Đô thị hóa nông thôn: Có vui nhưng chẳng ít buồn

Làng quê cùng đất nước đang chuyển mình. Cái làng Việt ngàn năm đi vào thơ ca, đẹp mộc mạc, thân thương mà gần gũi giờ đang đứng trước thách thức của vòng xoáy đô thị đến chóng mặt. Làm thế nào để giữ được giá trị văn hóa tinh thần truyền thống? Giữ cho được cái quý, cái riêng của kiến trúc làng? Giữ cho được bầu không khí trong lành đặc trưng của làng quê mà không bị ô nhiễm bởi tốc độ đô thị hóa đang như “bệnh dịch” lây lan, hoành hành?!

Khi nói về những vấn đề này, hai nhà văn quân đội: Đại tá, nhà văn Chu Lai, và Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương, cùng GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính đã không khỏi chạnh lòng về vùng quê chỉ còn lưu giữ trong ký ức…

Nhà cao tầng trong làng.

Nhà văn Chu Lai: Xót xa nhưng vẫn phải ý thức, đây là quy luật tất nhiên

Nhà văn Chu Lai hùng hồn nói: "Hình ảnh các biểu tượng về làng quê đang xộc xệch. Hơi thở đô thị tràn về làm đô thị hóa, hưởng thụ hóa, vật chất hóa làng quê. Về làng quê bây giờ thấp thoáng một góc của đô thị, cũng có karaoke, mátxa, cơm bụi. Các chàng trai, cô gái ở nông thôn không sống nổi trong lũy tre làng, phải tràn về đô thị và khi về quê mang theo hơi thở đô thị. Tiếng ru "à ơi" không còn. Cảm nghĩ về lũy tre làng mất đi. Triền đê lộng gió, cánh diều vi vút bay, những dòng sông xanh, những cánh đồng lúa chín không tạo nên cảm hứng cho tuổi trẻ. Cảm hứng của bọn trẻ là công ăn, việc làm ở đô thị. Là con đại lộ. Là dự án chạy qua xóm thôn. Là buôn bán bất động sản...".

Nhà văn trầm ngâm, tiếc nuối: "Giờ, về quê kiếm một thôn nữ thật khó khăn. Mà ngược lên miền núi tìm hình ảnh nữ sơn cước cũng khó lắm".

Nhưng rồi như người chợt tỉnh giấc mơ, ông lại sốt sắng bảo: Nhưng không thể vì vóc dáng mơ màng vì một thời hồng hoang thôn quê, cây đa, bến nước sân đình để cuộc sống cứ heo hút như ngày xưa. Một đứa trẻ không có nổi tiền để ăn một tô phở. Một cô gái đi làm đồng là cứ còng lưng trên ruộng. Bây giờ người dân có thể đi xe máy ra làm đồng, điện thoại di động bấm chiu chíu.

Theo nhà văn “sặc mùi khói lửa” này thì cây đa, bến nước, sân đình rất ấn tượng với ông, và cho dù, không gian, cảnh quan của làng quê thay đổi, nhưng thẳm sâu bên trong vẫn ít nhiều giữ hồn cốt hương đồng gió nội. Vào những buổi chiều tà, cảm thấy ngột ngạt không khí ô hợp của thành phố đông đúc, chật chội, ông lại khao khát muốn tìm lại hình ảnh thôn quê. Nhà văn kể, ông một mình rong ruổi đi xe ra ngoại thành. ông nhìn thấy ụ rơm và hương rơm bay vào trong xe có thể sung sướng trào nước mắt.

Nông thôn ư? Thành thị ư? Cái giá trị ấy đang rục rịch chuyển động. Bây giờ trong những bữa ăn của nhà giàu, trong những bữa tiệc của đại gia thì thường tìm về những món quê mùa, ốc chuối, rau muống xào tỏi, canh riêu cua, cà pháo, chứ không phải chim tần cá gỏi đâu. Đàn ông, trai trẻ bây giờ thường tìm những ánh mắt thôn nữ để bộc lộ tình yêu. Và con trai Hà Nội đang muốn về quê lấy vợ. Dường như vẻ thôn nữ đó nó có vẻ nồng nàn hơn. Rơm rạ tro trấu hợp với hôn nhân gia đình.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Phương: Kiến trúc thôn quê nhạt nhẽo quá

