Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với hai tỉnh Kon Tum, Gia Lai về xuất nhập khẩu

Ngày 15/3, Đoàn công tác của Chính phủ do Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đã làm việc với UBND hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum.

Triển khai ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại Quyết định số 435/QĐ-TTg ngày 24/4/2023 và Văn bản 126/TTg-QHĐP ngày 7/2/2024, trong ngày 15/3, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn dẫn đầu Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với UBND hai tỉnh Gia Lai và Kon Tum để nắm bắt, xử lý khó khăn vướng mắc, thúc đẩy sản xuất kinh doanh, giải ngân vốn đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và triển khai chương trình mục tiêu quốc gia tại các địa phương.

Tham gia Đoàn công tác có đại diện các Bộ: Ngoại giao, Kế hoạch và Đầu tư, Giao thông vận tải, Công Thương, Tài chính, Công an và Ủy ban Dân tộc...

Gia Lai: Phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực, thúc đẩy đổi mới sáng tạo

Tại Gia Lai, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn nhấn mạnh, là một tỉnh có vị trí chiến lược đặc biệt quan trọng về quốc phòng, an ninh, môi trường sinh thái của cả nước và tam giác phát triển Việt Nam - Lào - Campuchia; là cái nôi của không gian văn hóa cồng chiêng, Gia Lai không chỉ chịu áp lực trong thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội mà còn gánh vác các nhiệm vụ quan trọng gắn với củng cố quốc phòng, an ninh, đối ngoại, bảo vệ môi trường, quảng bá hình ảnh quốc gia.

Với mục tiêu cao, nhiệm vụ nặng nề đó, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, Gia Lai cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo.

Bộ trưởng Bộ Ngoại giao cho rằng, Gia Lai cần phát huy tối đa nội lực, tranh thủ ngoại lực và thúc đẩy đổi mới sáng tạo. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Tại buổi làm việc, lãnh đạo tỉnh Gia Lai cho biết, trong năm 2023, tổng sản phẩm trong tỉnh tăng 3,02%; cơ cấu kinh tế chuyển dịch phù hợp; GRDP bình quân đầu người đạt 59,08 triệu đồng. Tuy vậy, tỉnh còn 7/21 chỉ tiêu chưa đạt, tốc độ tăng trưởng chưa đạt như kỳ vọng, thu hút đầu tư gặp nhiều khó khăn. Công tác triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia còn chậm, tiềm năng về phát triển năng lượng tái tạo chưa được phát huy...

Tại buổi làm việc, đại diện các đơn vị trong tỉnh và đoàn công tác đã tham gia thảo luận, trao đổi về các vướng mắc và phương hướng mới trong lĩnh vực nông nghiệp, thương mại, giải ngân vốn đầu tư công, công tác biên giới, lãnh thổ...; đồng thời đề xuất một số hoạt động hợp tác cụ thể cho tỉnh trong triển khai công tác đối ngoại, đặc biệt là công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển của tỉnh.

Kết luận buổi làm việc, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn ghi nhận, đánh giá cao công tác chuẩn bị kỹ lưỡng của tỉnh cho buổi làm việc và đại diện các bộ, ngành trung ương cũng có sự giải đáp, trao đổi rõ ràng, trách nhiệm.

Với phương châm “Kỷ cương trách nhiệm; chủ động kịp thời; tăng tốc sáng tạo; hiệu quả bền vững” của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao đề nghị tỉnh Gia Lai quán triệt một số quan điểm chỉ đạo xuyên suốt.

Thứ nhất, quán triệt, chấp hành nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; thực hiện đồng bộ, hiệu quả 03 đột phá chiến lược, 06 nhiệm vụ trọng tâm, 12 nhóm giải pháp chủ yếu.

Thứ hai, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; tích cực hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Thứ ba, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, nâng cao hiệu lực, hiệu quả thực thi pháp luật; đẩy mạnh phân cấp, phân quyền; nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cấp, các ngành, các địa phương.

Đối với các đề xuất của tỉnh, Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị các bộ, ngành quan tâm, xác định rõ cấp có thẩm quyền, đơn vị chủ trì, phối hợp với tỉnh Gia Lai quyết liệt giải quyết, đặc biệt là các vấn đề mang tính chiến lược như dự án đường cao tốc Quy Nhơn - Pleiku, giải ngân các dự án ODA tại địa phương.

