Đổ xô đi đổi GPLX do hiểu sai lộ trình

Theo lộ trình của Bộ GTVT, phải đến 31/12/2020, GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) mới phải đổi sang PET...

Điểm tiếp nhận đổi giấy phép lái xe của Sở GTVT Hà Nội không còn chỗ trống (chụp sáng 28/11) - Ảnh: Thiện Anh

Theo lộ trình của Bộ GTVT, phải đến 31/12/2020, GPLX không thời hạn (các hạng A1, A2, A3) mới phải đổi sang vật liệu mới (PET). Tuy nhiên, do hiểu sai về lộ trình nên người dân đã đổ xô đến các điểm cấp, đổi GPLX trên cả nước, gây ra tình trạng quá tải tại các điểm cấp đổi.

Điểm cấp đổi GPLX quá tải

Sáng 28/11, ghi nhận của PV Báo Giao thông tại Sở GTVT Hà Nội, có tới gần 200 người đến làm thủ tục đổi GPLX. Cán bộ của Sở GTVT phải dùng loa yêu cầu mọi người giữ trật tự, làm thủ tục theo hướng dẫn. Bên ngoài sảnh, tất cả những nơi có thể kê giấy đều được người dân tận dụng làm bàn viết.

Ông Nguyễn Văn Lý (trú tại đường Hoàng Hoa Thám, Hà Nội) cho biết, ông đã đến đây từ rất sớm, nhưng khi đến nơi vẫn bị xếp số thứ tự 305. “Tôi nghe thông tin tới đây sẽ yêu cầu đổi GPLX sang vật liệu mới nên đi làm luôn, nhưng nhìn cảnh chen nhau thế này ớn quá”.

Chị Vương Quỳnh Thoa nhà ở Gia Lâm cũng đến từ sáng sớm để đổi GPLX cho biết: “Nghe nói nếu không đổi GPLX sang vật liệu mới sẽ bị xử phạt nên phải đi làm ngay. Đến đây đọc thông báo của Sở GTVT mới biết phải mấy năm nữa mới hết hạn. Nhưng đã đến rồi nên tôi tranh thủ làm luôn”.

Tại TP.HCM, ngày 28/11, ông Võ Trọng Nhân, Trưởng phòng Quản lý sát hạch đào tạo và cấp GPLX (Sở GTVT TP.HCM) cho biết, thành phố có 2,3 triệu GPLX nhưng còn 1,5 triệu GPLX ô tô chưa chuyển đổi. Mỗi ngày các địa điểm đổi GPLX tiếp nhận 3 nghìn hồ sơ, nhưng chỉ có 600 ô tô xin đổi GPLX, còn lại là xe gắn máy. “Lý do còn nhiều GPLX ô tô chưa đổi là do nhiều người lớn tuổi có bằng nhưng ngại đi đổi, họ xác định không lái ô tô nữa nên cũng bỏ luôn không đổi bằng mới. Hơn nữa, địa điểm đổi GPLX là trên toàn quốc, người dân có thể đến nơi nào gần và thuận tiện đi lại nên sẽ không gây quá tải tại các điểm này”.

Xem thêm video:

To view this video please enable JavaScript, and consider upgrading to a web browser that supports HTML5 video

Tại điểm cấp đổi GPLX của Sở GTVT Hưng Yên mấy tháng nay có hàng trăm lượt người đến làm thủ tục mỗi ngày. Tại điểm cấp đổi GPLX này, thông thường có 3 nhân viên làm việc nhưng do quá tải, Sở GTVT phải tăng cường 2 nhân viên. Dù đã hoạt động hết công suất, nhưng trước tình trạng người dân đổ về ngày một đông, chen chúc nên vẫn không kịp đáp ứng nhu cầu.

Đang điền thông tin hồ sơ, chị Nguyễn Thị Thùy Dương (xóm Vuông, TP Hưng Yên) cho biết, chị đến từ 9h sáng nhưng 15h vẫn chưa tới lượt vì lượng người đến đổi quá đông.

Gương mặt lộ rõ vẻ mệt mỏi, ông Tần Văn Lâm (50 tuổi, thị trấn Văn Giang, huyện Văn Giang) bộc bạch: “Đợi từ 10h sáng đến giờ nhưng cả 3 bố con đều chưa đến lượt”.

“Mỗi ngày chúng tôi phát hàng trăm số thứ tự nhưng do quá đông nên việc làm thủ tục không kịp”, ông Nguyễn Quang Phúc, Phó chánh văn phòng Sở GTVT Hưng Yên cho hay.

Tại Nghệ An, điểm cấp đổi GPLX của Sở GTVT ngay đầu giờ sáng đã đông nghẹt người. Do lượng người tới đổi GPLX quá đông nên lực lượng bảo vệ phải phân luồng từ xa. Nhiều trường hợp được hẹn lịch đến nộp hồ sơ vào buổi chiều vì đã hết hồ sơ. Có người phải quay về vì không đủ kiên nhẫn chờ đợi. Ông Đinh Văn Nam, Trưởng phòng Quản lý phương tiện và người lái (Sở GTVT Nghệ An) cho biết, đến thời điểm này việc đổi GPLX ô tô các hạng đã đạt 98%. Thế nhưng, hiện bình quân mỗi ngày đều có trên 250 người đến Sở làm thủ tục đổi GPLX, chủ yếu là đổi GPLX mô tô. Trong khi khả năng tiếp nhận của Sở chỉ tối đa 200 hồ sơ/ngày. Chính vì vậy, hiện tượng quá tải xảy ra tại nơi làm thủ tục tiếp nhận hồ sơ.

