Đô thị phong quang nhờ ngầm hóa đường điện, cáp viễn thông

Nghị quyết số 06-NQ/TƯ ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 06) yêu cầu thực hiện ngầm hóa toàn bộ các đường dây, cáp dịch vụ công cộng tại đô thị. Hiện thực hóa mục tiêu này, các ngành, địa phương và doanh nghiệp (DN) trong tỉnh tích cực vào cuộc.

Ưu tiên nguồn lực

Cụ thể hóa Nghị quyết số 06 và Kế hoạch số 51-KH/TU ngày 5/4/2022 của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Bắc Giang về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, ngày 2/6/2022, UBND tỉnh ban hành Kế hoạch số 325/KH-UBND. Kế hoạch xác định sẽ thực hiện ngầm hóa, bó gọn đường dây, cáp viễn thông đi nổi tại đô thị cũ. Đối với khu đô thị (KĐT), khu dân cư (KDC) mới, thực hiện ngầm hóa toàn bộ theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hiện hành của ngành điện, viễn thông.

Đường Nguyễn Thị Lưu 2, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) khang trang sau khi ngầm hóa đường dây, cáp viễn thông.

Đường Nguyễn Thị Lưu 2, phường Ngô Quyền (TP Bắc Giang) khang trang sau khi ngầm hóa đường dây, cáp viễn thông.

Trước đó, trong kế hoạch ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp quang thông tin trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, UBND tỉnh xác định trong giai đoạn này, bằng nguồn vốn của Nhà nước (áp dụng tại các KĐT, KDC xây mới), DN viễn thông, nguồn vốn xã hội hóa và các nguồn hợp pháp khác sẽ thực hiện chỉnh trang, bó gọn dây dẫn 43 tuyến đường với tổng chiều dài 46,97 km, ngầm hóa 41 tuyến khác với tổng chiều dài 145,85 km trên địa bàn TP Bắc Giang. Tại các địa phương khác, cùng với duy trì kết quả ngầm hóa, chỉnh trang của giai đoạn 2017-2020 sẽ phấn đấu chỉnh trang, bó gọn thêm 20-30 km cáp viễn thông; đồng thời thực hiện nghiêm việc ngầm hóa tại các khu công nghiệp, KĐT, KDC.

Căn cứ vào chỉ đạo của Tỉnh ủy, kế hoạch của UBND tỉnh, các ngành, địa phương linh hoạt, chủ động bố trí nguồn lực thực hiện. Tại TP Bắc Giang, UBND TP giao Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng chủ trì, phối hợp với Công ty cổ phần Quản lý công trình đô thị Bắc Giang, Công ty Điện lực Bắc Giang rà soát, cắt bỏ dây dẫn đi nổi không bó gọn và hạ ngầm theo quy định.

Thống kê từ năm 2017 đến nay, trên địa bàn có 41 tuyến đường trục chính với tổng chiều dài khoảng 50,41 km dây cáp thuộc đô thị hiện hữu được hạ ngầm; đang thi công 6 tuyến với tổng chiều dài 6 km. Với trách nhiệm của mình, DN viễn thông ưu tiên bố trí nguồn lực ngầm hóa đường dây, cáp viễn thông.

Theo đó, từ năm 2021 đến nay, Tập đoàn Bưu chính viễn thông Việt Nam bố trí hơn 4,6 tỷ đồng ngầm hóa đường dây 17 tuyến đường tại TP Bắc Giang và các huyện: Tân Yên, Yên Dũng với tổng chiều dài 19,36 km; đầu tư hơn 2,2 tỷ đồng bó gọn 14 tuyến cáp khác. Tương tự, từ năm 2018 đến nay, Tập đoàn Viettel dành 29,1 tỷ đồng để ngầm hóa đường dây tại 31 KDC, KĐT, khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh với tổng chiều dài cáp quang được hạ ngầm là 111,6 km. Cùng đó hạ ngầm 32,2 km tại các tuyến đường trung tâm của TP Bắc Giang và đường Lê Đức Trung, thị trấn Nham Biền (Yên Dũng).

