Đỏ 'tre' - người phù phép' gốc tre thành những tác phẩm nghệ thuật

Những gốc tre khô khốc, xù xì tưởng như chỉ làm củi đun, thế nhưng dưới đôi bàn tay của nghệ nhân Huỳnh Văn Đỏ ở TP. Hội An (Quảng Nam) đã 'biến' gốc tre trở lên có hồn thành những tác phẩm nghệ thuật.

Nghệ nhân Huynh Văn Đỏ bắt đầu với công việc là thợ chạm khắc gỗ ở làng mộc Kim Bồng khi còn trẻ, tình cờ trong cơn lũ lịch sử năm 1999, lúc dọn dẹp tránh lũ, anh nhặt được gốc tre trôi theo dòng nước lũ. Nhặt gốc tre ấy về, anh mày mò đục đẽo, khắc chạm trên gốc tre ấy như bản năng nghề. Hơn 30 năm theo nghề, đến nay nghệ nhân Đỏ đã cho ra đời nhiều tuyệt phẩm, thậm chí mỗi một tác phẩm thăng hoa, nhập tâm như đến độ đang "lên đồng".

Cũng chính vì thế, anh được gắn với biệt danh "Đỏ tre" trong giới điêu khắc. Hiện nay nghệ nhân điêu khắc gốc tre Huỳnh Phương Đỏ sống và làm việc ở TP. Hội An, tỉnh Quảng Nam. Anh được coi là "cha đẻ", tiên phong với nghệ thuật điêu khắc, sáng tạo, thổi hồn vào những gốc tre tưởng chừng vô tri để biến thành các tác phẩm điêu khắc thủ công mỹ nghệ giàu tính thẩm mỹ .

Mới đây, trong chương trình “Sắc thái văn hóa Hội An” tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam, TP. Hà Nội nghệ nhân Huỳnh Văn Đỏ khiến du khách Thủ đô cuốn hút bởi đôi bàn tay chạm khắc điêu luyện cùng với cách trình diễn vô cùng bắt mắt.

Đủ các tư thế đứng, ngồi, quỳ… cùng với những động tác vô cùng chính xác và tinh xảo nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ chỉ trong thời gian ngắn đã biến những gốc tre khô khốc, xù xì thành những tác phẩm nghệ thuật với những gương mặt, chân dung bộc lộ đủ mọi cung bậc cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố.

Cùng chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật với những gương mặt, chân dung bộc lộ đủ mọi cung bậc cảm xúc.

Chia sẻ với PV, nghệ nhân Huỳnh Văn Đỏ cho biết: “Mỗi tác phẩm là một lần tôi cảm nhận, chiêm nghiệm và đặt tâm huyết vào để tạc, chính vì thế mỗi tác phẩm là một chân dung khác biệt, độc đáo, thể hiện chân thật nhất những gì mà tôi cảm nhận được về nhân vật"

Mỗi gốc tre có một hình dáng, kích thước khác nhau, nên khi tạo hình, tôi phải hiểu về nhân vật, rồi phải điều chỉnh từng đường chạm trổ, đục khắc để uyển chuyển theo hình dáng gốc tre mà vẫn ra được thần thái của nhân vật. Tôi cố gắng tận dụng phần rễ để khắc họa thành bộ râu của những bức chân dung, bức tượng thật sống động, mềm mại”, nghệ nhân Huỳnh Văn Đỏ nói.

Chỉ trong vòng 1-2 giờ đồng hồ nghệ nhân Huỳnh Văn Đỏ đã “phù phép” những gốc tre khô cằn cỗi, bỏ đi thành những tác phẩm điêu khắc sống động, giàu tính thẩm mỹ.

Vừa tỉ mẩn đẽo gọt, cặm cụi chặm trổ gốc tre, nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ chia sẻ về nghề: Để tạo nên một tác phẩm hoàn chỉnh bằng gốc tre cần thực hiện khá nhiều công đoạn phức tạp. Trong đó phải thường xuyên đi đến nhiều vùng quê khảo sát, đặt mua các gốc tre để tạc tượng. Theo kinh nghiệm dân gian và thực tế làm nghề của ông, tre mọc ở vùng đất cát thì rễ dài, gai nhiều, tre mọc ở vùng đất thịt hoặc đất sét thì rễ ngắn, cứng cáp. Khi đào gốc tre xong thì phải xử lý, bảo quản theo phương pháp dân gian truyền lại như gốc tre đem về được tách tạo dáng, ngâm bùn khoảng 9 tháng rồi làm sạch, phơi nắng tầm 10 ngày để cứng hơn, tránh mối mọt.

Theo nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ mỗi gốc tre mang một dáng vẻ riêng nên đòi hỏi bàn tay khéo léo và con mắt sáng tạo của người nghệ nhân cần căn chỉnh sao cho phù hợp với hình dáng của những gốc tre tưởng chừng vô tri ấy. Đặc biệt khi tạo hình người nghệ nhân cũng cần am hiểu về các nhân vật được tạo hình trên gốc tre để làm nổi bật lên thần thái và đặc trưng riêng của mỗi hình tượng.

Thường nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ thành phố Hội An hay lựa chọn những ông Phật, Thần trong văn hóa Việt Nam, đặc biệt là Tam Đa: Phúc - Lộc - Thọ, những vị phật mang ý nghĩa giàu sang, may mắn, trường thọ trong văn hóa phương Đông.

Một tác phẩm từ gốc tre có giá ở mức 200 nghìn - 1 triệu đồng tùy theo độ cầu kỳ, kích thước.

Với đôi bàn tay khéo léo cùng sự nhiệt huyết của mình mấy chục năm qua nghệ nhân Huỳnh Phương Đỏ đã biến hàng nghìn gốc tre vô tri, vô giác bỗng chốc hóa thành những tác phẩm nghệ thuật.

Tuấn Anh

Nguồn SK&ĐS: https://suckhoedoisong.vn/do-tre-nguoi-phu-phep-goc-tre-thanh-nhung-tac-pham-nghe-thuat-169240303101057665.htm