Đối với vấn đề môi trường và năng lượng, Bộ trưởng nhấn mạnh tiềm năng đặc biệt của tỉnh Gia Lai trong phát triển năng lượng tái tạo và cơ hội để tỉnh trở thành hình mẫu về phát thải ròng bằng 0 và phát triển các sản phẩm cạnh tranh, đạt tiêu chuẩn quốc tế khắt khe về môi trường.

Kon Tum: Triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm

Chiều cùng ngày, làm việc tại tỉnh Kon Tum, Đoàn công tác của Chính phủ thực hiện kiểm tra, đôn đốc, tháo gỡ khó khăn trong sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu và kiểm tra thực địa các công trình trọng điểm tại tỉnh.

Đoàn công tác của Chính phủ làm việc với UBND tỉnh Kon Tum về tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh, đầu tư công, xây dựng hạ tầng, xuất nhập khẩu trên địa bàn tỉnh. Ảnh: Bộ Ngoại giao

Theo báo cáo của tỉnh Kon Tum, nhằm hiện thực hóa khát vọng đưa tỉnh trở thành cực phát triển quan trọng của vùng Tây Nguyên, ngay từ những ngày cuối năm 2023, UBND tỉnh đã ban hành từ sớm Chương trình hành động triển khai thực hiện các Nghị quyết của Chính phủ, Hội đồng nhân dân tỉnh về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách nhà nước năm 2024.

Nhờ đó, tỉnh đã tận dụng đà tăng trưởng năm 2023, tiếp tục đạt nhiều kết quả tích cực về phát triển kinh tế - xã hội trong 2 tháng đầu năm 2024. Hoạt động sản xuất công nghiệp, hoạt động tín dụng tiếp tục phát triển. Tình hình xuất nhập khẩu tiếp tục là điểm sáng, với tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 8,14% so với cùng kỳ năm 2023.

Tuy vậy, các Lãnh đạo sở, ngành tỉnh Kon Tum chia sẻ rằng Kon Tum vẫn là tỉnh nghèo, đối mặt nguy cơ tụt hậu so với cả nước do thiếu cơ chế, chính sách riêng, đột phá để khai thác các thế mạnh. Thu ngân sách của địa phương còn nhiều khó khăn, hạ tầng kỹ thuật chưa được đồng bộ, việc thực hiện triển khai các Chương trình Mục tiêu quốc gia còn gặp nhiều khó khăn...

Cũng trong buổi làm việc, Đoàn công tác đã trao đổi về các giải pháp giải quyết các khó khăn trong vấn đề xã hội, năng lượng, giao thông, hạ tầng và công tác biên giới lãnh thổ…

Cụ thể, trong lĩnh vực đối ngoại, Lãnh đạo các đơn vị của Bộ Ngoại giao khẳng định việc nâng cấp quan hệ với các đối tác lớn trong thời gian qua đã góp phần tạo cục diện thuận lợi để thu hút nguồn lực quốc tế, tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng toàn cầu trong tương lai. Theo đó, tỉnh Kon Tum cần nghiên cứu, thúc đẩy hợp tác quốc tế trên cơ sở xác định rõ trọng tâm, trọng điểm trong phát triển quan hệ với từng đối tác cụ thể.

Bộ trưởng Bùi Thanh Sơn đề nghị tỉnh quán triệt, thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Đảng, Trung ương, Quốc hội, Chính phủ; tập trung, ưu tiên cho phát triển kinh tế - xã hội gắn với bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ, bảo đảm an ninh quốc phòng, trật tự an toàn xã hội.

Bộ trưởng nhấn mạnh yêu cầu triển khai đồng bộ các nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về giải ngân vốn đầu tư công; đẩy nhanh trình và triển khai Quy hoạch tỉnh sau khi được phê duyệt; phát triển nguồn nhân lực, chú trọng đặc biệt vào lĩnh vực y tế; bảo đảm an ninh chính trị và triển khai hiệu quả công tác đối ngoại.

Tại buổi làm việc, lãnh đạo UBND tỉnh Kon Tum chia sẻ mong muốn thúc đẩy tạo đột phá trong Đề án phát triển bền vững tỉnh Kon Tum, trong đó có các cơ chế đặc thù giúp tỉnh thu hút nguồn lực, khai thác tối đa tiềm năng, thúc đẩy sự phát triển nhanh và bền vững.

Hoàng Giang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/doan-cong-tac-cua-chinh-phu-lam-viec-voi-hai-tinh-kon-tum-gia-lai-ve-xuat-nhap-khau-308867.html