Đồ hiệu, hàng xa xỉ đổ bộ thế giới ảo metaverse

Quần áo ảo được mua và bán dưới dạng tài sản tiền điện tử (NFT). Với xu hướng chi tiền thật vào thời trang kỹ thuật số, các nhà mốt nổi tiếng đang gia nhập cuộc chơi mới mẻ này.

Mùa hè năm ngoái, thương hiệu Ralph Lauren cho ra mắt BST kỹ thuật số đầu tiên của mình trên nền tảng Zepeto. Khách hàng có thể chọn mua từ 50 mẫu quần áo để thay cho nhân vật ảo đại diện cho họ.

Trong vòng vài tuần, hơn 100.000 sản phẩm được bán ra. Giá mỗi món đồ dao động trong khoảng 0.57-2,86 USD, theo SCMP.

 BST của Ralph Lauren ra mắt trên Zepeto. Ảnh: SCMP.

BST của Ralph Lauren ra mắt trên Zepeto. Ảnh: SCMP.

Không giới hạn trong sân chơi của các game thủ, vũ trụ ảo metaverse đang chứng kiến làn sóng các thương hiệu tiêu dùng cho đến hàng xa xỉ như Ralph Lauren, Starbucks hay McDonald’s đổ bộ.

Theo ước tính của công ty tài chính JPMorgan, thị trường tiêu dùng này có thể đạt doanh thu hàng năm lên tới 1.000 tỷ USD.

Chạy đua vào metaverse

Theo Stefano Rosso, thành viên hội đồng quản trị của OTB Group, tập đoàn sở hữu các thương hiệu hàng may mặc như Diesel và Maison Margiela, metaverse sẽ đem lại nhiều cơ hội chuyển mình mạnh mẽ cho ngành công nghiệp thời trang.

“Các thương hiệu, nhà mốt cần nhanh chóng sẵn sàng cho cuộc chơi mới”, Rosso nói.

Rosso là giám đốc điều hành của Brave Virtual eXperience, một công ty con của OTB Group mới được thành lập vào tháng 11 năm ngoái, chuyên để nghiên cứu, đầu tư vào mảng metaverse.

Tính đến cuối năm nay, công ty sẽ triển khai khoảng 40 dự án, với dự án đầu tiên được triển khai vào tháng 3.

“Mục đích không chỉ là thu hút khách hàng mới mà còn nhằm mở ra một phương tiện mới để kết nối, trò chuyện với khách hàng”.

 Túi Dionysus của Gucci có giá bán hơn 4.000 USD trong thế giới ảo. Ảnh: Jing Daily.

Túi Dionysus của Gucci có giá bán hơn 4.000 USD trong thế giới ảo. Ảnh: Jing Daily.

Các tên tuổi lớn với tiềm lực tài chính lớn hơn cũng không bỏ qua “miếng bánh” tiềm năng.

Tháng 6 năm ngoái, Gucci bán một bộ phim dài 4 phút dưới dạng NFT (một dạng tài sản số) với giá 25.000 USD. Một tháng trước đó, chiếc túi ảo Dinoysus của nhà mốt này được trả 350.000 Robux - một loại tiền kỹ thuật số được sử dụng trên nền tảng Roblox.

Số tiền này tương đương với hơn 4.000 USD, nhiều hơn giá trị của chiếc túi thực ngoài đời.

Balenciaga, thương hiệu anh em của Gucci trực thuộc Kering Group, cũng kết hợp với trò chơi nổi tiếng Fornite. Trong đó, một số nhân vật trong game được mặc áo giáp, áo khoác và kính râm của nhãn hiệu này.

Prada, Adidas, Balmain và Dolce & Gabbana là những cái tên khác đang gia nhập vào thị trường này.

Hãng đồ thể thao khổng lồ Nike tiến thêm một bước vào metaverse bằng cách trả một số tiền không được tiết lộ để mua hãng thiết kế giày sneaker ảo có tên RTFKT. Nike cũng tạo ra môi trường kỹ thuật số của mình trên Roblox, nơi họ có thể thử nghiệm ra mắt sản phẩm mới với người tiêu dùng trước khi phát hành thực tế.