Chủ động bố trí nguồn vốn thực hiện

Theo thống kê của Sở Thông tin và Truyền thông, đến nay Sở đã thẩm định, tham gia thẩm định 272 dự án KĐT, KDC, khu nhà ở, công trình đường giao thông và khu, cụm công nghiệp có nội dung ngầm hóa và chỉnh trang mạng cáp thông tin. Kết quả, toàn tỉnh đã ngầm hóa, chỉnh trang 711,36 km dây cáp viễn thông.

Toàn tỉnh đã ngầm hóa, chỉnh trang 711,36 km dây cáp viễn thông. Một số địa phương ngầm hóa nhiều như: Việt Yên 63,1 km, TP Bắc Giang 50,41 km, Tân Yên 27,8 km, Lạng Giang 25,6 km, Yên Dũng 24,4 km…

Một số địa phương ngầm hóa nhiều như: Việt Yên 63,1 km, TP Bắc Giang 50,41 km, Tân Yên 27,8 km, Lạng Giang 25,6 km, Yên Dũng 24,4 km… Mặc dù vậy, kết quả ngầm hóa so với thực tế các tuyến đường cần phải hạ ngầm còn hạn chế; một số đơn vị xây dựng kế hoạch còn chậm, có nơi chưa xây dựng kế hoạch 2021-2025 nên không có căn cứ để triển khai ngầm hóa; một số DN, nhà mạng chưa quan tâm dành nguồn lực cho việc hạ ngầm…

Thực tế cho thấy, dù việc hạ ngầm đường dây, cáp viễn thông sẽ tốn thêm chi phí, không mang lại lợi ích tức thì cho DN song về lâu dài sẽ góp phần hạn chế các rủi ro như: Cháy nổ, đứt, đổ đường dây do thiên tai..., giảm chi phí bảo dưỡng, sửa chữa, khắc phục sự cố; đồng thời mang đến diện mạo mới cho đô thị. Để tiếp tục ngầm hóa, hoàn thành mục tiêu theo yêu cầu của Nghị quyết 06 cũng như kế hoạch của Tỉnh ủy, UBND tỉnh, Sở Xây dựng tham mưu UBND tỉnh ban hành văn bản chỉ đạo về việc quản lý kiến trúc, xây dựng công trình phía sau 2 dãy nhà và không gian đầu hồi giữa 2 dãy nhà tại các dự án KĐT, KDC, khu nhà ở.

Trong đó có nội dung đưa các công trình hạ tầng kỹ thuật (hệ thống thu gom nước thải, đường ống cấp nước, đường dây điện hạ thế 0,4kV và đường dây thông tin liên lạc) vào trong tuy-nen hoặc hào kỹ thuật bố trí phía sau 2 dãy nhà và đầu hồi giữa 2 dãy nhà. Đến nay đã có 50 dự án KDC, KĐT mới (vốn đầu tư của DN) đang triển khai theo phương án này, 50 dự án khác đã được thẩm định phương án.

Mục tiêu từ tháng 6/2023 đến hết năm 2025, toàn tỉnh ngầm hóa, chỉnh trang đường dây, cáp viễn thông 280,69 km. Để hoàn thành, Sở Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp chặt chẽ với các sở, ngành liên quan và UBND các huyện, TP chỉ đạo, hướng dẫn DN thực hiện việc ngầm hóa. Các địa phương xác định rõ lộ trình, lựa chọn các tuyến trọng điểm thực hiện trước; DN viễn thông, điện lực cần chủ động bố trí nguồn lực thực hiện và cần sự đồng thuận của người dân” .

Bài, ảnh: Sỹ Quyết

Nguồn Bắc Giang: http://baobacgiang.com.vn/bg/chinh-tri/xay-dung-dang/412809/do-thi-phong-quang-nho-ngam-hoa-duong-dien-cap-vien-thong.html