"Kiến trúc thôn quê Việt Nam hiện nay không có gì ấn tượng, để khách quốc tế đến thấy đất nước này, nông thôn vùng này phải khác với nông thôn vùng kia. Nhà sàn đặc trưng cho dân tộc miền núi phải giữ chứ. Mà không phải nhà sàn chỗ nào cũng giống nhau. Nhà sàn Tây Bắc nên khác nhà sàn Việt Bắc. Nhà sàn của người êđê khác nhà sàn của người Khu V. Phải có màu sắc riêng của từng vùng miền chứ. Đáng lẽ, trong xây dựng kiến trúc nhà của dân tộc Chàm khác, Nùng khác. Thổ khác, Tày khác, Kinh khác. Mà Kinh thì Kinh Nam Định khác, Kinh trong Đà Nẵng khác. Tất cả những điều đó phải có sự chỉ đạo. Bây giờ mạnh ai nấy làm. Có tiền là làm. Kiến trúc tự phát. Tôi nghĩ về sau hối lại không kịp…". Khi nói về sự chuyển mình của làng quê, nhà văn Hồ Phương đã tỏ ra bức xúc bằng những câu đầu tiên như vậy.

Mỗi một con người ai cũng có quê. Và quê là mạch nguồn cảm xúc vô ngừng, vô tận. Dường như nghĩ về quê ai cũng nặng lòng hơn, bịn rịn, khắc khoải hơn và cũng chính vì thế sự đồng cảm được nhân lên gấp bội. Sau những chuyến bươn bả về nguồn tại xã Kiến Hưng, cách Hà Đông 2 cây số, mà giờ đây, Hà Đông đã sáp nhập, trực thuộc TP Hà Nội. Nhà văn quân đội, Thiếu tướng Hồ Phương buồn rầu nói: "Kiến Hưng quê tôi, giờ xây mấy nhà hộp giống như nhà ở phố rồi. Tôi về quê mà buồn quá. Cánh đồng mênh mông khi xưa có những gò đống rất đẹp. Ngày tết, chúng tôi thường về quê ra đồng, đi tảo mộ, thích lắm. Trong làng, lũy tre xanh bát ngát, xa xa thấp thoáng ngôi đình, mái chùa, một tín ngưỡng văn hóa tâm linh của người Việt có tự bao đời, cổ kính, trang nghiêm. Bây giờ đình, chùa bé teo đi, lọt thỏm, vì xung quanh là những nhà cao tầng ngất ngưởng che lấp. Cảnh quan của làng quê bị phá vỡ nghiêm trọng".

Nhà văn ngưng lời, ông cảm thấy chán bởi giờ về quê không khác gì đang ở phố, nhà nào nhà nấy cứ đua nhau cơi nới, cất thêm cao. Nhà cao thì 5-7 tầng. Nhà thấp cũng 3-4 tầng. Kiểu dáng lòe loẹt, phô trương, màu sắc sặc sỡ, diêm dúa. Người nông thôn, dù không còn chân lấm, tay bùn, không cày thuê, cuốc mướn, có điều nông dân vẫn đích thị là nông dân. ông bảo, người nông dân có nhiều đặc tính quý nhưng tầm mắt về văn hóa cũng còn nhiều hạn chế. Chả trách, người thành phố về quê nhìn nhà to, sân to, xà cột gỗ lim, cả tư gia hoành tráng, vẫn ngao ngán lắc đầu: "Cứ có tiền vào là xây. Mỹ quan của mấy ông nông dân quê lắm". Để xây được nhà to thì phải có tiền, hàng trăm triệu, có khi ngót nghét cả tỉ, hoặc hơn. Vậy thì tiền ở đâu? "Tiền bán đất chứ còn ở đâu" - nhà văn quân đội rầu rĩ nói. Người dân cứ có tiền là xây. Kiến trúc tự phát. Người dân bán đất có tiền, không còn phải thắt lưng, buộc bụng. Họ dư giả xây nhà 3 tầng, 4 tầng. Vậy thì ai thích vẽ hình gì thì vẽ vào ngôi nhà ấy. Có ai cấm đoán đâu.

Tuy nhiên, xu hướng phát triển tất yếu của làng quê Việt Nam, nhà văn cũng khẳng khái bộc bạch: "Tôi ủng hộ sự thay đổi. Tôi không phản đối vì đời sống cần phải liên thông. Cuộc sống phải khá hơn. Nhà cửa phải được xây dựng chứ cứ với mái tranh nghèo, cây tre, gốc mít là cổ rồi. Phải nhìn xu thế lâu dài của một đất nước, một dân tộc, không chỉ sống mãi với cái võng, cây tre, chiếc quạt nan. Thời đó đã lùi vào quá vãng, chỉ sống trong kỷ niệm của chúng ta được thôi. Nông thôn trên thế giới cũng thay đổi cả rồi".

