 trong cả nước, đặc biệt việc chuyển cơ cấu kinh tế từ nâu sang xanh, lấy du lịch và văn hóa làm mũi nhọn. Đồng chí cũng chia sẻ quan điểm của Ninh Bình trong thực hiện "Chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020 - 2030", gắn với tái cơ cấu, xây dựng, phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh.

Theo đó, Ninh Bình sẽ tập trung vào một số lĩnh vực như: Xây dựng phim trường, hợp tác và sản xuất phim; tổ chức sự kiện lễ hội; các sản phẩm quà tặng phục vụ thị trường du lịch; nghệ thuật biểu diễn, diễn xướng dân gian; nghệ thuật đa phương tiện; thiết kế phần mềm trò chơi kỹ thuật số; kinh tế thể thao; kinh tế thương hiệu… nhằm đưa kinh tế Ninh Bình hội nhập vào các nền kinh tế di sản của đất nước và thế giới.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy cũng mong muốn, thành phố Hồ Chí Minh với vai trò là trung tâm kinh tế, trung tâm công nghiệp văn hóa của cả nước, trong thời gian tới sẽ tiếp tục phối hợp, đồng hành, hỗ trợ Ninh Bình để khai thác tốt tiềm năng, thế mạnh của mình, góp phần từng bước hiện thực hóa mục tiêu, khát vọng xây dựng Ninh Bình trở thành đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố trực thuộc Trung ương.

Nhân dịp này, lãnh đạo tỉnh Ninh Bình và thành phố Hồ Chí Minh đã trao tặng những tặng phẩm thể hiện bản sắc văn hóa của hai địa phương.

* Sáng 14/1, Đoàn công tác của tỉnh đã đến khảo sát, tìm hiểu, trao đổi tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh và Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam. Đây là hai đơn vị truyền thông lớn tại thành phố hiện nay.

Buổi làm việc của Đoàn tại Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh.

Là đơn vị sự nghiệp trực thuộc UBND thành phố Hồ Chí Minh, mặc dù gặp nhiều khó khăn nhưng hiện nay Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh đã tự đảm bảo chi thường xuyên và chi đầu tư. Đài hiện có 17 kênh truyền hình, phát sóng, đăng tải trên tất cả các nền tảng số.

Với phương châm không ngừng đổi mới, sáng tạo, đa hạ tầng, đa dịch vụ, đa phương tiện, mỗi năm Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh (HTV) sản xuất trên 5.000 mũ chương trình; tổ chức nhiều chương trình sự kiện mang thương hiệu của Đài. Bên cạnh đó, Đài có Hãng phim VFF, mỗi năm sản xuất khoảng 100 tập phim truyện.

Qua khảo sát thực tế, các đồng chí lãnh đạo tỉnh đánh giá cao những kết quả hoạt động của Đài Truyền hình thành phố Hồ Chí Minh. Đồng thời trao đổi, chia sẻ những kinh nghiệm tổ chức các sự kiện quy mô lớn để tạo nên thương hiệu, mô hình quản trị; cơ chế tự chủ; công tác chuyển đổi số. Đồng thời gợi mở về phối hợp thực hiện các tác phẩm truyền hình, phim truyện, tổ chức sự kiện, lan tỏa và tạo giá trị gia tăng cho các di sản văn hóa, quảng bá, giới thiệu về vùng đất và con người Ninh Bình, góp phần thúc đẩy phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn.

Tới thăm và làm việc với Công ty cổ phần văn hóa phương Nam, là đơn vị có hệ sinh thái đa dạng, phong phú như sản xuất phim truyền hình, phim hoạt hình, phim truyện và xuất bản, phát hành sách. Hiện nay, Công ty có khoảng 60 nhà sách trong toàn quốc, góp phần khơi dậy văn hóa đọc sách trong nhân dân, nhất là thế hệ trẻ hiện nay. Đặc biệt có những tác phẩm điện ảnh được thực hiện tại Ninh Bình như phim "Thiên mệnh anh hùng" và đã đạt nhiều giải cao trong nước, quốc tế. Bên cạnh các yếu tố khác thì phong cảnh Ninh Bình đã tạo ấn tượng cho người xem, góp phần lớn vào thành công của bộ phim.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Ninh Bình phát biểu trao đổi tại buổi đến thăm, tìm hiểu tại Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam.

Tại buổi làm việc, đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và các đồng chí trong Đoàn đã chia sẻ về tiềm năng, thế mạnh của Ninh Bình, với cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, có Di sản Văn hóa và Thiên nhiên thế giới Tràng An, di sản hỗn hợp đầu tiên của Đông Nam Á. Đặc biệt, Ninh Bình có Cố đô Hoa Lư-nơi phát tích của 3 triều đại Đinh-tiền Lê và thời kỳ đầu nhà Lý. Đây vừa là đế đô, vừa là kinh đô, vừa là cố đô, là nguồn tư liệu quý để khai thác, sáng tạo các tác phẩm điện ảnh. Mới đây, Ninh Bình đã tổ chức thành công Festival Ninh Bình-Tràng An lần thứ II năm 2023 với các chương trình được dàn dựng, biểu diễn trên sân khấu thực cảnh trong lòng di sản Tràng An đã để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả trong nước và quốc tế.

Qua trao đổi, cung cấp thông tin và định hướng phát triển ngành công nghiệp văn hóa của Ninh Bình trong thời gian tới, Công ty cổ phần văn hóa Phương Nam nhận thấy có nhiều cơ hội và sẽ hợp tác với Ninh Bình trong truyền thông, phối hợp sản xuất các sản phẩm văn hóa, điện ảnh đặc sắc, góp phần quảng bá giá trị di sản của đất và người Ninh Bình, thúc đẩy phát triển du lịch và ngành công nghiệp văn hóa trên địa bàn tỉnh.

Để thực hiện thành công chiến lược phát triển công nghiệp văn hóa giai đoạn 2020-2030, gắn với tái cơ cấu, xây dựng, phát triển Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, chuyến công tác của tỉnh đi nghiên cứu, trao đổi học tập kinh nghiệm tại tỉnh Vĩnh Long, thành phố Hồ Chí Minh và các đơn vị sản xuất phim sẽ có thêm nhiều kinh nghiệm và mối quan hệ hợp tác, liên kết ngày càng chặt chẽ và gắn bó hơn, từ đó mở ra cơ hội mới để phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế riêng có của tỉnh, tạo không gian mới, dư địa mới để đưa Ninh Bình phát triển nhanh và bền vững, hướng tới xây dựng Ninh Bình thành Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố trực thuộc Trung ương, trong đó lấy công nghiệp văn hóa gắn với kinh tế di sản làm khâu đột phá.

Tin, ảnh: Nguyễn Giang

Nguồn Ninh Bình: https://baoninhbinh.org.vn/doan-cong-tac-cua-tinh-lam-viec-tai-thanh-pho-ho-chi-minh/d20240114183832336.htm