Dở dang việc học vì cách giải quyết của người lớn

Sự việc xảy ra tại Trường THCS Lê Quí Đôn (TP Vĩnh Long). Chị Trần Thị Phương Tr. (42 tuổi, ngụ TP Vĩnh Long) phản ánh, con gái chị là Phùng Gia M. (học sinh lớp 9/5, Trường THCS Lê Quí Đôn) bị cô giáo bộ môn Toán 'đì' vì không chịu học thêm ngoài giờ.

Trong học kỳ 1 (niên học 2015-2016), nữ sinh M. thường ngủ dậy trễ để không đến trường. Ban đầu gia đình nghĩ nữ sinh bị chứng rối loạn giấc ngủ nên báo cho cô giáo chủ nhiệm xin phép. Sau vài lần, cô chủ nhiệm báo lại cho gia đình nữ sinh xin giấy xác nhận của bác sĩ rồi làm đơn cho M. nghỉ học, năm sau học lại.

Nghe cô chủ nhiệm nói như vậy, tôi rất hoang mang. Con gái thì nhất quyết không chịu đi học. Gia đình chưa biết thế nào thì giáo viên cùng cán bộ phường đến nhà vận động cho con tôi đi học và ghi biên bản. Tôi thấy sự việc có gì kỳ lạ, không đúng. Con gái tôi, có thể sức khỏe kém chứ đâu phải mắc bệnh ngặt nghèo đến nỗi phải nghỉ học. Vì đây là năm cuối cấp, việc học tập của cháu rất quan trọng”, chị Tr nói.

Theo lời chị Tr., qua tìm hiểu, sở dĩ con gái của chị không đến trường học là do mặc cảm với bạn bè vì bị cô giáo xúc phạm trước lớp. M. kể với gia đình, trong giờ học môn Toán đã bị giáo viên bộ môn kêu đứng lên lớp chỉ trích việc copy bài của bạn học. M. khẳng định không quay cóp bài của ai thì cô giáo kêu cả lớp nhìn vào, rồi chỉ tay nói: “Ê, tụi bây nhìn kỹ mặt con này đi, nó copy đẳng cấp. Đề “A, B” mà nó cũng copy được, đẳng cấp thiệt”.

Theo gia đình, từ chuyện này, M. bị bạn bè trêu chọc và mặc cảm nên luôn tìm lý do không đến trường. Chị Tr. cho rằng, chuyện con gái bị “đì” môn Toán là bởi không đi học thêm ngoài giờ của giáo viên bộ môn.

Sau đó, vợ chồng chị Tr. nhiều lần tìm đến trường gặp giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn và hiệu trưởng để giải quyết chuyện học tập của M.; đồng thời mong muốn làm rõ việc con gái kể bị cô giáo bộ môn Toán xúc phạm trên lớp.

Vì cách giải quyết của người lớn đã không tìm được tiếng nói chung nên nữ sinh lớp 9 phải dở dang việc học. (Ảnh mang tính chất minh họa).

Qua các buổi làm việc, cả phụ huynh, giáo viên bộ môn cùng với lãnh đạo nhà trường đều không tìm được tiếng nói chung. Cô Nguyễn Thị Tiến, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Quí Đôn cho biết, từ tuần học đầu tiên (ngày 29-8-2015) đến ngày 6-11-2015, nữ sinh M. nghỉ học 27 ngày (cộng gộp lại). Đến ngày 13-11-2015, M. nghỉ học đến 33 ngày nên phụ huynh đến trường gặp Ban Giám hiệu trình bày sự việc.

Nhà trường đã làm việc với giáo viên chủ nhiệm, giáo viên bộ môn Toán và phụ huynh để nắm tình hình, tìm cách giải quyết. “Cô T. (cô giáo bộ môn) có đăng ký dạy thêm ở trung tâm bên ngoài. Phụ huynh cho rằng, cô T. có lời nói xúc phạm đến học sinh vì không chịu học thêm. Qua làm việc với lãnh đạo nhà trường, cô T. khẳng định là không có việc này”, cô Tiến cho biết.

Sự việc kéo dài, đến ngày 30-1-2016, nữ sinh M. nghỉ học quá 45 ngày và không đủ điều kiện lên lớp. Chị Tr. bức xúc: “Mới qua học kỳ 1 vài ngày, tôi thấy con gái không đi học đã báo cho lãnh đạo nhà trường. Nhưng nhà trường nhiều lần trì hoãn, không giải quyết, kéo dài thời gian và cho cho rằng con gái tôi đã vi phạm quy định của Bộ GD&ĐT. Quá nhiều lần làm việc với nhà trường, tôi yêu cầu lập biên bản nhưng nhà trường né tránh, không lập”.

Còn Hiệu trưởng trường cho rằng, nhà trường đã không giải quyết được nguyện vọng của phụ huynh và không hòa được mâu thuẫn giữa phụ huynh và giáo viên bộ môn toán. “Tôi cũng mong muốn được gặp nữ sinh M. để hỏi rõ sự việc, nhưng gia đình không đồng ý. Phụ huynh tiếp tục khiếu nại nên vấn đề này ngoài khả năng giải quyết của nhà trường. Nhà trường nằm trong thế rất là khổ”, cô Tiến nói.

Tại văn bản trả lời của Phòng GD&ĐT TP Vĩnh Long, do ông Trần Dũ Lộc (phó trưởng phòng) ký, kết luận: Phòng giáo dục rút kinh nghiệm đối với Trường THCS Lê Quí Đôn trong việc xử lý công việc. Rút kinh nghiệm trong quá trình giải quyết khiếu nại, bắt buộc phải có biên bản ghi chép. Nhà trường cần hướng dẫn phụ huynh những bước tiếp theo khi không đạt kết quả hòa giải. Đối với cô Tiến, cần rút kinh nghiện bản thân trong việc giải quyết và cần nghiên cứu bồi dưỡng thêm.

Qua kết quả nghiên cứu hồ sơ và phiếu thăm dò học sinh, chưa đủ cơ sở kết luận cô T. có hành vi sỉ nhục học sinh. Nhưng bản thân cô T. cần rút kinh nghiệm trong quá trình ứng xử với học sinh phải có lời nói nhẹ nhàng thân thiện, tránh học sinh hiểu lầm là sỉ nhục.

Văn Vĩnh

Nguồn CAND: http://cand.com.vn/giao-duc/do-dang-viec-hoc-vi-cach-giai-quyet-cua-nguoi-lon-418978/