Đo nồng độ cồn: Làm nghiêm nhưng đừng phản cảm!

Để kiểm soát nồng độ cồn hiệu quả, cần sự vào cuộc từ chính quyền đến người dân. Nếu chỉ giải quyết ở khâu đo nồng độ cồn thì không là giải pháp căn cơ

"Đo nồng độ cồn với người sử dụng phương tiện tham gia giao thông nhằm bảo đảm an toàn giao thông, giữ gìn trật tự xã hội. Đó là việc cần làm.

Tuy nhiên, đo cả ngày lẫn đêm và đo bất kỳ ai đang tham gia giao thông thì phải xem lại". Đó là ý kiến của PGS-TS Trương Văn Vỹ, chuyên gia về xã hội học tội phạm, giảng viên Trường ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn - ĐHQG TP HCM.

Đo nồng độ cồn: Giải quyết từ gốc

Theo PGS-TS Trương Văn Vỹ, cách làm hiện nay chưa mang tính tổng thể, chỉ là giải pháp tình huống, gây phiền toái cho người dân.

"Chúng ta cho phép cửa hàng bia rượu và các quán nhậu hoạt động rộng rãi nhưng lại "căng" đo nồng độ cồn đến mức người dân "sợ".

Như vậy là đang làm chuyện này nhưng lại phủ nhận chuyện khác. Cách làm này chưa đúng" - PGS-TS Trương Văn Vỹ khẳng định.

Cũng theo PGS-TS Trương Văn Vỹ, nếu muốn giảm tai nạn giao thông và để người dân chấp hành "Đã uống rượu bia, không lái xe". Cần cần xử lý tận gốc, bằng các giải pháp như hạn chế sản xuất rượu bia; đánh thuế cao mặt hàng này để hạn chế sự tiêu thụ...

Để kiểm soát nồng độ cồn hiệu quả, cần sự vào cuộc của cả hệ thống, từ chính quyền đến người dân. Nếu chỉ giải quyết ở khâu đo nồng độ cồn thì không là giải pháp căn cơ.

Luật sư Trần Minh Hùng, Trưởng Văn phòng Luật sư Gia Đình (TP HCM), nhìn nhận cao điểm ra quân đo nồng độ cồn thời gian qua đã phần nào giúp tuyên truyền tốt việc không lái xe sau khi uống rượu bia.

Đồng thời, xử lý được nhiều trường hợp vi phạm các quy định về tham gia giao thông đường bộ. Qua đó, góp phần giảm thiểu tai nạn giao thông, các tệ nạn xã hội, nâng cao ý thức người dân.

Tuy nhiên, việc lực lượng CSGT ra quân rầm rộ cũng gây ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống người dân cũng như kinh tế, xã hội. Nếu tình hình kéo dài có khả năng ảnh hưởng lớn đến kinh tế địa phương, đặc biệt là kinh tế đêm.

"Cách làm này chưa thực sự hợp tình, hợp lý. Cần tính toán thật kỹ lưỡng, cân nhắc đến nhiều yếu tố lợi ích kinh tế, xã hội để có cách làm phù hợp.

Đặc biệt cần có quy định hạn mức nhất định, đừng làm cứng nhắc kiểu cứ có nồng độ cồn thì phạt.

Hơn nữa, đối với người dân đi làm vào ban ngày, di chuyển qua lại giữa các quận, huyện nhưng cứ liên tục bị chốt chặn để kiểm tra nồng độ cồn dễ gây ùn tắc giao thông, ảnh hưởng đến giờ làm cũng như quyền lợi của người tham gia giao thông.

Phải mạnh tay xử lý các trường hợp vi phạm nồng độ cồn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông nhưng cần có cách làm đúng, có căn cứ khoa học" - luật sư Trần Minh Hùng phân tích.

CSGT TP HCM kiểm tra nồng độ cồn người điều khiển phương tiệnẢnh: Ý Linh

Nên điều chỉnh hợp lý đo nồng độ cồn

Bàn về việc CSGT ra quân cả ngày lẫn đêm kiểm tra nồng độ cồn, bạn đọc Báo Người Lao Động cũng đã có nhiều ý kiến tranh luận.