Tương tự tại Hà Tĩnh, từ hơn 1 tháng nay, lượng người đến Sở GTVT làm thủ tục cấp đổi GPLX cũng tăng đột biến nên xảy ra tình trạng chen lấn, xô đẩy. Theo ông Lê Quốc Anh, Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Tĩnh, lượng người đến đổi GPLX tăng gấp 2-3 lần, mỗi ngày có tới 250-300 người đến làm thủ tục, trong đó 2/3 là đổi GPLX hạng A1”.

Người dân làm thủ tục cấp đổi giấy phép lái xe tại 16 Cao Bá Quát, Hà Nội - Ảnh: Hải Anh

Còn lâu mới đến hạn cuối đổi GPLX mô tô

Để giải quyết tình trạng quá tải tại các điểm cấp đổi GPLX, các Sở GTVT đang phải gồng mình giải quyết cho người dân. Chánh văn phòng Sở GTVT Hà Tĩnh cho biết, Sở đã phải điều động thêm các cán bộ từ bộ phận văn phòng và phòng vận tải sang hỗ trợ công tác tiếp nhận hồ sơ, nhập liệu nhưng vẫn không đáp ứng hết nhu cầu của người dân. Nhiều khi Phó văn phòng Sở cũng được điều động hỗ trợ, tránh tình trạng người dân chen lấn, xô đẩy. Ngoài ra, Sở cũng phối hợp với các cơ quan báo, đài truyền hình của tỉnh tuyên truyền cho người dân nắm rõ lộ trình đổi GPLX sang mẫu mới đối với từng hạng, tránh việc hiểu lầm thời hạn cấp đổi.

Phó tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN Phan Thị Thu Hiền vừa có văn bản gửi Sở GTVT các tỉnh, thành phố trực thuộc T.Ư đề nghị quan tâm chỉ đạo tăng cường công tác tuyên truyền và triển khai các giải pháp thực hiện nghiêm túc lộ trình GPLX. Văn bản cho biết, số lượng người có nhu cầu đổi GPLX tiếp tục tăng cao tại bộ phận tiếp nhận hồ sơ của nhiều Sở GTVT dẫn đến tình trạng quá tải, người dân phải đi lại nhiều lần gây bức xúc. Văn bản này cũng một lần nữa yêu cầu các Sở GTVT tăng cường công tác tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết công khai tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ để người dân biết và thực hiện lộ trình đổi GPLX bằng giấy bìa sang vật liệu PET.

Ông Dương Văn Đông, Phó giám đốc Sở GTVT Đồng Nai cũng cho biết: “Trước đây xảy ra tình trạng quá tải tại điểm cấp đổi GPLX nên Sở GTVT đã lập thêm 6 điểm cấp đổi GPLX trên địa bàn tỉnh Đồng Nai. Sở đã phối hợp với bưu điện tỉnh thực hiện việc cấp, đổi GPLX cho người dân. “Theo lộ trình các loại GPLX ô tô sẽ hết hạn cấp đổi vào ngày 31/12/2016. Đối với các loại GPLX khác, thời hạn là đến cuối năm 2020 nên người dân yên tâm và sắp xếp thời gian hợp lý để hoàn tất việc cấp GPLX”, ông Đông khuyến cáo.

Để giải quyết tình trạng quá tải, Sở GTVT Hưng Yên cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh đặt hai điểm cấp đổi GPLX khác tại huyện Mỹ Hào và Ân Thi. Tại hai điểm này đều đã lắp đặt hệ thống camera theo dõi 24/24h quá trình tiếp nhận hồ sơ cho người dân do chính nhân viên bưu điện thực hiện. Sau đó, nhân viên bưu điện sẽ hoàn tất các thủ tục trên phần mềm rồi chuyển về Sở để hoàn thiện các thủ tục còn lại. Ngoài ra, Sở GTVT Hưng Yên cũng tiếp nhận hồ sơ đăng ký làm thủ tục cấp đổi GPLX qua mạng để hạn chế tình trạng quá tải tại các điểm tiếp nhận. “Với tốc độ này chỉ hết năm 2017, Hưng Yên sẽ thực hiện xong thủ tục về cấp đổi GPLX cho cả ô tô và mô tô. Tuy nhiên, để không mất thời gian, gây ùn ứ tại các điểm cấp đổi GPLX, người dân trong thời gian này không nên đổ xô đi đổi GPLX mô tô bởi thời gian cấp đổi GPLX này còn rất dài”, Phó chánh văn phòng Sở GTVT Hưng Yên cho biết.

Trao đổi với Báo Giao thông, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ VN cho biết, Tổng cục Đường bộ VN đã tăng cường tuyên truyền về lộ trình đổi GPLX từ bìa cứng sang vật liệu PET. Theo đó, chỉ GPLX ô tô (hạng B1, B2) và GPLX hạng A4 mới phải đổi trước ngày 31/12/2016. Còn GPLX mô tô - xe máy (hạng A1, A2, A3) phải đến ngày 31/12/2020 mới là thời hạn cuối. “Hiện nay, Tổng cục đã thống kê những tỉnh nào nhu cầu đổi GPLX của người dân cao, yêu cầu Sở GTVT phải tăng cường cán bộ, chuyên viên, bố trí làm thêm giờ, mở thêm các điểm đổi GPLX cho người dân”, ông Huyện nói.

Nhóm P.V

Nguồn Giao Thông: http://www.atgt.vn/do-xo-di-doi-gplx-do-hieu-sai-lo-trinh-d178331.html