Theo ông đâu có cần phải giữ lại những nhà tre lá mà phải thay vào nhà ngói, vẫn giữ được phong cách kiến trúc nông thôn Việt Nam. Đáng lẽ đấy là công trình nghiên cứu rất sâu, nhà nước phải đặt ra sớm hơn nữa, phải có công trình sớm hơn nữa cho các giới kiến trúc sư để có mẫu quy hoạch nông thôn. Bây giờ có tình trạng là cứ mạnh vùng nào là vùng nấy làm. Rồi cứ thế cho xây dựng hàng loạt ngôi nhà giống nhau.

Làng quê Việt Nam, từ đường đê được đổ bê tông, đường làng được rải nhựa thì tốt. Nhưng những ngôi nhà ở chân núi mà cao 3-4 tầng, trông không ổn chút nào. Theo nhà văn Hồ Phương, kiến trúc nông thôn cần phải có quy hoạch tổng thể. Mỗi vùng phải có vẻ đẹp đặc trưng của vùng đó. Phú Thọ là vùng cọ thì ngôi nhà phải mang dáng dấp để thích hợp với rừng cọ. Bất Bạt là vùng đất đá ong thì quy hoạch kiến trúc phải ra sao? Vùng quê của Bất Bạt nên khác với vùng quê Kiến Hưng. Vùng quê của miền Bắc khác với vùng quê của miền Nam. ông thở dài: "Tôi thấy kiến trúc thôn quê nhạt nhẽo quá…".

Hình ảnh đô thị hóa nông thôn như thế này đang tự phát ở nhiều nơi.

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính (Phó Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam): Người nông dân ít có lỗi…

GS-TS-KTS Hoàng Đạo Kính một người đau đáu với kiến trúc truyền thống thôn quê. Ông đã không ít lần lên tiếng về vấn đề di sản văn hóa cần được bảo tồn và trùng tu. Mà, xem cho cùng, kiến trúc nông thôn cũng được xem là một dạng văn hóa phi vật thể không thể bị mai một, hay biến mất.

Thời mở cửa, kinh tế cũng được ít nhiều cải thiện, người dân quê muốn bắt kịp đời sống hiện đại nơi phố thị. Mặc dù sinh ra ở quê, nhưng có mấy ai lại thích gọi là "người nhà quê". Có tiền, người ở quê ra phố vay mượn kiểu dáng phố thị. Từ nhà tranh, nhà ngói thành bê tông cốt thép, cao ngất ngưởng, bề thế, lạc lõng.

Nhà cửa san sát, chen chúc, cảnh đất chật người đông, mật độ dân số ở những nơi từng là làng nay cao không kém gì thành phố. Để đáp ứng với tốc độ đô thị hóa chóng mặt, nghiễm nhiên đất nông nghiệp vốn ít ỏi đã bị chuyển đổi mục đích, thành chung cư, nhà cao tầng, trụ sở các cơ quan, doanh nghiệp. Đất ở còn chen chân, lấy đâu chỗ cho những suy nghĩ lãng mạn, xa rời thực tế, kiểu như giữ lại vườn cây đẹp, bụi tre lâu năm hay cái ao để thêm chút màu xanh của thiên nhiên giữa cảnh đông đúc tù túng. Người ở quê ra phố mua nhà, người ở phố lại về quê tìm mua đất. Cái vòng luẩn quẩn dẫn đến những nơi vốn là làng, nay mua đất cất nhà, thúc giá đất lên cao chóng mặt, càng tiếp thêm lý do đẩy nhanh công cuộc biến làng thành phố.

Theo KTS Hoàng Đạo Kính, chúng ta có cả một bộ trông nom việc phát triển nông thôn. Có cả một viện quốc gia chuyên lo quy hoạch xây dựng nông thôn. Nhiều chủ trương, văn bản chỉ đạo hướng dẫn xây dựng nông thôn, nhiều tài liệu cung cấp mẫu nhà ở cho nông dân. ấy thế nhưng nông dân cứ ra tỉnh, vay mượn các kiểu nhà ở đó, rồi tùy tiện tùy sức của mình mà xây những ngôi nhà, nửa tỉnh nửa quê, ít khi tiện lợi. Họ xây nhà chưa đẹp lại còn lãng phí làm sao. Đáng lo ngại hơn, làng quê ta hiện nay đang lâm vào tình trạng ô nhiễm, chẳng hơn gì đô thị.

Với ông, người nông dân ít có lỗi. ông nói: "Chúng ta, những người làm chính sách, làm quy hoạch, làm kiến trúc…thực sự có lỗi với họ. Những chính sách đúng đắn, những ý tưởng tốt đẹp của chúng ta chưa hẳn có đường về với thôn quê, vượt qua rặng tre muôn thủa"

Nguồn ANTG: http://antg.cand.com.vn/vi-vn/ktvhkh/2011/9/76255.cand