Đìu hiu khu tái định cư Đông Giang

Sau 10 năm di cư vào Nam sinh sống, 147 hộ dân tại thôn Đông Giang (xã Ea Dah, H. Krông Năng, Đắc Lắc) vẫn thuộc diện hộ nghèo "bền vững" tại địa phương. Để cải thiện cuộc sống cho người đồng bào nơi vùng núi hẻo lánh, chính quyền địa phương đã nỗ lực xây dựng gần 100 căn nhà và đưa dân Đông Giang ra khỏi khu vực rừng phòng hộ. Thế nhưng, chỉ một thời gian ngắn chuyển ra nơi ở mới, hầu hết hộ dân lại bỏ về rừng để lại khu tái định cư (TĐC) đìu hiu.

Năm 1996, 75 hộ dân người đồng bào H'Mông ở miền núi phía bắc di cư vào sinh sống tại thôn Đông Giang. Theo thời gian, số lượng hộ dân nơi đây đã tăng lên 157 hộ (trong đó có 1 hộ người Kinh), với 856 nhân khẩu. Trao đổi với P.V, ông Chảo A Pính, Thôn phó thôn Giang Đông cho hay: "Sau khi di cư vào Tây Nguyên, người đồng bào H'Mông chỉ biết sinh sống bằng sản xuất cây ngắn ngày như cây mì, bắp. Thế nhưng, do thiếu nước, đất ở đây lại quá nhiều đá, sỏi nên năng suất trồng trọt quá thấp. Thêm vào đó, do trình độ nhận thức thấp nên nhiều gia đình cứ "vô tư" sinh con, nhiều phụ nữ mới chỉ 17-18 tuổi đã một nách hai con..., khiến cuộc sống nhiều gia đình càng thêm khó khăn"... Năm 2005, chính quyền địa phương đã thực hiện dự án đưa dân ra khỏi khu vực rừng phòng hộ. Theo đó, 75 căn nhà được xây dựng gần trụ sở UBND xã Ea Dah để phục vụ cho việc di dân của đồng bào. Đồng thời, chính quyền địa phương còn cấp cho mỗi hộ 5 sào đất canh tác. Thế nhưng, việc vận động di dân không mấy dễ dàng đối với chính quyền địa phương. Theo đó, dù cho nhà cửa khang trang và đẹp hơn nhưng người dân cương quyết bám đất, bám rừng không chịu di chuyển đến nơi ở mới. Đến năm 2009, 75 hộ dân của thôn Đông Giang mới tự nguyện di dời đến khu TĐC. Tuy nhiên, chỉ một năm sau đó, hầu hết họ đều bỏ về thôn cũ nơi có rừng, rẫy để sinh sống.

Những đứa trẻ tại thôn Đông Giang phải tự chăm sóc mình khi thiếu vắng người lớn.

Vì thôn cũ không có điện, trường học, trạm y tế, lại quá xa khu dân cư nên khi quay trở lại núi rừng, hầu hết hộ gia đình đành phải để con em mình ở lại khu TĐC nhằm thuận lợi cho việc đến trường. Hàng ngày, hơn 100 đứa trẻ tại khu vực TĐC phải tự chăm sóc bản thân từ bữa ăn đến việc đến trường. Lủi thủi trong căn nhà trống vắng, em Hờ A Phàng (học sinh lớp 9 Trường THCS Chu Văn An) chăm sóc một đứa em và hai đứa cháu mấy năm nay. Hàng ngày, Phàng phải chuẩn bị quần, áo, đôi dép, bữa cơm... để mấy đứa nhỏ no bụng, đến trường. Phàng chia sẻ: "Từ ngày được cấp nhà mới, ba mẹ gần như ở trong rẫy. Cuối tuần em lại chạy vào rẫy lấy gạo, đồ ăn và vài chục ngàn mua rau để ăn cả tuần. Mỗi khi đau ốm, phải gọi điện cho ba mẹ về chăm sóc và đưa đi bệnh viện". Mới chỉ học lớp 4 nhưng em Sổng A Nụ đã biết lo cho đứa em 6 tuổi, từ giặt giũ, cho em học bài, chăm sóc, thuốc men mỗi khi ốm đau. Cứ thế, sự vất vả và thiếu thốn đã in hằn lên khuôn mặt của một đứa trẻ đang tuổi ăn, tuổi chơi. Hay đó là trường hợp của 3 anh em Hờ Thị Dở (học sinh lớp 4) phải tập làm quen với cảnh thiếu vắng bàn tay chăm sóc của ba mẹ. Sau mỗi giờ lên lớp, anh em Dở tự nhắc nhở nhau dọn dẹp nhà cửa, nấu ăn. Bữa cơm chỉ có mắm, muối và vài con cá khô nhưng với anh em Dở đó là niềm hạnh phúc. Dở nói: "Ba mẹ nghèo lắm. Một ngày làm việc vất vả trên nương cũng chỉ được vài chục ngàn để lo cho cả gia đình. Do vậy, chỉ cần có cơm để ăn là chúng em mừng lắm rồi".

Thương ba mẹ vất vả nên chị em Sùng Thị Pàng không ngừng phấn đấu học tập để có cái chữ với hy vọng mai này có cuộc sống tốt hơn. Điều khiến chúng tôi không khỏi ngạc nhiên là tối đến chị em Pàng lại bật đèn phin trên đầu để học bài thay vì thắp điện sáng. Hỏi ra mới biết vì không có tiền đóng tiền điện nên chị em Pàng phải học bằng ánh sáng le lói của chiếc đèn pin...

Nhiều căn nhà bị bỏ hoang, trộm hết mái tôn nhiều năm nay.

Ngoài ra, P.V còn ghi nhận nhiều căn nhà tại khu vực TĐC nói trên bị bỏ hoang nhiều năm nay. Thậm chí, nhiều căn nhà còn bị trộm hết mái tôn để lại trơ trọi những bức tường xanh rêu, mốc đen. Trao đổi với P.V, ông Đinh Xuân Hạnh, Chủ tịch UBND xã Ea Dah thông tin: "Sở dĩ người dân không chịu ở khu vực TĐC mà bỏ vào lại thôn cũ một phần vì không được tự do. Hơn thế, họ nói rằng 5 sào đất được cấp ở khu vực TĐC không đủ để lo cho gia đình nên đành quay vào rừng kiếm sống. Sau đó, chúng tôi đã vận động, thậm chí cưỡng chế nhiều lần nhưng vẫn không thay đổi được tình hình. Việc học hành của trẻ ở khu vực TĐC cũng là một vấn đề rất đáng quan tâm. Vì cuộc sống mưu sinh, bố mẹ phải vào rừng kiếm củ mì, trái bắp nên nhiều em đối diện với đói khát, thiếu thốn. Do đó, không ít học sinh bỏ việc đến trường để vào rẫy cùng bố mẹ mưu sinh. Hiện chính quyền địa phương đang tìm cách từng bước tháo gỡ những khó khăn, thiếu thốn của người dân thôn Đông Giang".

Thơ Trịnh

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/64_156845_di-u-hiu-khu-ta-i-di-nh-cu-dong-giang.aspx