Khẳng định việc đo nồng độ cồn là cần thiết, dẫu vậy nhiều bạn đọc cho rằng cách làm hiện tại chưa phù hợp, ảnh hưởng đến cuộc sống nhiều người khi không uống mà vẫn bị bắt xếp hàng chờ đo nồng độ cồn.

Cần phải làm thật khoa học, hợp vệ sinh, có giới hạn nồng độ cồn, tránh lạm quyền.

"Theo tôi, những quy định nào liên quan đến phần lớn người dân và liên quan nhiều vấn đề về khoa học đều rất cần những phản biện của chuyên gia, dư luận xã hội và thực tế đời sống.

Không gì là hoàn hảo và tuyệt đối trong cuộc sống lẫn khoa học. Phạt say xỉn khi lái xe là quá đúng nhưng ví dụ ăn sô-cô-la vô tình có nhân dính chút rượu nhẹ mà bị phạt thì oan quá và rất có thể còn nhiều thứ khác nữa cũng "dính"!

Cho nên, nếu quy định, cách làm chưa phù hợp thì cần điều chỉnh" - bạn đọc Nam Chau đề nghị.

Bạn đọc Cong Dan cho rằng không phải bất cứ vụ tai nạn giao thông nào xảy ra đều do rượu bia. Cho nên khi thực thi cần có một thái độ, cách làm khoa học, tránh gây phiền hà cho người dân.

Ngoài ra, pháp luật phải nghiêm ở mọi lĩnh vực chứ không riêng gì rượu bia. Điển hình thuốc lá có Luật Phòng chống tác hại thuốc lá nhưng việc xử phạt người vi phạm thì chưa được quan tâm".

Bạn đọc có thể tham gia diễn đàn "Đo nồng cồn sao cho hiệu quả?" bằng cách gửi email qua địa chỉ: bandoc@nld.com.vn.

Phải vì một xã hội phát triển

Theo bạn đọc Nguyen Hoang, không nên bao biện mà phải chấp hành nghiêm chỉnh việc không lái xe sau khi sử dụng rượu bia.

"Làm thật mạnh mẽ, liên tục 1-2 năm, tôi tin rằng hành vi nhậu xong lái xe sẽ chấm dứt" - bạn đọc Nguyen Hoang viết.

Đồng quan điểm, bạn đọc Binh Bong cũng cho rằng không tạo tâm lý lúc nào cũng có người sẵn sàng kiểm tra thì làm sao người dân có ý thức?

Trước đây, ra đường không ai đội mũ bảo hiểm, nhờ có sự quyết tâm vào cuộc và kiểm tra thường xuyên mà nay việc ra đường đội mũ bảo hiểm đã thành thói quen.

Bạn đọc Thanh Hoang phân tích không ai cấm nhậu, không ai cấm quán nhậu. Nhậu không hoàn toàn xấu nhưng hành vi sau nhậu thì cần xem xét.

Cái gì là thói quen xấu thì nên bỏ và phải bỏ. Ở nhiều nước, người dân cũng nhậu nhưng tuyệt đối không ai dám ngồi sau tay lái khi đã uống.

"Vì sao muốn nhậu lại không dám kêu xe đưa đón? Chuyện nồng độ cồn này cần phải kiên quyết làm.

Đừng đổ vì công việc làm ăn, vì kinh tế khó khăn này nọ, làm cái cớ để cù nhầy. Tất cả phải vì một xã hội phát triển.

Các lý do đưa ra chỉ là bao biện, chống chế, nó không phục vụ cho xã hội mà chỉ giúp cho vài đối tượng, lại làm thiệt hại rất nhiều đối tượng khác" - bạn đọc Thanh Hoang thẳng thắn góp ý.

Anh Vũ - Huỳnh Hiếu ghi

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/lam-nghiem-nhung-dung-phan-cam-196231204204529141.htm