 Thời trang và mua sắm trong các cửa hàng ảo có thể là tương lai của ngành bán lẻ. Ảnh: Vice.

Thời trang và mua sắm trong các cửa hàng ảo có thể là tương lai của ngành bán lẻ. Ảnh: Vice.

Các công ty tiêu dùng khác từ Wal-Mart, Gap, Hulu, những gã khổng lồ viễn thông như Verizon, China Mobile, China Telecom, nhà sản xuất ô tô điện Xpeng, nhà chưng cất rượu Kweichow Moutai và thậm chí cả thương hiệu trà sữa Nayuki cũng tham gia cuộc đua.

Hầu hết phát hành NFT tương ứng với sản phẩm của mình.

Theo CMB International, quy mô của thị trường siêu tiêu dùng giai đoạn đầu dự kiến đạt 1.300 tỷ USD mà không cần vạch ra khung thời gian cụ thể. JPMorgan cho biết khoảng 54 tỷ USD đã được chi cho hàng hóa ảo mỗi năm, gần gấp đôi so với số tiền bỏ ra cho việc mua nhạc trực tuyến.

Rủi ro

Tuy nhiên, việc gia nhập vũ trụ ảo metaverse của các thương hiệu tiêu dùng không trải toàn hoa hồng.

Các mô hình bán hàng hiện tại không dễ phù hợp với thế giới ảo, ngay cả với những tập đoàn dồi dào tài chính nhất và tiên phong trong việc thúc đẩy.

Louis Vuitton, đối thủ cạnh tranh của Gucci, không có kế hoạch tung ra xa xỉ phẩm ảo nào trong thời gian tới.

 Tiền và khả năng sáng tạo không giới hạn khiến các thương hiệu thời trang hàng đầu không thể bỏ qua metaverse. Ảnh: Medium.

Tiền và khả năng sáng tạo không giới hạn khiến các thương hiệu thời trang hàng đầu không thể bỏ qua metaverse. Ảnh: Medium.

"Chúng tôi không quan tâm đến việc bán một đôi giày thể thao ảo với giá 10 USD. Metaverse là thế giới ảo. Hiện tại, chúng ta đang ở trong thế giới thực và chúng tôi muốn bán các sản phẩm thật với tiền thật", Bernard Arnault, ông chủ tập đoàn LVMH, cho biết hồi tháng 1 khi được hỏi về dự định đầu từ vào metaverse.

Metaverse cũng tạo ra một rủi ro tiềm ẩn cho các thương hiệu xa xỉ, đặc biệt là đối với các mô hình kinh doanh dựa vào tỷ suất lợi nhuận khổng lồ để hỗ trợ các chiến dịch tiếp thị, quảng bá xa xỉ phẩm của họ.

Việc thúc đẩy phát hành sản phẩm kỹ thuật số quá mạnh mẽ có nguy cơ biến thương hiệu thành một nhãn hiệu dành cho thị trường đại chúng, làm giảm giá trị của các món đồ hiệu có số lượng giới hạn.

Andrea Fenn, giám đốc điều hành của công ty tư vấn kỹ thuật số Adiacent China, tại Thượng Hải, cho biết: “Đây là một hoạt động phức tạp có thể gây bất lợi về lâu dài cho các thương hiệu lạm dụng nó. Nếu điều đó xảy ra, những thương hiệu xa xỉ cũng sẽ chịu ảnh hưởng xấu theo, khi khách hàng đều hướng về đồ ảo thay vì món đồ thực”.

Các nhà phân tích đánh giá sự phát triển trong tương lai của cơ sở hạ tầng ảo còn chưa chắc chắn, tùy thuộc vào việc liệu những tiến bộ công nghệ có thể cho phép thị trường hoạt động trơn tru hay không.

Ngoài ra, áp lực về mặt pháp lý có thể tăng lên vì giao dịch NFT không hợp pháp ở mọi nơi trên thế giới.

Hiền Thy

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/do-hieu-hang-xa-xi-do-bo-the-gioi-ao-metaverse-post1302391.html